Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chọn hướng đi đúng sau kỳ thi lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

 'Học ở đâu cũng vậy, quan trọng là học và lao động với đam mê. Tôi chọn học nghề điện mà mình thích, hiện đã đi làm, thu nhập 12 triệu/tháng', Hứa Nguyễn Trọng Tín chia sẻ.

Chọn hướng đi đúng sau kỳ thi lớp 10 - Ảnh 1.

Các em học sinh tốt nghiệp lớp 9 học nghề tại Trường trung cấp nghề Đông Sài Gòn, Q.9, TP.HCM – Ảnh: Q.PHƯƠNG

Không đậu vào lớp 10 công lập, học sinh còn nhiều lựa chọn những con đường đi khác nhau cho mình. Thực tế không ít học sinh tốt nghiệp các trường nghề học hành say mê, ra trường lập nghiệp, làm giàu bằng chính sức lao động và niềm đam mê của mình.

Học tập, lao động với niềm đam mê

Nguyễn Thanh Sang (Trường CĐ Lý Tự Trọng, TP.HCM) năm ngoái thi lớp 10 vào Trường THPT Nguyễn Thị Diệu nhưng không đậu. Một năm qua cũng là thời gian để Sang nhìn lại quyết định của mình khi đã chọn con đường học nghề.

"Cảm giác thi rớt cũng mặc cảm với bạn bè nhưng được giáo viên hướng dẫn, em đã nộp hồ sơ vừa học văn hóa vừa học nghề công nghệ kỹ thuật ôtô. Giờ em thấy mình đang đi đúng hướng, đúng năng lực".

 

"Ngày đó em xác định thi rớt thì học nghề, vì thấy những người thân phía nội cũng chỉ trung cấp, cao đẳng nghề mà công việc ổn định, thu nhập khá. Thế là em không ngần ngại nộp thẳng hồ sơ vào ngành du lịch, đúng ngành em thích".

Hứa Nguyễn Trọng Tín (lớp CB10, ngành điện công nghiệp và dân dụng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cũng không đủ điểm vào lớp 10 Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức). Tín chọn con đường học nghề kèm học văn hóa tại trường, đã tốt nghiệp trung cấp nghề và đi làm được 2 năm.

Tín chia sẻ: "Học ở đâu cũng vậy, quan trọng là học tập và lao động với đam mê. Tôi thích nghề điện, đi đúng hướng, đúng môi trường đào tạo và phát triển, gắn bó với nghề đến bây giờ.

Hiện tôi đã liên thông lên cao đẳng và đang làm điện công trình cho Tập đoàn Đất Xanh, lương trung bình khoảng 12 triệu đồng/tháng, có nguồn lương ổn định để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình".

Định hướng sớm – lựa chọn luôn đúng

Theo thống kê báo cáo kết quả học sinh, sinh viên tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017 của Trường CĐ Lý Tự Trọng, gần 89% người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Ông Phạm Hữu Lộc, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Số học sinh đào tạo vừa học văn hóa vừa học nghề khi rớt đầu vào THPT thì năm 2017 gần 1.400 em, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Số đầu vào này vẫn đảm bảo cho đến hôm nay, bởi chúng tôi định hướng trong môi trường này không khác trường phổ thông, cũng phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh, tổ chức họp phụ huynh sau mỗi học kỳ.

Đặc biệt, trường có kết hợp với nhiều doanh nghiệp bên ngoài, cho các em thực tập, đi thực tế, mời các doanh nghiệp giảng dạy để gắn kết đầu ra, tạo cơ hội việc làm cho các em, nhưng thực tế vào ngày hội việc làm thì không đủ nguồn cung cấp cho các doanh nghiệp.

Theo tâm tư của doanh nghiệp, họ rất "khát" lao động được đào tạo chuẩn nghề. Nói như vậy để thấy rằng các em có nhiều lựa chọn nhưng biết định hướng sớm là một lựa chọn luôn đúng".

Cũng nằm trong kế hoạch chương trình nâng cao chất lượng giáo dục của TP.HCM năm 2018 gắn đào tạo phát triển nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Xuân Toản, hiệu phó Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, thống kê dự kiến năm 2018 trường sẽ có gần 800 em các ngành.

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thông tin: "Tại TP.HCM hiện có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở GD-ĐT kết hợp với chúng tôi giải quyết thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp, và càng ngày việc học nghề được quan tâm.

Sở GD-ĐT cũng phối hợp với chúng tôi thực hiện những chương trình như "Cùng bạn chọn nghề cho tương lai", "Ngày hội việc làm"… Vì thế các em chọn và học nghề nói chung là một điểm sáng, một lựa chọn đúng vì tỉ lệ ra trường có việc luôn khá cao và đảm bảo".

Chọn hướng đi đúng sau kỳ thi lớp 10 - Ảnh 2.

Chọn học nghề thay vì du học

"Gia đình có điều kiện, có thể học trường tư, thậm chí là du học mà con phải vừa học vừa làm nghề vất vả, mình rất thương. Nhưng suy cho cùng, ai cũng phải có cái nghề. Nếu đã xác định ước mơ, thà để con học nghề, học thật giỏi. Đã không là thầy thì phải là thợ giỏi" – chị Nguyễn Thị Hồng Vân, có con trai không vào lớp 10 mà chọn học nghề, chia sẻ.

Tuổi thơ của Dũng, con chị, nghe biết bao điều về ba tấm bằng đại học của anh hai, những lần nhảy việc qua các ngân hàng và trở về học nghề ở tiệm sửa xe rồi kinh doanh xe. "Đại học cũng tốt, nhiều người có bằng đại học làm nhiều việc khác nhau, không giống chuyên ngành, không theo sở thích" – Dũng kiệm lời khi chia sẻ về người khác và chỉ xác định điều chắc chắn nhất là sở thích của mình.

Cô Nguyễn Thị Kim Chi, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.12, TP.HCM, nơi Dũng học lớp 9), cho rằng: "Có em đã xác định không thể học cao nhưng gia đình cứ ép vào trường công lập, tạo nên căng thẳng. Có em mê học nghề, gia đình bảo có điều kiện học nghề làm gì! Có em chưa định hướng gì cho tương lai, tiếng Anh dở mà gia đình muốn phấn đấu du học".

THẢO THƯƠNG – TƯỜNG HÂN/TTO

 

Bình luận (0)