Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn ngã rẽ cho học sinh bước vào đời

Tạp Chí Giáo Dục

 

Tham quan các thiết bị máy móc tại Trường ĐH SPKT TP.HCM. Ảnh: T.HẢI

Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và tư vấn học đường là một yêu cầu không thể thiếu trong nhà trường trung học. Nếu được định hướng để lựa chọn con đường học tập phù hợp với khả năng của bản thân thì các em học sinh (HS) sẽ tránh được lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc…
GDHN chưa được coi trọng
Theo Thạc sĩ Lâm An, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Hiện nay vai trò GDHN chưa được coi trọng, việc học nghề của HS phổ thông không được quan tâm, nhiều trường tự ý bỏ sinh hoạt hướng nghiệp. Việc xa rời hướng nghiệp, coi nhẹ giáo dục lao động, không gắn nhà trường với đời sống sản xuất… là một trong những nguyên nhân làm cho hệ thống trường phổ thông lạc hậu so với nhà trường của những nước có nền công nghiệp phát triển”.
Theo điều tra của Viện Khoa học Giáo dục, hàng năm số lượng tuyển sinh vào bậc THPT có trên 400.000 HS, sau khi tốt nghiệp chỉ có 19,7% HS vào các trường ĐH, CĐ; 7,4 % vào các trường TCCN và chỉ có 4,9% học nghề. Như vậy, còn khoảng 200.000 – 300.000 HS THPT và 50.000 HS tốt nghiệp THCS bổ sung vào lực lượng xã hội mà chưa được đào tạo nghề. TS. Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận phân tích: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác tuyên truyền hướng nghiệp chưa sâu rộng, chưa đồng bộ đối với HS lớp 9 và THPT. Công tác tuyên truyền chỉ có một lần trong năm học vào thời điểm HS sắp làm hồ sơ đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10. Đồng thời ở địa phương, các phường chưa chủ động có những hình thức tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng việc học nghề tại các trường chuyên nghiệp trước hè mà chờ kết quả các em thi hỏng tốt nghiệp THPT và chưa vào học lớp 10 mới vận động các em vào học trường nghề…”. Đối tượng được tuyên truyền có yếu tố quyết định là phụ huynh nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Ông Hồ Đắc Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho rằng: “Phụ huynh HS vẫn chưa nhận thức được năng lực trình độ, thiếu thông tin để định hướng cho con em mình chọn ngã rẽ sau THCS mà cứ phải vào lớp 10 để rồi bỏ dở nửa chừng ở trình độ phổ thông vì không theo nổi”.
Giải pháp giúp HS đứng vững trong tương lai
GDHN là điều hết sức quan trọng, vì vậy cần có những biện pháp hướng nghiệp cụ thể, rõ ràng hơn trong nhà trường trung học để giúp HS tránh ngồi nhầm chỗ.
Thạc sĩ Lâm An khẳng định: “GDHN là quá trình điều chỉnh liên tục động cơ chọn nghề của HS, phải giúp HS có định hướng và hình thành hứng thú vào những nghề mà xã hội cần phát triển. Vì vậy, giáo viên phải nắm vững xu thế phát triển nghề trong xã hội, đặc biệt là những nghề ở địa phương để tư vấn chọn nghề cho HS”.
Lực lượng làm công tác hướng nghiệp cho HS là các tổ chức Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể… TS. Ninh Văn Bình thì cho rằng, do quen với nếp nghĩ truyền thống trước đây của các bậc cha mẹ là chỉ muốn con em mình tiếp tục học bậc trung học tại các trường THPT nên đòi hỏi lực lượng tuyên truyền phải kiên trì phổ biến những lợi ích thiết thực trong việc theo học tại các trường chuyên nghiệp. Công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS phải được thực hiện ngay từ lớp đầu cấp THCS”.
Đối với nội dung chương trình GDHN hiện nay, Thạc sĩ Lâm An (Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT) cho rằng cần thiết lập các hệ thống chương trình và tài liệu phục vụ GDHN theo “nhóm” các chủ đề. Trong nội dung chương trình hướng nghiệp, cần có phần thích đáng dành cho địa phương nhằm trực tiếp góp phần hướng việc học tập của HS gắn với cộng đồng, với thực tiễn phát triển vốn hết sức phong phú và đa dạng theo các vùng miền…
Sự đầu tư của Nhà nước là một điều kiện thiết yếu góp phần nâng cao hiệu quả GDHN. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích cho người học, người dạy TCCN và thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú chia sẻ: “Nên có các chế độ chính sách (miễn, giảm học phí, học bổng…) cho các HS theo học hệ TCCN, trung cấp nghề để khuyến khích, động viên các em theo học”.
Xác định được mục tiêu, năng lực trình độ của mình để lựa chọn nghề là điều khá khó khăn đối với nhiều HS. Vì vậy, các trường phổ thông cần đẩy mạnh hơn nữa công tác GDHN và tư vấn học đường có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp vĩ mô đến vi mô để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất, giúp các em đứng vững trong tương lai.
DƯƠNG BÌNH
“Không chỉ có các trường chuyên nghiệp đơn phương giới thiệu về hoạt động giảng dạy của trường mình mà cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân để tạo một sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và niềm tin của mỗi gia đình, mỗi HS về con đường học tập tại các trường chuyên nghiệp” – TS. Ninh Văn Bình khẳng định.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)