Sự kiện giáo dụcTin tức

Chọn ngành sư phạm: Tại sao không?

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) tặng hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam cho cô Nguyễn Thị Lài. Ảnh: N.Đ

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hiện có khoảng 50% số hồ sơ đăng ký thi ĐH-CĐ năm 2012 là nhắm vào ngành kinh tế và ngân hàng. Cứ đà này thì không bao lâu nữa, cử nhân kinh tế và ngân hàng sẽ thất nghiệp dài dài trong khi đó nhiều ngành nghề, nhất là sư phạm lại đang “khát” nhân lực.
Qua tìm hiểu, bậc học mầm non và tiểu học đang rất thiếu giáo viên. Tại TP.HCM, để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, từ nay đến năm 2015 ngành GD-ĐT cần gần 3.500 giáo viên. Còn giáo viên tiểu học, năm nào các quận, huyện cũng phải tuyển tới lần thứ 3, thứ 4 mà vẫn không đủ…
Chưa ra trường đã có việc làm
Phải còn một năm nữa, Nguyễn Thị Thanh Nhã (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) mới tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM nhưng hiện tại Nhã đã có việc làm. “Từ đầu năm học 2011-2012, em đã được nhận vào Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, Q.11 làm bảo mẫu. Em cùng với một giáo viên phụ trách lớp Lá 3”, Nhã khoe.
Trước đó, năm 2009, cũng như nhiều bạn trong lớp, Nhã rất mê ngành ngân hàng. Theo đó, Nhã đã làm hồ sơ thi vào một trường CĐ có khoa ngân hàng nhưng… rớt. “Lúc đó, em nghĩ sẽ thi lại vào năm sau. Nhưng một cô hàng xóm đã khuyên em nên thi vào Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM vì cháu cô đang học ở đó. Thế là em thi vào trường này hệ vừa học vừa làm và trúng tuyển. Em đăng ký học buổi tối. Bây giờ chưa ra trường mà đã được nhận vào công tác tại một trường mầm non công lập, em thật sự rất vui”, Nhã cho biết.
Và có lẽ Nhã không phải là trường hợp hiếm. Bởi, hiện nay hầu như quận, huyện nào trên địa bàn TP.HCM cũng thiếu giáo viên mầm non. Theo điều lệ trường mầm non thì mỗi lớp chỉ có 30-35 cháu/2 cô nhưng vì thiếu giáo viên nên nhiều trường đã phải tăng số cháu lên 40-50 cháu/2 cô.
Ở bậc tiểu học cũng vậy, giáo sinh chưa kịp lấy bằng tốt nghiệp đã có rất nhiều trường mời gọi. Đơn cử như trường hợp cô Nguyễn Trần Hoài Thảo, chủ nhiệm lớp 3/4 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1. Năm 2011, Thảo thực tập tại đây nên được cô Hiệu trưởng mời ở lại trường. Không chỉ Thảo mà tất cả các bạn cùng học Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đều có việc làm. Thậm chí, nhiều bạn ở tỉnh chỉ có KT3 cũng xin được việc tại các trường tiểu học công lập ở Q.7, Tân Phú…
Nghề giáo – nghề ổn định

Giờ lên lớp của cô Nguyễn Trần Hoài Thảo, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), ảnh chụp chiều 29-3. Ảnh: H.Triều

Có thể nói, so với nhiều ngành nghề thì nghề giáo là nghề ổn định nhất và hầu như không bao giờ bị thất nghiệp.
Về thời gian làm việc, đối với giáo viên tiểu học, mỗi tuần chỉ dạy có 23 tiết. Nếu dạy hơn, đều được tính phụ trội. Dạy buổi thứ 2 thì có phụ huynh trả. Còn giáo viên mầm non, hiện nay các cô đang làm 9-10 tiếng ngày. Trong đó, buổi trưa (khoảng 2 tiếng) là thời gian cháu ngủ nên các cô có thể thay nhau tranh thủ chợp mắt. Hơn nữa, mấy năm trở lại đây, UBND TP đã chi trả tiền phụ trội là 200 giờ/năm học/giáo viên. Trong thời gian tới, giáo viên mầm non chỉ làm việc 6 tiếng/ngày.
Về thu nhập, ngành GD đã và đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngoài mức lương theo hệ – bậc như những ngành nghề khác, nghề giáo còn có phụ cấp đứng lớp lên tới 35%. Dạy ở vùng sâu, vùng xa phụ cấp còn cao hơn. Chưa hết, kể từ ngày 1-5-2011, theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP, những nhà giáo đang công tác tại các trường công lập có thời gian giảng dạy đủ 5 năm (60 tháng) đều được tính phụ cấp thâm niên. Theo đó, mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng. Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Ngoài ra, giáo viên còn được phụ huynh quan tâm, nhất là vào những ngày lễ Tết…
Không chỉ có vậy, nghề giáo là nghề dễ làm thêm nhất. Giáo viên có thể dạy thêm tại trường, tại các trung tâm… Theo đó, tổng thu nhập của giáo viên không thấp chút nào. Một lãnh đạo ngành GD-ĐT TP đã từng khẳng định: “Nghề giáo không nghèo”.
Nhưng trên hết, khi công tác tại các trường tiểu học và mầm non, giáo viên sẽ nhận được rất nhiều tình cảm từ học sinh. ThS. Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT TP khẳng định: “Ở bậc tiểu học, giáo viên dạy tất cả các môn nên có ảnh hưởng sâu sắc đến học sinh. Do vậy, các em không tin tưởng ai bằng tin tưởng thầy, cô. Các em nghe và làm theo lời dạy của thầy, cô. Còn với phụ huynh, hiện nay ai cũng chỉ có 1-2 con nên khi con ở lứa tuổi 6-11, họ đều trông cậy vào thầy, cô. Vì vậy, phụ huynh luôn quý mến và tôn trọng giáo viên”…
Hòa Triều
ThS. Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP: “Công việc của giáo viên tiểu học không đòi hỏi nhiều kiến thức mà quan trọng là cần cù, tỷ mẫn và chăm sóc cho học sinh. Kiến thức của bậc tiểu học không khó hiểu, vấn đề chính là cách truyền đạt của giáo viên tới học sinh”.
 

Bình luận (0)