Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn nghề không chỉ là yêu thích

Tạp Chí Giáo Dục

Sư phạm là ngành có tuổi thọ nghề cao và hiện TP.HCM đang thiếu hụt nhân lực ở lĩnh vực này, đặc biệt là sư phạm mầm non và sư phạm kỹ thuật.

ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) trao đổi với các em học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt về cơ hội việc làm ở nhóm ngành du lịch

Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) thông tin như vậy trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8) mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF). 

350 ngành học và 40 ngàn công việc

Tại chương trình, ông Cường đã cung cấp cho học sinh trong trường những thông tin khái quát về hệ thống giáo dục và nhu cầu lao động hiện nay. Theo đó, tính đến thời điểm này, cả nước có gần 250 trường ĐH, 400 trường CĐ, 400 trường TC với hơn 350 ngành học và 40 ngàn công việc khác nhau. Nhóm ngành kỹ thuật (công nghệ thông tin, cơ khí, tự động…) chiếm 35% thị trường lao động; nhóm ngành hành chính, pháp luật, kinh tế chiếm khoảng 33%. Còn lại là các nhóm ngành khoa học tự nhiên (môi trường, xây dựng…), khoa học xã hội (tâm lý, công tác xã hội, du lịch…), chăm sóc sức khỏe (bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, dược…), nông nghiệp công nghệ cao… Đối với ngành sư phạm, ông Cường cho biết sư phạm là một ngành có tuổi thọ nghề cao, hiện TP.HCM đang thiếu hụt nhân lực ngành sư phạm mầm non và sư phạm kỹ thuật.

Đề cập đến vấn đề lựa chọn ngành nghề, TS. tâm lý Nguyễn Hữu Long đưa ra lời khuyên: “Các em phải hiểu rõ năng lực thật sự và đam mê của mình mới có thể chọn lựa được ngành nghề phù hợp. Theo đó, các em nên chọn ngành nghề mình có khả năng làm hơn là ngành nghề mình thích, vì thích nhưng chưa hẳn làm được”. TS. Long lưu ý thêm: “Các em cần cân nhắc kỹ các ngành nghề mà bản thân phải đối diện với những khó khăn để hạn chế chọn, nhất là những ngành nghề không phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình, thời gian…”. Trước những băn khoăn của học sinh về việc làm thế nào để biết mình yêu thích ngành nghề gì?, TS. Long gợi ý:  “Các em nên làm bài trắc nghiệm nghề nghiệp xem mình thích và không thích những gì hoặc nhờ thầy cô hay người đi trước tư vấn. Cha mẹ và bạn bè cũng là kênh để các em tham khảo thông tin cần thiết”. 

Thiếu kỹ năng, ngoại ngữ: nguy cơ thất nghiệp cao

Một học sinh nam đặt câu hỏi: “Học ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam có thể tham gia thị trường lao động nước ngoài được không?”. ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) trả lời: “Công nghệ thông tin là một trong những trụ cột của xu thế phát triển hiện nay với nhu cầu 24.000 nhân lực/năm, và từ nay đến 2025 sẽ cần khoảng 1 triệu nhân lực. Tùy vào khả năng, điều kiện thực tế mà học sinh có thể chọn học phần mềm hoặc phần cứng tại các trường có bề dày đào tạo ngành công nghệ thông tin như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH KHTN TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM… Cơ hội nghề nghiệp của ngành này cao nhưng cũng đòi hỏi nhân lực chất lượng. Vững chuyên môn, có kỹ năng nềm, thành thạo ngoại ngữ thì sẽ có cơ hội làm việc ở các tập đoàn, công ty đa quốc gia”.

Cần tuân thủ quy tắc “5 ngón tay”

Trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức ở Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.11) vừa qua, nhiều học sinh trong trường hỏi: “Chọn nghề nên theo cái mình thích hay theo cái mình giỏi?”. Giải đáp vấn đề này, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A cho rằng đến thời điểm này đa phần học sinh vẫn chưa biết chính xác bản thân mình thật sự “thích cái gì và giỏi cái gì”. Vì vậy, khi lựa chọn ngành nghề không nên theo cảm tính mà cần có sự cân nhắc trước sau với nhiều yếu tố, không chỉ là thích hay giỏi. “Có 5 điều các em cần chú ý khi lựa chọn ngành nghề và tôi gọi đó là quy tắc “5 ngón tay”. Trong đó, ngón cái chính là năng lực của bản thân, năng lực của gia đình, cần phải xác định xem “khả năng của mình đang ở đâu” để có thể “mơ đến đâu”. Ngón trỏ là mô tả dạng công việc mà bản thân sẽ theo, sẽ làm trong tương lai”, bà Tô Nhi A cho biết.

