Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn ngành theo sở thích hay thu nhập?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn vào hệ đào tạo cũng như độ hot công việc hiện tại để lựa chọn ngành nghề, trường học cho bản thân mà không xét đến đam mê, năng lực, hoàn cảnh có thể khiến người học đi sai đường.

Các em học sinh đang trao đổi thông tin với ông Nguyễn Thành Tâm (Trường Đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia)

Đây là một trong những vấn đề được Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đề cập đến trong buổi tư vấn tại Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM).

Học sinh có nhiều lựa chọn xét tuyển

Một số học sinh băn khoăn “nên đăng ký xét tuyển vào hệ ĐH, CĐ hay TC khi mà xã hội nhìn nhận: học ĐH cơ hội tìm việc làm, thu nhập luôn cao hơn học CĐ và TC”. Cụ thể, em Xuân Hoa (lớp 12A11) chia sẻ: “Ngành quản trị nhà hàng được đào tạo ở nhiều hệ khác nhau. Đây là ngành em đam mê nhưng điều em quan tâm vẫn là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu em học TC thì có dễ xin việc so với học ĐH không? Thu nhập có sự khác nhau không?”. Ở khía cạnh khác, em Minh Nhật (lớp 12A1) đặt vấn đề: “Sở thích, đam mê sẽ đáp ứng được mọi yêu cầu của công việc. Nhưng nếu công việc ấy không đem lại nhiều tài chính cho người làm thì sớm muộn đam mê cũng không còn và sẽ từ bỏ công việc. Xuất phát từ thực tế này, đã có người lựa chọn các ngành mang lại tài chính cao, đảm bảo cho cuộc sống khá giả như dầu khí mặc dù không có sở thích. Vậy chúng em nên chọn ngành theo sở thích hay tiền bạc?”.

Trên thực tế có không ít người thành đạt, thu nhập cao, có được vị thế nhất định trong xã hội nhưng trình độ đào tạo chỉ ở hệ TC, CĐ. Ngược lại, có không ít bạn trẻ tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn thất nghiệp, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh… ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho rằng không thể phủ nhận tấm bằng ĐH là tấm vé tốt để các bạn trẻ tìm được một việc làm nhưng điều này chưa nói hết tất cả. Nếu học ĐH mà không đúng ngành đam mê, thiếu năng lực, thiếu rèn luyện, thiếu kỹ năng thì rất dễ thất nghiệp. Nhưng ngược lại, học CĐ hay TC đúng ngành đam mê, đáp ứng được nhu cầu xã hội thì cơ hội việc làm với thu nhập tốt là rất lớn.

Em Hoàng Đạt (lớp 12A5) đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM), năm 2017 có khoảng 250 trường ĐH xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia và khoảng 200 trường xét tuyển dựa vào học bạ lớp 10, 11, 12. Đây là cơ hội thuận tiện cho học sinh xét vào các trường để theo học đúng ngành nghề.

Theo ông Nguyên, ĐH không phải là con đường duy nhất và tất cả. Hiện việc đào tạo ngành nghề được mở rộng từ TC, CĐ và ĐH, học sinh có nhiều sự lựa chọn xét tuyển. Quan trọng là học đúng ngành, đúng trường, phù hợp với đam mê, hoàn cảnh gia đình… Từ đó người học mới có điều kiện phát huy tối đa năng lực, trở thành người tài giỏi.

Liên quan đến câu hỏi của Minh Nhật, ThS. Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo Ý Tưởng Việt) cũng khuyên các em học sinh: “Khi xác định chọn một ngành nghề, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi: Liệu bản thân có thao tác được với nghề đó không? Khi làm một nghề mang lại thu nhập cao nhưng không làm được hết các yêu cầu của công việc thì rất khó để bám nghề. Mỗi ngày đi làm sẽ là một cực hình, làm cho xong, làm để kiếm tiền. Ngược lại, có những nghề thu nhập không cao, nhưng đúng sở thích, đúng năng lực thì một ngày làm việc luôn nhẹ nhàng, không mệt mỏi, có môi trường để đưa ra nhiều ý tưởng, sáng tạo hay trong công việc”.

Chọn bài thi phù hợp để xét điểm vào ĐH

So với năm 2016, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có không ít thay đổi lớn. Cụ thể, thay đổi lớn nhất là cụm thi, thời gian thi và đề thi. Theo đó, cụm thi sẽ do sở GD-ĐT các tỉnh/thành chủ trì thay vì do các trường ĐH chủ trì như trước. Thời gian thi chỉ diễn ra 2 ngày trong tháng 6, sớm hơn 1 tháng so với trước đây. Riêng đề thi, học sinh thi theo bài thi chứ không thi theo môn. Cụ thể, học sinh THPT thi 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân); học viên GDTX thi 2 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội (tổ hợp bài thi này không có môn giáo dục công dân)…

Với những vấn đề trên, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) khuyên các em học sinh phải có kế hoạch ôn tập sớm và cụ thể để có kết quả cao. Vì cuối tháng 5 học sinh lớp 12 mới học hết chương trình nhưng đến tháng 6 đã thi tốt nghiệp, như vậy thời gian ôn tập chưa đến một tháng. Hơn nữa, bài thi quyết định đến 50% điểm tốt nghiệp THPT bên cạnh 50% điểm trung bình cả năm lớp 12. Mặt khác, lượng kiến thức đề thi năm nay nằm trong chương trình 12, học sinh nên bám sát để ôn tập. Cũng cần lưu ý đến việc chọn bài thi sao cho phù hợp để không ảnh hưởng khi tính điểm xét ĐH. Ví dụ, cách tính điểm xét ĐH theo khối A ba môn toán, vật lý, hóa học thì hai môn vật lý, hóa học nằm trong bài thi khoa học tự nhiên. Trong đó còn có môn sinh học không sử dụng nhưng vẫn thi. Có thể nói việc lựa chọn bài thi phù hợp sẽ thuận tiện cho việc xét điểm vào ĐH.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)