Ở nhóm ngành kinh tế, dù rất đa dạng về ngành đào tạo song các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để theo học nhóm ngành này, người học cần có những tố chất riêng…
Các chuyên gia tư vấn tham gia chương trình
Đây là thông tin được đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2020 với chủ đề “Nhóm ngành kinh tế và nhân lực hội nhập quốc tế”. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tổ chức mới đây.
Tố chất nào để theo học nhóm ngành kinh tế trong thời hội nhập?
Phân tích tổng quan về nhóm ngành kinh tế, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho hay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, xu hướng cơ cấu ngành kinh tế đòi hỏi rất cao. Nhóm ngành này bao gồm các ngành: Quản trị kinh doanh, marketing, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, kế toán kiểm toán, quản trị quản lý, kinh tế học…, được đào tạo ở các bậc từ TC, CĐ đến ĐH. “Với sự đa dạng trong nhóm ngành này, khi lựa chọn các em nên cân nhắc, chọn ngành chọn trường vừa phù hợp với xu hướng nhưng vừa thích nghi với sự thay đổi. Đặc biệt là rèn cho mình khả năng học tập suốt đời để có thể tự khởi nghiệp”, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết. Trong khi đó, nhìn nhận về những yêu cầu cần và đủ để theo học nhóm ngành kinh tế trong kỷ nguyên hội nhập, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) cho rằng tố chất đầu tiên là đòi hỏi biết hợp tác với người khác thể hiện qua năng lực biết lắng nghe được thực hành từ trong lớp học như lắng nghe thầy cô, lắng nghe bạn bè mình. Cạnh đó là biết chấp nhận sự khác biệt của người khác để từ đó hình thành những nhu cầu, ý tưởng. Tố chất này có thể được vun bồi bằng cách chấp nhận sự khác biệt từ chính bạn bè, những người xung quanh. Biết quan sát, phân tích và đúc kết, tố chất này được rèn luyện bằng cách biết chọn lọc những thông tin chính thống từ tin tức, tìm kiếm những thông tin tích cực để ứng dụng cho xã hội.
Chọn ngành nào giữa “đam mê và khả năng”?
Gỡ nút thắt trong băn khoăn này, TS. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng đam mê và khả năng hoàn toàn khác nhau nhưng lại có liên hệ với nhau, người học cần cẩn trọng phân biệt giữa ham mê và đam mê. Ham mê có thể dễ nhầm sang đam mê, bởi đều có chung một điểm là say sưa mà không mưu cầu gì. Khác biệt ở đây là đam mê phải có ích cho xã hội, là công việc mà xã hội cần. Do đó, lời khuyên được TS. Nguyễn Thanh Tùng đưa ra là nên chọn những ngành mình có khả năng, bởi có khả năng sẽ có đam mê.
Là trường đào tạo theo hướng quốc tế, các ngành kinh tế tại HIU không chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên ngành mà còn đáp ứng đầy đủ các kỹ năng, nhất là kỹ năng ngoại ngữ giúp sinh viên dễ dàng hội nhập quốc tế sau khi ra trường. Với ngành quản trị kinh doanh, PGS.TS Trần Mạnh Hà (Phó Hiệu trưởng HIU) cho hay, ngành này hiện liên kết với trường ĐH tại Thụy Sĩ theo chương trình 2+2 (2 năm học ở Việt Nam, 2 năm học ở Thụy Sĩ), tốt nghiệp nhận 2 bằng: Thụy Sĩ và Việt Nam. Tương tự, với ngành logistics, nhiều học sinh đặt câu hỏi là ngành này có phù hợp với nữ không? ThS. Nguyễn Thị Thanh Thảo (phụ trách Khoa Đào tạo quốc tế, HIU) giải đáp, logistics là ngành học rất tiềm năng, triển vọng và cơ hội việc làm cao, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành học giúp sinh viên thấy toàn cảnh bức tranh trong tiêu thụ vận tải, từ khâu đầu vào đến đầu ra. “Không chỉ là kho bãi, nhìn rộng hơn còn là khâu lập nhu cầu, lấy nhu cầu, các phân đoạn trong quản lý chuỗi cung ứng. Những công đoạn này rất phù hợp cho các bạn nữ, nhất là trong thời đại 4.0”, ThS. Nguyễn Thị Thanh Thảo nói.
Chọn bài thi phải phù hợp với tổ hợp xét tuyển Lưu ý học sinh khi chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội để dự thi THPT quốc gia, TS. Lê Thị Thanh Mai nhấn mạnh, chọn bài thi nào tùy vào việc sử dụng môn nào làm tổ hợp xét tuyển theo hướng đăng ký ngành nghề của bản thân, vì thế các em cần phải cân nhắc thật kỹ, tránh chọn theo bạn bè, theo xu hướng. Nhiều học sinh có tâm lý lựa chọn những ngành mới mở để xét tuyển vì cho rằng ngành mới là ngành “hot”; ngành mới thì số người biết không nhiều nên dễ đậu. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2020, chỉ tiêu của những ngành mới đã được Bộ GD-ĐT khống chế, không quá 50 chỉ tiêu trong mỗi ngành. “Khi yêu thích ngành nào, các em nên bám sát vào mục tiêu ngành đó, tránh trường hợp chọn quá nhiều ngành, trúng tuyển nhiều không biết chọn ngành nào để học, không biết ngành nào mình thực sự yêu thích, khi học dễ bị mệt mỏi. Ngay từ bây giờ các em hãy xác định lại những ngành yêu thích có phải là ngành mình muốn gắn bó suốt cuộc đời hay không, để từ đó xây dựng mục tiêu phấn đấu”, TS. Lê Thị Thanh Mai nhấn mạnh. |
Ngoài chương trình liên kết 2+2, ở HIU, một điểm đáng chú ý là rất đa dạng các hình thức đào tạo quốc tế như du học tại chỗ từ năm 2020 thông qua liên kết với trường ĐH top 200 thế giới của Anh, học hoàn toàn tại Việt Nam nhưng nhận bằng quốc tế. Năm 2020, HIU có 16 ngành đào tạo bằng tiếng Anh ở nhiều nhóm ngành: Luật, Luật Kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kỹ thuật… “Đối với các chương trình liên kết, chương trình du học tại chỗ sẽ phù hợp cho các em chưa tốt về khả năng tiếng Anh, ngại làm quen với môi trường mới. Dù học tại Việt Nam nhưng cơ hội việc làm tương đương với du học sinh tại nước ngoài. Trong quá trình học vẫn có thể chuyển tiếp sang học nước ngoài”, ThS. Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)