Trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) mới đây, các chuyên gia đã giải đáp cặn kẽ những câu hỏi của học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề, đồng thời đưa ra những lời khuyên bổ ích giúp các em chọn đúng theo năng lực, sở trường của bản thân.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Không muốn lãng phí thời gian thì cần chọn nghề chính xác
Đây là lời khuyên được chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự đưa ra cho học sinh khi lựa chọn ngành nghề. Theo ông Sự, công việc là thứ gắn bó với mỗi người lâu dài. Vì vậy, khi xác định lựa chọn cần phải có tình yêu với công việc đó để có sự gắn bó bền vững. “Nhiều học sinh thậm chí đến khi đặt bút đăng ký nguyện vọng vẫn không biết chính xác mình nên lựa chọn gì. Loay hoay giữa ngành nghề này với ngành nghề kia. Để tránh tình trạng này, ngay từ bây giờ các em cần phải xác định xem mình thích ngành nghề gì”, ông Sự khuyên.
Ngoài ra, theo ông Sự, bên cạnh sở thích, yếu tố căn cơ để chọn được ngành nghề phù hợp là phải xác định xem sức khỏe, năng lực của bản thân có phù hợp để theo đuổi ngành nghề đó không. “Nếu các em thấy mình thích được dịch chuyển, thích đi du lịch đến nhiều nơi thì theo nghề hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, như vậy thôi thì chưa đủ. Các em phải trải nghiệm từ những chuyến đi của bản thân, rằng mình có say xe không, có sức khỏe để dịch chuyển với cường độ cao không. Hay các em thích công việc giao tiếp, thích được làm việc trong môi trường mở, môi trường quốc tế thì phải xem lại khả năng ngoại ngữ của mình có đáp ứng không”, ông Sự nêu ví dụ.
Nhìn nhận một cách tổng quát, ông Sự cho rằng muốn tìm được một ngành nghề phù hợp cần phải gắn với năng lực, điều kiện của bản thân, đừng ngại cho mình những chuyến trải nghiệm, thử thách.
Việc làm không thiếu nhưng… thiếu nguồn nhân lực
Với băn khoăn của nhiều học sinh: “Có phải đi du học mới trải nghiệm được nền giáo dục nước ngoài?”, ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, hiện tại rất nhiều trường ĐH ở Việt Nam có những suất học bổng du học ngắn hạn sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số nước khác dành cho sinh viên trong chương trình trao đổi sinh viên. Cạnh đó, trong quá trình đào tạo, các trường luôn chú trọng đến việc trải nghiệm của sinh viên. “Ngay từ năm nhất, sinh viên đã có cơ hội trải nghiệm tại các doanh nghiệp. Sau đó là các kỳ kiến tập, thực tập. Tùy theo ngành học, tùy theo môi trường học và chương trình học mà những trải nghiệm đó sẽ khác nhau, có thể là môi trường trải nghiệm trong nước hoặc quốc tế”, ông Nhơn cho biết.
Về cơ hội việc làm trong nước, ông Nhơn cho rằng việc làm luôn có nhiều nhưng vấn đề là người học có đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của công việc hay không. “Không có ngành nghề nào hot, không phải cứ đi du học thì mới có việc làm. Thời điểm này, các em hãy cố gắng học tập thật tốt, kiểm tra xem mình phù hợp với ngành nghề nào, cố gắng trang bị thật tốt ngoại ngữ và các kỹ năng để có cơ hội tìm được những công việc phù hợp”, ông Nhơn nhắn nhủ.
Để xác định năng lực của bản thân phù hợp với môi trường đào tạo nào, ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khuyên: học sinh nên tìm hiểu rõ ngành học, yếu tố tuyển sinh, chỉ tiêu, điểm chuẩn của ngành nghề các năm trước tại trang web tuyển sinh chính thống trường mà mình quan tâm, thay vì “nghe thông tin từ người này, người kia”. |
Trong câu chuyện du học, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ, môi trường học tập tại nước ngoài khác rất nhiều với môi trường học tập ở Việt Nam. Vì vậy, nếu quyết định đi du học, người học cần phải cân nhắc kỹ về mọi mặt. “Ngay tại các trường ĐH ở Việt Nam, các em vẫn có cơ hội được học, trải nghiệm trong môi trường học tập quốc tế. Nhiều trường ĐH ở Việt Nam có rất nhiều chương trình đào tạo, gồm: đào tạo đại trà với điểm chuẩn cao; đào tạo chất lượng cao; đào tạo liên kết với nước ngoài. Trong đó, ở chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các em sẽ có nhiều lựa chọn như chương trình 1+3 (học 1 năm tại Việt Nam, 3 năm tại nước ngoài); 2+2 (học 2 năm ở Việt Nam, 2 năm tại nước ngoài); 3+1 (học 3 năm tại Việt Nam, 1 năm ở nước ngoài). Các em có nhiều cơ hội để chọn lựa, điều cần quan tâm là năng lực bản thân và điều kiện của gia đình có đáp ứng không”, bà Mai cho biết.
Đừng lo lắng xem người khác học gì
Trước câu chuyện của một học sinh quan tâm đến ngành quản trị kinh doanh, nhưng có anh chị trong nhà khuyên “để dễ xin việc làm thì cần phải học thêm một ngành nữa”. ThS. Đoàn Thanh Phong (Trưởng bộ phận tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, không chỉ riêng ngành quản trị kinh doanh mà trước khi xác định theo học bất kỳ ngành nghề nào, người học cần phải xác định “mình sẽ là ai trong tương lai, công việc mình mong muốn được theo đuổi trong tương lai là gì”. Việc xác định này là để bản thân có sự kiên định trong lựa chọn. “Khi các em đã quyết định mình sẽ là ai, công việc mình theo đuổi là gì thì đừng quá lo lắng về sự lựa chọn trước đó của người khác. Cũng đừng quá băn khoăn về nhu cầu việc làm khi chưa bắt đầu theo học. Điều các em cần quan tâm đó là làm sao chọn được một ngành nghề phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, khi đã theo học rồi thì hãy trang bị thật tốt kiến thức, kỹ năng, thái độ để đáp ứng nhu cầu công việc sau khi ra trường”, ông Phong lưu ý.
Đặc biệt, ông Phong khuyên, học sinh nên chú trọng trang bị vốn ngoại ngữ, bất cứ ngoại ngữ nào cũng được nhưng cơ bản là tiếng Anh. Khi đã hội tụ đủ các yếu tố đó cùng với sự vững vàng về yếu tố chuyên môn thì các em sẽ không sợ bị thất nghiệp. Còn câu chuyện “có nên học thêm một ngành học nữa không”, điều này phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người thấy có cần thiết hay không và mong muốn phát triển công việc của bản thân sau này.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)