Làm thế nào để lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần là nỗi lo của tất cả học sinh, đặc biệt là những em sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Trưởng ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) tư vấn riêng cho học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh
Đây là nhận định của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 vừa diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Q.8). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM), hiện nay tại TP.HCM có khoảng 40.000 công việc đang vận hành trong xã hội và 367.000 ngành học theo mã ngành. Vì thế cơ hội chọn cho mình một ngành học là việc không hề khó khăn. Cái khó ở chỗ là các em chưa định hình được mình muốn gì, thích gì nên không ít học sinh đã chọn “đại” hoặc theo phong trào để đến khi đi được một chặng đường thì giật mình nhận ra mình đã đi sai đường.
Về hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT quốc gia, ông Cường chia sẻ: ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công mà chúng ta có rất nhiều ngã rẽ khác nhau. Theo đó, học sinh có thể chọn bất cứ trường nào miễn là phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình… Nói về các nhóm ngành hiện nay, ông Cường cho biết: “Các em có thể chọn ngành CNTT, cơ khí, điện tử, may mặc; kinh tế – kinh doanh – luật pháp; khoa học tự nhiên; tâm lý, du lịch; chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp, lâm nghiệp. Đây là các nhóm ngành chiếm 80% GDP tại TP.HCM. Ngoài ra còn có nhóm ngành sư phạm; nghệ thuật… Vì vậy, các em nên cân nhắc kỹ lưỡng để khi ra trường có được một việc làm phù hợp với bản thân, thu nhập lại như ý”.
Nhằm giúp học sinh chọn được ngành học phù hợp, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn gợi ý: Các em đừng vội chọn nghề, chọn trường mà hãy xác định xem bản thân thích gì, có tố chất nào, xu hướng xã hội ra sao. Sau khi xác định được những điều đó, thì chọn ngành cũng không muộn. Theo số liệu đưa ra từ ông Toàn, hiện nay có 60% sinh viên học sai ngành, dẫn đến thất nghiệp do đi ngược lại với những thông tin trên.
Để có được hành trang vào đời vững chắc, cơ hội việc làm cao, ông Toàn bật mí: “Ngoài việc chọn đúng ngành nghề thì yếu tố quan trọng nhất trong “cuộc đua” việc làm sau khi ra trường là chúng ta phải luôn ở tư thế chủ động. Chủ động ở đây là tự tìm tòi, học hỏi, trải nghiệm bản thân. Kiến thức trong nhà trường chỉ một phần, còn lại là do khả năng tự học”.
Trước những lời tư vấn, chia sẻ của các chuyên gia về ngành nghề, em Nguyễn Dương Quế Anh (lớp 12A2) thắc mắc: “Nếu chúng em chọn ngành quản trị doanh nghiệp và tài chính ngân hàng thì khi ra trường làm những việc gì?”. ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Trưởng ban Tuyển sinh, Trường Công nghệ TP.HCM) giải đáp: Đây là hai ngành nghề mà trong quá trình học tập các em sẽ được đi đến các ngân hàng, doanh nghiệp làm việc để cọ xát với thực tế. Trong quá trình đó, nếu thấy công việc phù hợp thì chúng ta có thể xin ở lại làm. Nhưng lưu ý, việc này còn phụ thuộc vào nhu cầu của đơn vị và năng lực của bản thân. Ngoài ra, đối với ngành quản trị doanh nghiệp, các em còn có thể làm nhân viên xuất nhập khẩu trong các doanh nghiệp tư nhân, hay kinh doanh riêng… Riêng ngành ngân hàng thì làm cán bộ tài chính, nhân viên trong các ngân hàng Nhà nước…
Trước lo lắng về nguy cơ thất nghiệp sau khi ra trường của em Nguyễn Lai Gia Bội (lớp 12A1), ông Nguyễn Quốc Cường khuyên: Mỗi năm TP.HCM cần khoảng 270.000 lao động đã qua đào tạo. Trong đó, lao động bậc ĐH chiếm 12%, CĐ 13%, còn lại TC và lao động phổ thông. Để không thất nghiệp, các em phải tự trang bị cho mình hành trang kiến thức vững chắc (chiếm 25%). Bổ trợ cho yếu tố này là hai “vũ khí” lợi hại ngoại ngữ và tin học (chiếm 25%). Bên cạnh đó, kỹ năng mềm cũng không được bỏ qua, nó chiếm tới 50%, đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập… Một số ngành có tiềm năng trong thời gian tới là kỹ thuật số, CNTT, công nghệ sinh học, điện tử.
Không chỉ riêng học sinh lớp 12 mà những em lớp 10, 11 cũng bày tỏ sự quan tâm về vấn đề nghề nghiệp. Em Phạm Nhật Hoàng (lớp 10A12) lo lắng: “Em thấy ngành nào mình cũng thích và có năng khiếu. Vậy em chọn ngành như thế nào?”. Chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn phân tích: Đầu tiên em hãy liệt kê ra những ngành mà mình muốn học, sau đó xem trong các ngành đó, ngành nào mình thích nhất, phù hợp với bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, xu hướng xã hội. Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quốc Cường dẫn chứng, có em chọn ngành nghề mà không phù hợp với hoàn cảnh gia đình, cha mẹ không ủng hộ thì tỉ lệ thành công rất hiếm. Vì vậy các em nên cân nhắc điều này.
Trả lời câu hỏi của em Trần Minh Tiến (lớp 11A7) về ngành kinh doanh quốc tế cần tố chất gì? Ông Cường cho hay: “Ở ngành này các em sẽ được học chuyên sâu về kinh doanh. Tố chất mà các em cần có là năng động, nhạy bén, biết lập kế hoạch và biết ngoại ngữ là một điều bắt buộc vì chúng ta thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài. Nếu em nào biết càng nhiều ngoại ngữ càng có lợi thế, còn không ít nhất phải biết tiếng Anh”. Về cơ hội việc làm, ông Cường cho biết học ngành này khi ra trường các em có thể làm chuyên viên kinh doanh ở công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhân viên xuất nhập khẩu…
Kiều Khánh
Bình luận (0)