“Làm gì thì làm, khi chọn lựa ngành nghề, các em đừng quá đặt nặng vấn đề tiền bạc mà trước tiên hãy quan tâm đến việc ngành nghề đó có tạo ra giá trị hữu ích cho xã hội hay không”.
Chuyên gia hướng nghiệp giải đáp thông tin về ngành nghề cho học sinh Trường THPT Phú Nhuận
Đó là lời khuyên của TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) dành cho các em học sinh Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 tổ chức tại trường mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Thích lĩnh vực môi giới bất động sản thì học gì?
Trước thắc mắc của học sinh về việc muốn trở thành nhà môi giới bất động sản thì học ngành gì?, TS. Nguyễn Thanh Tùng cho hay, bất động sản là một nghề khá mới mẻ ở Việt Nam, với rất nhiều rủi ro và cơ hội. Nhiều người giàu lên nhờ nghề này nhưng cũng có nhiều người tán gia bại sản bởi nghề này. Hiện tại ở Việt Nam chưa có trường nào đào tạo nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế môi giới bất động sản thực chất là nghề sale (bán hàng). Muốn theo nghề này, các em có thể học ngành quản trị kinh doanh chuyên về mảng sale, marketing để trang bị những kỹ năng, kiến thức trong việc truyền đạt, thuyết phục người khác. Ngoài ra, các em có thể lựa chọn học một khóa đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, theo TS. Tùng, khi lựa chọn ngành nghề, học sinh đừng chọn theo tiêu chí “ngành nghề đó kiếm được nhiều tiền”, mà hãy chọn “một ngành nghề mang lại giá trị hữu ích cho xã hội, xa hơn nữa là vinh danh đất nước”. “Các em đang còn trẻ, vì vậy đừng quá quan tâm đến giá trị kiếm tiền của ngành nghề đối với bản thân. Hãy cân nhắc làm sao chọn lựa được một ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân nhưng gắn liền với giá trị xã hội, tạo ra cho xã hội những giá trị thiết thực, nhân văn”, TS. Tùng khuyên.
Nữ theo học khối ngành xây dựng được không?
Giải đáp băn khoăn của nhiều học sinh trong trường về vấn đề: “Nữ có theo học được khối ngành xây dựng?”, ông Dương Thanh Văn (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết khối ngành xây dựng có rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Trong đó, kỹ thuật xây dựng sẽ thiên về việc tính toán, lập hồ sơ, kế hoạch nhưng gắn với công trình, thẩm định thực địa. Cũng trong khối ngành xây dựng nhưng quản lý xây dựng lại thiên nhiều về mặt giấy tờ, hồ sơ, hạn chế đi thực địa… “Các em nữ hoàn toàn có thể theo được khối ngành xây dựng nếu như các em có niềm yêu thích và cảm thấy mình phù hợp với công việc. Nhưng, nữ giới thì nên chọn học ngành quản lý xây dựng để hạn chế việc leo trèo, đi công trình. Nếu đã xác định được ngành nghề mình sẽ theo thì ngay từ bây giờ, các em hãy học thật tốt. Song song đó, các em hãy tìm hiểu ngành nghề mình học có những trường nào đào tạo để lựa chọn môi trường học tập phù hợp với bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch học tập phù hợp”, ông Văn chia sẻ.
Cần có ngoại ngữ để “chinh phục ngành logistics”
Với mong muốn tìm hiểu ngành logistics của một số học sinh, ThS. Trương Thị Ngọc Bích (Giám đốc Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành học mà khoảng 3 năm trở lại đây mới được đào tạo nhiều tại Việt Nam. Đây là ngành học thuộc nhóm ngành quản trị, cung cấp cho người học kiến thức phân phối, quản trị sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. “Ngành nghề này đòi hỏi người học phải có kỹ năng nghề nghiệp như hoạch định được dòng sản phẩm di chuyển như thế nào, tiêu chuẩn sản phẩm trong quá trình di chuyển sẽ ra sao. Để hình thành được những kỹ năng nghề nghiệp này, các em phải có sẵn tố chất, đó là óc tổ chức, vốn hiểu biết trong ngành quản lý, phân phối sản phẩm. Đặc biệt là thêm yếu tố ngoại ngữ”, ThS. Bích chia sẻ.
Theo dõi xu hướng của xã hội khi chọn ngành nghề Đây là lời khuyên được ThS. Trương Thị Ngọc Bích (Giám đốc Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) gửi đến các em học sinh Trường THPT Phú Nhuận trong câu chuyện lựa chọn ngành nghề. Theo ThS. Bích, trong những ngành nghề đào tạo hiện nay, có nhiều ngành nghề có sự tương đồng nhất định, ví dụ như quan hệ công chúng và báo chí truyền thông. Vì vậy, khi chọn lựa ngành nghề, người học nên tìm hiểu sâu về ngành nghề đó, kể cả mức học phí cần chi trả, phải theo dõi xu hướng của xã hội để có sự ứng biến khi cần thiết. “Người học cần định hình rõ về ngành nghề trước khi lựa chọn, đừng chọn theo kiểu mơ hồ, nhắm mắt chọn liều để đến khi ra trường loay hoay không biết “mình học ra làm gì””, ThS. Bích nói. |
Theo ThS. Bích, đặt trong bối cảnh hiện nay, dòng sản phẩm luân chuyển không chỉ trong nước mà còn mở rộng liên quan đến quốc tế. Vì vậy, để thành công với nghề logistics, nhất định người lao động phải có vốn ngoại ngữ để giao dịch, giao tiếp với doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Muốn chinh phục lĩnh vực logistics, ngoài ngoại ngữ, người học cũng nên cập nhật thường xuyên những kiến thức về vận chuyển hàng hóa, dòng chảy hàng hóa trên thế giới. Đặc biệt, để theo được ngành học có xu hướng mới, người học cần phải có tư duy mới”, ThS. Bích bày tỏ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)