Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn ngành: Cần rạch ròi giữa sở thích và năng lực

Tạp Chí Giáo Dục

TS xem lại bài làm sau môn thi. Ảnh: T.Tr

Lựa chọn ngành nghề như thế nào để có thể vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa có được một công việc tốt khi ra trường là trăn trở lớn nhất của nhiều thí sinh (TS) trước mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Rạch ròi giữa sở thích và năng lực
Chọn nghề, chọn ngành học tức là chọn lựa tương lai. Chính vì thế không phải ngẫu nhiên mà việc lựa chọn ngành nghề được ví như một bước ngoặt có tính chiến lược của mỗi cá nhân khi bước vào đời. Trong thời kỳ hội nhập, xác định cho mình một ngành nghề phù hợp với khả năng, điều kiện, sở trường mà vẫn đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội là điều không đơn giản.
Trước vấn đề này, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH& NV TP.HCM) khuyên rằng: “Chọn nghề, hãy mở rộng cho mình nhiều cơ hội, khi có nhiều sự lựa chọn TS sẽ biết rõ mình muốn gì nhiều hơn. Đồng thời TS nên phân biệt điều gì mình thích nhất, thế mạnh của mình là gì. Đừng nhầm lẫn giữa điều mình thích và điều mình có thể làm được vì nhiều khi điều mình thích nhưng chưa hẳn đã làm được”. Thực tế có rất nhiều TS khi đăng ký dự thi thường chạy theo sở thích mà bỏ qua yếu tố năng lực và trình độ của bản thân. Đơn cử có nhiều thí sinh yêu thích ngành báo chí, trở thành SV khoa báo chí nhưng sau khi tốt nghiệp đành phải rẽ ngang, chọn một công việc không dính dáng đến nghề báo vì bản thân không viết được một bài báo nào. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng theo đuổi một số ngành nghề mới, có tên gọi rất hay của TS ngày càng cao dù bản thân các em còn mơ hồ về ngành học, ra trường không biết sẽ làm công việc gì, ở lĩnh vực nào cho phù hợp. Chính vì thế có những SV “đeo đuổi” và tốt nghiệp với trình độ cử nhân các chuyên ngành nghe rất “kêu” nhưng tính chất nghề nghiệp lại không thực tế. Thường các SV này sau đó làm những nghề mà hầu như không liên quan gì với kiến thức mình đã được học trong trường ĐH.
Ở góc độ tư vấn hướng nghiệp, TS. Lê Thị Thanh Mai (Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH thuộc ĐHQG TP.HCM) cho rằng, TS nên chọn cho mình những ngành có phạm vi đào tạo rộng, mang tính chất đa ngành, liên ngành sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn bởi trong tương lai, nhu cầu của xã hội sẽ còn nhiều biến động và thay đổi. Còn theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM thì: “Những ngành học có lợi thế ở nước ta như điện tử, cơ khí, CNTT, CN thực phẩm, các ngành dịch vụ… cũng sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, TS đừng quá bó buộc vào một nghề nào đó để tìm ra một ngành phù hợp”.
Hiểu đúng ngành nghề
Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, có rất nhiều TS vì chưa hiểu đúng về ngành nghề nên chưa có sự lựa chọn đúng đắn. Chẳng hạn các em cho rằng ngành cơ khí, nông lâm là cày, cấy với một điều kiện làm việc vất vả nên thường lảng tránh không đăng ký dự thi trong khi xã hội lại đang rất cần nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này.
TS. Lê Thị Thanh Mai cho rằng, trên cơ sở yêu thích ngành học, chọn ngành phù hợp với sở thích của bản thân, TS còn cần có một cái nhìn chính xác, hiểu đúng hơn về các ngành nghề trước khi đăng ký dự thi. Theo đó, TS cần xem ngành đó được đào tạo ở những trường nào, tiếp đến là cân nhắc năng lực của bản thân thông qua tham khảo điểm chuẩn của các năm. Sau đó cần xem xét dự báo nhu cầu của ngành nghề mình lựa chọn sau 4 – 5 năm nữa để đi đến quyết định cuối cùng. Quá trình này sẽ giúp các em có được một công việc phù hợp với khả năng song vẫn thích ứng được với các nhu cầu nhân lực của xã hội trong hiện tại đồng thời có khả năng phát triển bền vững trong tương lai. PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH SPKT TP.HCM khuyên: “TS cần tìm hiểu thông tin về chuẩn đầu ra của các trường để hình dung khả năng việc làm, nhu cầu nhân lực nhằm hiểu rõ hơn về các ngành nghề hiện nay. Không nên dựa vào những định hướng thiếu cơ sở hoặc chạy theo bạn bè khi đăng ký dự thi ĐH, CĐ”.
Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)