Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn ngành không chỉ dựa vào môn học nổi trội

Tạp Chí Giáo Dục

Bí quyết chọn ngành học, trường học phù hợp là những thông tin được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 diễn ra tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1) ngày 19-10.


ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, UEF) đang chia sẻ phương pháp chọn ngành học phù hợp với các em học sinh Trường THPT Trương Vương tại chương trình

 

Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển Giáo dục – Đào tạo phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

Giỏi môn nào không phải là phù hợp với ngành học đó

Một trong những quan điểm sai lầm khi chọn ngành học của học sinh hiện nay là chọn theo xu hướng “giỏi môn nào thì chọn ngành học theo môn đó”. Ví dụ, học giỏi môn hóa sẽ nghĩ bản thân phù hợp với ngành công nghệ thực phẩm; giỏi môn văn sẽ chọn sư phạm văn… Theo ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, HUTECH), việc giỏi một môn học nào ở bậc phổ thông chỉ giúp người học có ưu thế hơn khi học tiếp lên ĐH ở những ngành học liên quan chứ không chắc chắn rằng người học sẽ phù hợp với ngành đó. “Có nhiều em học giỏi ở phổ thông nhưng khi lên ĐH lại không giỏi. Việc các em giỏi ở bậc phổ thông chỉ giúp có ưu thế hơn khi xét tuyển vào các trường ĐH, còn việc giỏi ở bậc ĐH lại phụ thuộc vào phương pháp học của chính các em”, ThS. Ngọc Phương chia sẻ.

Cũng theo ThS. Ngọc Phương, việc học giỏi ngành học nào đó ở bậc ĐH sẽ còn phụ thuộc vào sự phù hợp của người học đối với ngành đó cũng như định hướng phát triển của người học trong tương lai. “Khác với bậc phổ thông, học ĐH thì lý thuyết là nền tảng còn thực hành mới là yếu tố then chốt. Vì thế, việc các em giỏi ở một môn nào đó không có nghĩa là các em sẽ phù hợp với ngành học đó, mà chỉ có phần lợi thế hơn”, ThS. Ngọc Phương nhìn nhận. Trong khi đó, ThS. Nguyễn Hoàng Hưng (Trưởng khoa Kinh tế Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn) cho rằng khi chọn bất cứ ngành học nào, người học cũng cần phải có đam mê, sự ham thích thì mới có thể tiến xa trong ngành. Các em không nên chọn ngành theo xu hướng ngành hot, trường hot, hay chọn theo bạn bè, chọn khi chưa hiểu biết rõ về ngành. Mọi quan điểm sai về chọn ngành đều có thể dẫn đến những sai lầm trong công việc.

Chia sẻ công thức chọn ngành phù hợp với học sinh, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, UEF) cho biết để chọn được ngành phù hợp với bản thân, người học cần xác định được ngành học mà bản thân yêu thích căn cứ trên lực học, sở trường của mình. Kế đó, chọn đến bậc học, trường học, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. “Chọn ngành nào các em cũng phải bình tĩnh để xác định được giá trị tương lai của mình. Giá trị hành nghề là do chính các em tạo nên chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào trường học, bậc học mà các em lựa chọn”, ThS. Doãn Nguyên nhấn mạnh.

Lựa chọn trường ĐH công lập hay tư thục?

Hiện nay, xu hướng đào tạo của các trường ĐH gần như có sự đồng đều giữa môi trường công lập và tư thục. Việc các trường ĐH đa dạng các phương thức xét tuyển cũng tạo điều kiện cho người học rộng cửa vào ĐH. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn băn khoăn giữa việc học trường công lập hay tư thực. Giải đáp băn khoăn này, ThS. Phạm Doãn Nguyên cho rằng lựa chọn trường học nào, dù công lập hay tư thục, thậm chí là môi trường đào tạo quốc tế đều không quan trọng bằng việc người học chọn được đúng ngành phù hợp năng lực, sở thích, đam mê của bản thân. Ngay cả khi chọn bậc học cũng vậy, dù là học CĐ hay ĐH, miễn sao bậc học đó, ngành học đó phù hợp với năng lực học tập, điều kiện tài chính của gia đình. Bậc học nào cũng đều có cơ hội việc làm rộng mở, miễn là bản thân người học có sự cố gắng.

Cũng theo ThS. Doãn Nguyên, hiện nay người học có xu hướng chọn các ngành liên quan đến quốc tế. Tuy nhiên, khi chọn các ngành học có xu hướng quốc tế, người học cần hết sức lưu ý, cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố. “Ngành học có xu hướng quốc tế sẽ phù hợp với những người có xu hướng hướng ngoại và có lợi thế về ngoại ngữ, đồng thời đó là đòi hỏi về khả năng hội nhập văn hóa tốt, khả năng thích ứng với các môi trường khác nhau”, ThS. Doãn Nguyên nói.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)