Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trả lời thắc mắc của các em học sinh sau phần tư vấn chung
|
Ngày 24-12, tại Trường THPT Lương Văn Can (Q.8) đã diễn ra Chương trình hướng nghiệp – tuyển sinh 2013 “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức.
Tại đây, các em học sinh đã được Ban tư vấn (gồm nhiều chuyên gia tuyển sinh có kinh nghiệm từ các trường ĐH trên địa bàn TP) hướng dẫn cặn kẽ việc chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực và đặc biệt là nhu cầu xã hội trong thời gian tới.
Ngành công nghệ thông tin sẽ hút lao động
Thị trường lao động tại TP.HCM trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến như thế nào, trong đó nhóm ngành nào sẽ thu hút nguồn nhân lực là vấn đề được rất nhiều em học sinh quan tâm. Tại phần tư vấn chung, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, chia sẻ: “Mặc dù hiện nay có nhiều thông tin về tình hình kinh tế cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng gặp khó khăn; tình hình lạm phát giá cả, doanh nghiệp giải thể diễn ra ở một số nơi… tuy nhiên, đó là việc của hiện nay, vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến việc làm của các em hay không còn khoảng thời gian 3 đến 5 năm tới. Mỗi năm trên địa bàn TP.HCM cần 270 ngàn đến 280 ngàn chỗ làm việc. Xu hướng phát triển kinh tế TP từ nay đến năm 2015, đặc biệt là đến năm 2020, sẽ phát triển 4 ngành chủ lực là công nghệ thông tin (CNTT) – điện tử, chế biến thực phẩm, cơ khí và hóa chất. Bên cạnh đó, nhóm ngành kinh tế dịch vụ như du lịch, nhà hàng khách sạn, marketing cũng sẽ thu hút thị trường lao động trong thời gian tới. Xu hướng mới của thị trường lao động TP sẽ nhìn nhận bằng cấp là nền tảng đánh giá tri thức, nhưng ngoài bằng cấp, người thanh niên nào giỏi nghề, am hiểu nghề nghiệp, thị trường lao động và có kỹ năng thì người đó mới có việc làm tốt”.
CNTT là ngành chủ lực của TP.HCM trong thời gian tới và được nhiều bạn trẻ yêu thích, vì vậy có rất nhiều câu hỏi về ngành này được đặt ra cho Ban tư vấn.
Em Nguyễn Võ Minh Đức, học sinh lớp 12A12, thắc mắc: “Em muốn học CNTT nhưng em không biết ngành này yêu cầu những tố chất và kỹ năng gì, xu hướng phát triển của ngành như thế nào?”.
Với câu hỏi này, ThS. Nguyễn Huy, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain – Aptech, cho biết: “Các em có quyết tâm thì sẽ theo học được ngành này. Trong ngành CNTT có nhiều nhóm ngành khác nhau, không yêu cầu các em phải thật giỏi toán, có đầu óc cực kỳ thông minh mới học được. CNTT là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia từ nay đến năm 2020, mục tiêu đào tạo từ bậc trung cấp đến ĐH ngành này là 1 triệu nhân lực cho tới năm 2020…”.
Trong khi đó, một em học sinh lớp 12A8 (xin giấu tên) phân vân: “Em nghe mọi người nói học ngành CNTT rất dễ xin việc và có lương cao nhưng cần có niềm đam mê. Em không có niềm đam mê liệu học CNTT có thành công hay không?”. ThS. Nguyễn Huy cho rằng: “Học ngành này phải có đam mê, nếu không có đam mê tuy vẫn có thể theo học được và lương cũng có thể rất cao nhưng các em sẽ chán và không làm việc lâu dài với nghề này được”.
Cần có niềm đam mê
Em Trần Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 12A7, hỏi: “Chọn một nghề thích hợp sẽ giúp tương lai mình tươi sáng hơn. Tuy nhiên, nếu giữa một ngành mình có năng lực nhưng không có đam mê hay một ngành mình có đam mê mà lại không có năng lực thì em nên chọn ngành nào?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho rằng: “Quan trọng nhất là niềm đam mê, có đam mê các em mới đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu kiến thức cơ bản của ngành nghề mình đang theo học”.
Ở khía cạnh tâm lý, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Em cần tìm hiểu kỹ hai ngành nghề xem mình thực sự yêu thích, hợp với ngành nghề nào. Em nên cho điểm hai ngành nghề này, ngoài điểm sở thích và năng lực ra, còn cho thêm điểm khác như điểm nghề nào có khả năng việc làm cao hơn, nghề nào dễ thi đầu vào hơn…. Nếu đến phút cuối cùng mà không biết mình chọn nghề nào thì lúc đó em không nên quá phân vân, niềm đam mê sẽ giúp em tương thích với nghề, vì có đam mê em sẽ thay đổi bản thân mình để phù hợp với nghề đó”.
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết thêm: “Nhiều học sinh chọn ngành vì nghe tên rất hào nhoáng, tuy nhiên muốn biết mình thích ngành nào, hợp với ngành nào các em cần tìm hiểu ngành đó làm cái gì, đòi hỏi những tố chất gì ở mình… Song song đó, xem lại mình có những ưu và khuyết điểm gì, hỏi bạn bè và người thân để xâu chuỗi về sở thích bản thân; làm trắc nghiệm tâm lý xem mình hợp với ngành nào, đặc biệt là thử tham gia một số hoạt động về ngành nghề mà mình sẽ lựa chọn…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Nhiều học sinh chọn ngành vì nghe tên rất hào nhoáng, tuy nhiên muốn biết mình thích ngành nào, hợp với ngành nào thì cần tìm hiểu ngành đó làm cái gì, đòi hỏi những tố chất gì ở mình…”, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nói. |
Bình luận (0)