Thông qua kết quả học tập các môn học, tham gia các hoạt động rèn luyện ở trường THCS…, học sinh có thể phần nào biết được năng lực, phẩm chất của bản thân gắn với thiên hướng nghề nghiệp sau này.
Khi chọn nguyện vọng trường THPT công lập trong kỳ thi tuyển sinh 10, phụ huynh và học sinh lớp 9 cần quan tâm đến việc tổ chức môn học lựa chọn của trường, gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh băn khoăn, con mình mới chỉ kết thúc bậc THCS, ở lứa tuổi 15, 16 thì khó xác định được định hướng nghề nghiệp, căn cứ vào đâu để biết con có thiên hướng nghề nghiệp nào mà chọn nhóm môn học lựa chọn. Bậc THCS vẫn là bậc học tập trung nhiều nhất về mặt kiến thức. Trong quá trình học tập ở bậc THCS, nhất là năm học lớp 9, giáo viên chủ nhiệm có thể nhìn thấy được năng lực và phẩm chất thể hiện của học sinh. Cho nên vai trò đầu tiên trong việc giúp học sinh định hướng được thiên hướng nghề nghiệp sau THCS đó là giáo viên chủ nhiệm. Một điều nữa cũng rất quan trọng giúp học sinh nhìn ra được thiên hướng nghề nghiệp của mình, đó là thông qua các khảo sát, hoạt động, để làm sao các em thể hiện được năng lực của mình, qua đó bộc lộ thiên hướng nghề nghiệp; đó là năng lực về truyền thông, nghiên cứu khoa học, công tác xã hội… Những điều này phải dựa vào các hoạt động của nhà trường, các cuộc khảo sát. Ở lứa tuổi 15, 16, học sinh có thể thay đổi sở thích liên tục. Thế nhưng, năng lực và phẩm chất riêng của mỗi em đối với nghề nghiệp đó thì rất khó thay đổi.
Khi học sinh đậu vào trường THPT, các trường đều có phần tư vấn chung, tư vấn riêng giúp học sinh chọn được môn học lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Ví dụ, ở Trường Trung học Thực hành, ngay đầu năm học lớp 10, nhà trường thực hiện khảo sát rất kỹ học sinh lớp 10 về định hướng nghề nghiệp, về môn học yêu thích, về môn học mà các em tin rằng mình có thể đạt thành tích cao. Từ thiên hướng của học sinh về môn học yêu thích và định hướng nghề nghiệp, nhà trường căn cứ vào kết quả học tập của các em ở bậc THCS, phân tích các dãy điểm để đánh giá rằng học sinh đang đi theo định hướng gì. Từ đó tiếp tục tư vấn cho phụ huynh và học sinh, thậm chí là thực hiện phỏng vấn sâu, gắn với các môn học mà học sinh yêu thích để có định hướng sâu sát, phù hợp nhất với môn học lựa chọn. Ví dụ, có những học sinh học môn hóa rất yếu nhưng lại thích đi theo ngành y. Với trường hợp này, trong quá trình tư vấn, nhà trường sẽ làm thật kỹ để phụ huynh và học sinh nhìn rõ vào năng lực của mình khi lựa chọn.
Hiện nay trường THPT nào cũng có môi trường học tập tốt, quan trọng là mục tiêu học tập của học sinh thế nào?
Khi chọn trường THPT công lập trong kỳ thi tuyển sinh 10, phụ huynh cần lưu ý: điểm đầu vào và chất lượng giảng dạy của trường không đi cùng nhau. Điểm đầu vào không quyết định chất lượng giảng dạy của ngôi trường THPT. Để đánh giá chất lượng giảng dạy của mỗi ngôi trường còn căn cứ vào rất nhiều yếu tố, bên cạnh các thế mạnh học thuật.
ThS. Nguyễn Thị Tú
(Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Nghiên cứu kỹ để sử dụng 3 nguyện vọng hiệu quả nhất
Kết thúc bậc THCS, các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình có thể theo học tại các trường THPT công lập có môi trường giáo dục tốt, trường có “tiếng tăm” bởi quan điểm “chỉ học ở những trường đó con mình mới thành công”. Vì vậy, khó khăn lớn nhất trong công tác tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 công lập là tư vấn làm sao để phụ huynh đặt nguyện vọng phù hợp nhất với năng lực học tập của học sinh. Mỗi học sinh sẽ có 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập thường, phụ huynh cần phải nghiên cứu thật kỹ để sử dụng 3 nguyện vọng này một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, quan điểm của phụ huynh vẫn là dựa vào điểm chuẩn hàng năm của từng trường THPT để đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường – điểm chuẩn của trường càng cao thì chất lượng giáo dục của trường càng tốt. Nhiều học sinh có năng lực học tập chỉ ở mức vừa phải nhưng phụ huynh lại mong muốn con đặt nguyện vọng vào những trường có điểm chuẩn đầu vào cao, do quá kỳ vọng vào con. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng trường THCS chỉ là tư vấn, còn quyền quyết định lựa chọn vẫn thuộc về phụ huynh, học sinh.
Phụ huynh cần biết rằng, các nguyện vọng có giá trị như nhau nhưng được xét theo thứ tự ưu tiên, vì vậy bao giờ cũng sẽ ưu tiên nguyện vọng 1 trước, rồi mới xét đến nguyện vọng 2, 3. Nguyên tắc xét tuyển của ngành giáo dục TP.HCM là nguyện vọng sau thường cao hơn nguyện vọng trước, chỉ một số ít trường hợp là nguyện vọng sau bằng nguyện vọng trước. Đặc biệt, phụ huynh cần lưu ý, hiện nay tại TP.HCM, môi trường giáo dục của trường THPT nào cũng tốt. Về đội ngũ giáo viên, theo Luật Giáo dục 2019, tất cả giáo viên công tác tại trường THPT phải đảm bảo trình độ từ ĐH trở lên, đảm bảo các quy định về nghề nghiệp; về cơ sở vật chất, tất cả các trường THPT trên địa bàn thành phố, từ ngoại thành đến nội thành, đều được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp, đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện giảng dạy trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Các trường đều hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh. Do đó, phụ huynh cần thay đổi quan điểm trường tốp trên, trường tốp dưới – trường nào cũng dạy cùng một chương trình giáo dục. Điều quan trọng là học sinh học ở môi trường đó có định hướng như thế nào, mục tiêu học tập ra sao để tạo được sức bật học tập.
Nguyễn Thị Ngọc Thủy
(Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.3)
Bình luận (0)