Một thành viên trong ban tư vấn đang thông tin đến học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa cách thức lựa chọn ngành nghề

Theo bà Tô Nhi A, ở thời điểm này các em hãy khoan bàn đến chọn nghề nào, việc cần làm chỉ là phác họa ra “bức chân dung” công việc mà các em nghĩ rằng bản thân sẽ làm trong tương lai.

Trao đổi thêm, bà Tô Nhi A cho biết “câu chuyện thất bại” là ý nghĩa của ngón giữa. Bà cho rằng “mùi vị” của những người thất bại thường có “bóng dáng” của yếu tố chủ quan, không thể vượt qua những trở ngại, khó khăn trong công việc. Một nguyên tắc bất thành văn là khi lựa chọn ngành nghề, các em phải lường trước được những rào cản sẽ gặp phải trong công việc để tự trả lời rằng liệu mình có vượt qua được không nhằm có sự chuyển hướng sớm. Khi lường trước được khó khăn, bản thân sẽ bình tĩnh hơn khi đối diện với chúng. Trong khi đó, ngón áp út lại dành cho những điều mà bản thân yêu thích nhất. Ở ngón này là câu trả lời cho những điều khiến mình dễ chịu nhất, thoải mái nhất hay đơn giản là “mình thích gì”. Cuối cùng, ngón út chính là ngón kết nối, kỹ năng. Ở ngón này lại cần đến sự tích lũy, trang bị trong quá trình học tập. “Giống như con người vậy, lựa chọn ngành nghề cũng thế – nếu thiếu đi bất kỳ ngón tay nào cũng sẽ khiến cho việc lựa chọn ngành nghề không trọn vẹn, công việc trở nên khó khăn. Để có một ngành nghề phù hợp, cần có sự phối hợp hài hòa, kết hợp hoàn hảo ở cả 5 yếu tố”, bà Tô Nhi A nhấn mạnh.

Trong khi đó, “Giới hạn và năng lực của bản thân” là cụm từ được ThS. Nguyễn Tấn Hùng (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) nhắc đến. Theo đó, đến thời điểm này mỗi học sinh vẫn cần được khai phá năng lực bản thân. Các em đang trong quá trình phát triển tư duy và năng lực bản thân. Nhưng những năng lực, khả năng mà các em đang có cũng chưa phải là giới hạn cuối cùng của bản thân mà còn cần phải qua thử thách, những trải nghiệm thì khả năng, năng lực mới được khai phá. Do đó, khi lựa chọn ngành nghề điều quan trọng là các em phải khám phá ra năng lực tiềm ẩn mà mình đang có. “Tức là khi lựa chọn ngành nghề, các em nên xác định được mục tiêu nghề nghiệp, bao gồm cả kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, kiến thức chính là nền tảng mà các em tích lũy trong suốt quá trình học; kỹ năng là năng lực về hành vi, xử lý những tình huống, quản lý thời gian… để hoàn thành tốt một nhiệm vụ; còn thái độ chính là sự nghiêm túc, tính kỷ luật, biết tôn trọng các quy tắc của xã hội. Khi đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân thì dù trong bất cứ ngành nghề nào cũng có thể thích nghi và tỏa sáng”, ThS. Nguyễn Tấn Hùng phân tích.

Q.Long

Trong khi đó, nhóm ngành du lịch (quản trị nhà hàng – khách sạn, quản trị lữ hành…) cũng được em Nguyễn Thị Trang (lớp 12A4) quan tâm tìm hiểu về cơ hội việc làm và chính sách học bổng. ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, UEF) cho biết ngành du lịch là một trong 8 nhóm ngành tự do dịch chuyển trong ASEAN. Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người tham gia vào thị trường lao động nhóm ngành du lịch, tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ có 12% được đào tạo trình độ CĐ; 40% đào tạo sơ cấp nghề; số còn lại là từ các lĩnh vực khác. Về chính sách học bổng thì mỗi trường có một chính sách riêng, vì vậy cần theo dõi thông tin từ website của các trường.

T.An

Bình luận (0)