Trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 16 năm học 2023-2024 diễn ra tại Trường THPT Marie Curie (Q.3) mới đây, nhiều thắc mắc của học sinh về ngành nghề đã được các chuyên gia tư vấn giải đáp kỹ, đầy đủ thông tin.
Nhiều thắc mắc về ngành nghề của học sinh Trường THPT Marie Curie (Q.3) được các chuyên gia tư vấn kịp thời giải đáp
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).
Chia sẻ câu chuyện của bản thân đến các chuyên gia, Mai Khanh (học sinh lớp 12) cho biết em rất thích học ngành y nhưng gia đình lại khuyên học ngành báo chí, vì vậy em không biết phải làm thế nào – nên chọn ngành theo gia đình hay sở thích bản thân? Trả lời băn khoăn này của học sinh, ThS. Nguyễn Thảo Chi (chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh, Trưởng phòng Quản trị truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) cho hay, mỗi ngành học đều có những tố chất và đòi hỏi khác nhau. Nếu như bản thân yêu thích, mong muốn học ngành y thì trước hết người học phải có năng lực để theo đuổi ngành này. Với ngành báo chí cũng vậy, cũng đòi hỏi những tố chất riêng biệt ở người học. Các tố chất ở hai ngành nghề này là hoàn toàn khác nhau. “Trước hết, dù xác định theo ba mẹ hay theo mong muốn bản thân thì các em phải đánh giá được năng lực học tập của mình và so dò với ngành học. Chỉ khi mình hiểu về ngành học, về bản thân thì mình mới có thể lựa chọn đúng đắn và thuyết phục với ba mẹ, gia đình về lựa chọn của mình. Để theo đuổi một ngành học, ngoài việc thích ra còn cần đến năng lực, khả năng, tố chất…”, ThS. Nguyễn Thảo Chi chia sẻ.
Tương tự, Tuấn Tú (học sinh lớp 12) lại băn khoăn về ngành cơ khí và cơ điện tử – hai ngành này có sự giống nhau và khác nhau như thế nào? ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, nếu người học có nền tảng về địa lý, lịch sử, nghiên cứu cách mạng công nghiệp thì thấy rằng cơ khí là một ngành gốc. Trước sự phát triển của công nghệ thì cái gốc sự phát triển vẫn là yếu tố kỹ thuật như cơ khí, điện. Ngành cơ khí học các vấn đề về thiết kế linh kiện, máy móc làm sao cơ chế hoạt động tối ưu hóa phục vụ đời sống. Theo thời gian, ngành này có sự phát triển thêm các ngành khoa học khác như bán tự động, tự động hoàn toàn khi ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là ngành cơ điện tử – ngành học kết hợp giữa cơ khí và công nghệ thông tin. “Khi học ngành cơ điện tử, sinh viên vẫn được học kiến thức nền tảng của cơ khí nhưng học sâu hơn về lập trình, sâu hơn về nền tảng robot, tự động hóa. Trong tương lai học sinh vẫn có thể chọn học ngành cơ điện tử. Tuy nhiên, nếu những em nào thích học theo tính căn cơ, truyền thống thì vẫn có thể chọn học ngành cơ khí. Điều quan trọng là các em phải đặt lên bàn cân xem tố chất của mình phù hợp với ngành học nào. Mình có phải là người thích làm việc với máy tính, có tư duy lập trình hay không. Nếu như có thì lựa chọn học cơ điện tử; còn nếu bản thân thích tìm hiểu về cấu trúc, thiết bị, động cơ mang tính chất kinh điển thì chọn học ngành cơ khí”, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương phân tích.
Kênh thông tin chính thống góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh Thầy Nguyễn Vân Yên (Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, Q.3) đánh giá cao vai trò, ý nghĩa mà chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” mang đến cho học sinh. Không chỉ giải đáp kịp thời những thắc mắc về ngành học, trường học cho học sinh, chương trình còn là kênh thông tin chính thống để học sinh bày tỏ những băn khoăn của mình về các lĩnh vực ngành nghề, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh. “Năm nay chương trình có sự tham gia của nhiều trường ĐH lớn, cả các trường ĐH quốc tế giúp giải đáp một cách đa dạng những quan tâm của học sinh. Ngoài chuyên gia của các trường ĐH, chương trình còn có sự tham gia của chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp, thực sự đã trở thành một cầu nối quan trọng giúp nhà trường, giáo viên thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các ngành nghề có sự đa dạng, phong phú phù hợp với thị trường lao động”, thầy Nguyễn Vân Yên chia sẻ.
|
Được biết, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, 100% sinh viên theo học hai ngành trên ra trường đều có việc làm phù hợp.
Trong chương trình, nhiều học sinh còn thể hiện sự quan tâm đến ngành tâm lý học và cơ hội nghề nghiệp của ngành này. Theo các chuyên gia tư vấn, tâm lý học là ngành hiện đang dần khẳng định vị trí trong xã hội, nhất là khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu tìm đến sự hỗ trợ tâm lý càng cao. Tuy nhiên, để theo học ngành tâm lý, người học phải có những tố chất riêng biệt: biết lắng nghe, biết chia sẻ, quan tâm, thấu hiểu tâm lý người khác… Các chuyên gia thông tin, hiện nay cơ hội việc làm của ngành tâm lý học rất lớn. Theo đó, người học có thể làm việc ở các công ty, doanh nghiệp, trường học… Điều quan trọng là bản thân người học phải hiểu được mình phù hợp với lĩnh vực nào trong khối ngành tâm lý học để theo đuổi.
Chuyên gia tư vấn Lê Phương Uyên cho biết thêm, khi theo học ngành tâm lý, người học nên lựa chọn lĩnh vực phù hợp với nhu cầu nhân lực tại Việt Nam chứ không nên lựa chọn theo cảm tính. Hiện nay tâm lý học đường là ngành mà nhu cầu xã hội cần rất lớn, người học có thể tham khảo để lựa chọn học phù hợp cũng như có cơ hội việc làm lớn.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)