Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chọn nghề phù hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Chọn nghề là bước khởi đầu trên con đường sự nghiệp của mỗi người. Không chỉ bây giờ, mà trước đây người ta đã quan tâm rất nhiều đến nghề nghiệp của mỗi người. Có nhiều ý kiến của các nhà giáo dục, chuyên gia tư vấn tâm lý đưa ra những lời khuyên, những thông tin bổ ích giúp các em chọn nghề phù hợp. Quan niệm “một nghề cho chín, còn hơn chín nghề” là vậy. Tuy nhiên, ngày nay, trong khi các nguồn cung cấp thông tin quá nhiều, ngành nghề lại hết sức đa dạng, hầu hết HS còn mơ hồ, thiếu thực tế và kỳ vọng của cha mẹ vào con cái quá lớn là rào cản gây trở ngại cho việc chọn ngành học phù hợp của các em. Vì thế, đã có không ít trường hợp chọn sai nghề và suốt đời phải “làm nghề tay trái”, có người thì “đi không nỡ ở chẳng xong”. Không ít HS không được hỗ trợ của mọi người, các em mày mò chọn nghề theo cảm tính, khi vào học mới thấy chán ngán, lúng túng, đạt kết quả không cao. Khi đi làm thì không hiệu quả và không tâm huyết nghề nghiệp vì không có năng lực thực sự.
Theo chúng tôi, chọn ngành nghề không phải theo cảm tính, tùy hứng, mà phải dựa trên những cơ sở của cá nhân và sự phát triển của nhu cầu xã hội. Do vậy, tùy tính cách, khí chất, khả năng của mỗi người để chọn ngành nghề thích hợp. Nếu HS có tính hướng ngoại, năng động, linh hoạt, thích sự thử thách thì có thể chọn những nghề có tính thời thượng. Nếu HS có tính thận trọng, ngại sự thay đổi thì nên chọn nghề bền vững. HS có khả năng sáng tạo, nhiều ý tưởng và thích sự tự do nên chọn các ngành có liên quan đến sáng tác, nghệ thuật. Quan trọng là các em phải nhận biết được bản thân mình, biết mình muốn gì, làm được gì để chọn nghề cho phù hợp. HS tự quyết định thì sẽ có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Cha mẹ chỉ định hướng và hỗ trợ, không được áp đặt, ép buộc gây tâm lý căng thẳng, xung đột chọn ngành. Không thể vì muốn con nối nghiệp mình mà bắt các em phải chọn ngành của cha mẹ. Có những em không thích nghề của cha mẹ vì chứng kiến sự vất vả, áp lực từ công việc của những người thân.
Định hướng nghề nghiệp cho con là một việc không dễ dàng chút nào. Cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, gây cho các em áp lực. Vì khi không đạt được mong muốn của cha mẹ, các em sẽ dễ bị chán nản và tự ti. Các bậc phụ huynh cũng lưu ý rằng có rất nhiều con đường để con trẻ lập nghiệp. Không nhất thiết phải có bằng kỹ sư, cử nhân mới thành công trong cuộc sống. Điều đó, không có nghĩa là cha mẹ quá dễ dãi bỏ mặc con muốn “bơi” một mình trong quá trình chọn nghề. Càng không phải là phó mặc, khoán trắng hoàn toàn công việc hướng nghiệp cho nhà trường hay các chuyên gia, nhà tư vấn. Cha mẹ không thể sống thay cuộc đời của con nên cần phải biết lắng nghe, thấu hiểu ý muốn của con. Đừng áp đặt mong muốn của người lớn mà hãy định hướng cụ thể để con có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Hơn bao giờ hết, vào đời bằng sự thành thạo tay nghề mới khẳng định được bản thân và đó cũng là cơ hội mà các em được xã hội đón nhận một cách rộng mở.
Nguyễn Duy Tùng 
(giảng viên ĐH Nguyễn Huệ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)