HS Đà Lạt chăm chú lắng nghe Ban tư vấn tuyển sinh nói về một kỳ thi THPT quốc gia
|
Không chỉ liên tục quan tâm đến những điểm “nóng hổi” về kỳ thi THPT quốc gia trong dự thảo vừa được Bộ GD-ĐT công bố, học sinh TP.Đà Lạt còn chú ý tìm hiểu những môi trường học tập có điều kiện thực hành cao để đáp ứng tay nghề ngay khi ra trường.
Ngày 29-12, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn quyết định tương lai” chủ đề “Hiểu đúng mình – chọn đúng nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp Trường ĐH Quốc tế Miền Đông tổ chức tại TP.Đà Lạt đã nhanh chóng giải tỏa những băn khoăn lớn của học sinh.
Thực tập từ năm thứ 2
Học sinh Nguyễn Trọng Lạc (lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt) đại diện nêu băn khoăn chung của rất nhiều học sinh trực tiếp tham dự chương trình là làm thế nào để người học sau khi tốt nghiệp có đủ tay nghề đáp ứng ngay thị trường lao động, nhất là trong điều kiện cạnh tranh cơ hội việc làm khốc liệt hiện nay. TS. Ngô Minh Đức – Phó trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Quốc tế Miền Đông – chỉ ra 3 điểm hạn chế lớn nhất của sinh viên mới tốt nghiệp ở nước ta theo phản hồi của doanh nghiệp gồm: Yếu kỹ năng thực hành, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và không thạo ngoại ngữ. Những nhược điểm gây trở ngại cho các em trong cạnh tranh tìm kiếm cơ hội việc làm.
Trước câu hỏi của học sinh làm sao để khắc phục những nhược điểm này, TS. Đức cho rằng, các em có thể chọn cách theo học những chương trình đào tạo chú trọng kỹ năng thực hành và ngoại ngữ. Tại Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, theo TS. Đức, chương trình đào tạo chú ý bố trí thời lượng thực hành nhiều. Cụ thể, không đợi đến những năm cuối mà ngay từ năm thứ 2, sinh viên đã được nhà trường giới thiệu nhiều “kênh” thực tập để làm quen dần với môi trường thực tế.
TS. Nguyễn Văn Phúc (Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Miền Đông) nhấn mạnh thêm, việc sinh viên đi thực tập ngay từ đầu năm 2 nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo. Thời gian qua, nhà trường không chỉ luôn tìm cách kết nối sinh viên với doanh nghiệp trong nước, hàng chục sinh viên của trường cũng đã được cử đi thử sức thực tập tại Singapore và được đánh giá cao. Trong đó, có một số đề nghị giữ sinh viên lại làm sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, để thực tập thuận lợi ở môi trường quốc tế cũng như nắm bắt được cơ hội việc làm, TS. Phúc lưu ý người học trau dồi tốt khả năng ngoại ngữ. Thực tế, TS. Phúc nhìn nhận một trong 2 điều doanh nghiệp Đài Loan hay than phiền về sinh viên Việt Nam chính là yếu ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. “Trong khi đó, không có ngoại ngữ gần như người học đã tự loại mình ra khỏi thị trường lao động” – ông Phúc nói. Được biết, tại Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, sinh viên được tăng cường đào tạo ngoại ngữ ngay từ năm nhất. Đề án tuyển sinh năm nay của trường vừa chính thức được bộ duyệt, theo đó, trường dành 60% chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh, số còn lại xét học bạ phổ thông.
Một kỳ thi, nhiều cơ hội
Cũng như nhiều thí sinh trên cả nước, những điểm mới trong dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiện đang được học sinh TP.Đà Lạt đặc biệt quan tâm. Giải tỏa những băn khoăn này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết, cách đây khoảng 10 ngày Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015. Trước đó, bộ cũng đã thông tin việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ. Với quy định mới, ở các môn bắt buộc, phòng thi sẽ đông thí sinh bởi lượng dự thi đầy đủ. Tuy nhiên, lượng thí sinh ở các môn tự chọn sẽ không đồng đều, có phòng nhiều phòng ít. Việc sắp xếp phòng thi vì thế sẽ được tổ chức kỹ càng hơn nhưng thí sinh cũng cần chú ý để tránh nhầm phòng. Năm nay, cả nước có trên 30 cụm thi. Theo TS. Nghĩa, việc đăng ký chọn môn thi hết sức quan trọng vì nó quyết định khâu xét tuyển vào ĐH-CĐ. Cơ hội vào ĐH-CĐ rộng hơn khi thí sinh đăng ký chọn 5-6 môn. TS. Nghĩa đánh giá, trước đây thi “3 chung”, để có nhiều cơ hội vào ĐH-CĐ thí sinh phải thi 3 đợt với rất nhiều môn. Sắp tới, dù chỉ thi trong 1 đợt duy nhất, thí sinh vẫn có nhiều cơ hội. So với thi “3 chung” trước đây, kỳ thi THPT quốc gia góp phần giảm tải đáng kể áp lực. Bên cạnh đó, với việc các trường ĐH-CĐ tự tổ chức thi lẫn xét tuyển như trước đây thì việc kỳ thi được tổ chức riêng sau đó mới xét tuyển như hiện nay sẽ đảm bảo tính khách quan hơn.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) lưu ý, theo quy định của Bộ GD-ĐT học sinh học ở trường nào sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường đó. Thí sinh tự do nộp tại các điểm do các sở GD-ĐT quy định. Học sinh khi lựa chọn ngành nghề, cần tìm hiểu cụ thể phương thức tuyển sinh của các trường qua thông tin trên website, các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với việc lựa chọn ngành nghề, ông Cường cho rằng, sở thích quan trọng nhưng có thể thay đổi theo thời gian. Thí sinh cần đặc biệt chú ý đến sở trường bởi khả năng đáp ứng ngành nghề cũng quan trọng không kém. Để xác định sở trường, thí sinh có thể tham gia thử các bài trắc nghiệm trên mạng… |
Bình luận (0)