Chọn ngành nào để sau khi ra trường có một chỗ đứng là mối băn khoăn của nhiều bạn học sinh sắp bước vào kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới. Tuổi Trẻ cung cấp thêm một số thông tin để các bạn cân nhắc.
Đóng tàu tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Đây là những ngành nghề rất cần trong vài năm tới Ảnh: N.C.Thành |
Kết quả đánh giá các chỉ số nhân lực cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng vẫn đang diễn ra, đặc biệt là lao động trình độ cao, dù trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Bộ LĐ-TB&XH dự báo đến năm 2010, cả nước có 50 vạn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là những cơ sở sử dụng số lượng lao động khổng lồ.
Công nghệ thông tin, kỹ thuật
Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh chóng nhất mấy năm gần đây. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây, ngành công nghệ thông tin của VN đã vươn lên chín bậc trong năm 2007-2008, xếp thứ 73 trong bảng xếp hạng 127 quốc gia. Những thông tin chính thức cũng cho thấy Nhà nước đang dành cho ngành công nghệ thông tin rất nhiều ưu tiên.
Dự báo nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin trong thời gian tới vẫn rất lớn. Chỉ riêng TP.HCM, đến năm 2010 nhu cầu lao động ngành công nghệ thông tin sẽ cần đến hơn 91.000 người. Trong đó tối thiểu có hơn 30.000 người được đào tạo ở trình độ ĐH. Số còn lại cần trình độ CĐ và trung cấp. Tính ra mỗi năm thành phố cần được cung ứng một lực lượng lao động ngành công nghệ thông tin lên đến 30.000 người. Thế nhưng hiện hằng năm các trường trên địa bàn thành phố mới chỉ đào tạo khoảng 11.000 chuyên viên công nghệ thông tin có trình độ từ CĐ trở lên.
Bên cạnh đó, một lĩnh vực ít được thí sinh để ý nhưng lại có nhu cầu rất lớn là những ngành học liên quan đến đóng tàu. Tháng 3-2008, VN đã chính thức trở thành quốc gia có năng lực đóng tàu đứng thứ năm trên thế giới sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đức và đang trên đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, ngành đóng tàu hiện đang thiếu lực lượng cán bộ quản lý cấp trung, kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân có tay nghề cao.
Tài chính – ngân hàng, du lịch
Thời điểm này mà nói đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng e nhiều người sẽ… lắc đầu. Nhưng chỉ mới một năm trước, đây là nhóm ngành có tốc độ nhân lực gia tăng vào loại nhất nhì trong tất cả các nhóm ngành với tỉ lệ gần 400% mỗi quý. Tại Hà Nội, số lượng tuyển dụng nhóm ngành này năm 2007 tăng gấp đôi so với năm 2006.
Dự báo từ nay đến năm 2015, nhu cầu lao động trong nhóm ngành này vẫn có tốc độ tăng mạnh. Riêng TP.HCM, đến năm 2010 tổng số lao động dự kiến khoảng 70.000.
Đối với nhóm ngành du lịch, nhà hàng khách sạn, nước ta đang có một lợi thế rất lớn về nguồn tài nguyên và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, hai yếu tố này không “kéo” nổi các yếu tố khác, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, VN được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 96 trên 130 quốc gia về chỉ số cạnh tranh của ngành du lịch. Điều này cho thấy một cơ hội rất lớn đối với nhân lực nhóm ngành này. Theo UBND TP Hà Nội, mức gia tăng nhân lực làm việc trong ngành du lịch hằng năm lên đến 80%. Nhưng hầu hết doanh nghiệp lớn, kể cả các khách sạn lẫn công ty du lịch lữ hành quốc tế, không năm nào tuyển đủ người, nhất là những vị trí cao cấp. Thậm chí tại TP.HCM nhu cầu còn cao hơn.
Dự báo đến năm 2015, nhu cầu lao động trong ngành du lịch, khách sạn tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 2008. Thí sinh có đam mê làm việc trong lĩnh vực du lịch có thể chọn một trong các ngành học như: du lịch, kinh tế du lịch, văn hóa du lịch, địa lý du lịch, ngoại ngữ và nhiều ngành học liên quan khác. Những ngành học này đang được đào tạo tại khá nhiều trường như: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một số trường thành viên ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng…
Đừng bỏ qua nhu cầu nhân lực địa phương Thí sinh cũng có thể lựa chọn cho mình một ngành học liên quan đến định hướng phát triển của địa phương, khu vực mình. Chẳng hạn như TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt trên cao. Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2015-2020, thành phố cần đến 2.500 cán bộ quản lý, điều hành những hệ thống như vậy. Nhiều ngành học khác được dự báo rất có “tương lai” như: công nghiệp cơ khí, công nghệ chế biến lương thực – thực phẩm, kỹ thuật nông nghiệp, nông nghiệp đô thị… Đây đều là những nhóm ngành mà xã hội sẽ rất cần trong thời kỳ hình thành một cơ cấu lao động mới có trình độ cao. |
HÙNG THUẬT (TTO)
Bình luận (0)