Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chọn nghề “thật”, bớt sống “ảo”

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2013

Thí sinh không còn chen nhau vào những ngành “hot”, ngành “sang” mà đã tỉnh táo biết cân nhắc kỹ càng hơn khi ưu tiên chọn những ngành nghề tên – không – “kêu” nhưng rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Khái niệm “biết lượng sức” mà bấy lâu nay các chuyên gia tư vấn tuyển sinh kêu gọi thí sinh khi đặt bút lựa chọn ngành nghề đến mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã chính thức phát huy tác dụng. Toàn cảnh bức tranh tuyển sinh năm nay hiển hiện rất rõ một điều đáng mừng là thí sinh đã biết thực tế, bớt “ảo tưởng” khi chỉ nhắm vào những ngành có tên… đẹp, tên “kêu”. Thay vào đó, những ngành kỹ thuật luôn bị chê là… lấm lem dầu mỡ, ngành nông lâm với suy nghĩ “chân đất, quê mùa” đã có tên trong hàng loạt lựa chọn của thí sinh.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đồng Nai, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM năm nay có số hồ sơ đăng ký dự thi nhiều thứ 2 chỉ sau một trường ĐH tại địa phương của thí sinh trong tỉnh. Với hơn 4.500 hồ sơ, các ngành công nghệ thực phẩm, quản lý tài nguyên – môi trường và đặc biệt cả ngành thú y đã nhận được nhiều sự quan tâm từ thí sinh.
Tương tự, toàn tỉnh Bình Thuận năm nay có gần 29.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào 111 trường ĐH, CĐ trên cả nước, thế nhưng, riêng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã chiếm hơn 2.000 hồ sơ, đứng thứ 2 chỉ sau Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trong khi đó, khối ngành kỹ thuật tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có gần 1.200 hồ sơ đăng ký…
Không chỉ biết chọn ngành dựa trên dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội, năm nay tình trạng thí sinh “rải” hồ sơ vào các trường đã không còn phổ biến như các năm qua. Ông Đỗ Trọng Tạo (Chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên, Sở GD-ĐT Lâm Đồng) vui mừng nói: “Học sinh năm nay đã cân nhắc kỹ hơn, số lượng học sinh đăng ký từ 3 hồ sơ trở lên rất hiếm. Năm nay, toàn tỉnh giảm 1.000 hồ sơ đăng ký dự thi”. Ông Phan Sơn Trường (Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng cho biết, tuy hồ sơ đăng ký tại tỉnh năm nay giảm 600 bộ nhưng việc giảm như vậy sẽ hạn chế tình trạng “ảo”, các trường sẽ thuận lợi trong kiểm soát lượng thí sinh “thật” và khâu tổ chức tuyển sinh.
Sâu xa hơn, việc thí sinh “chọn đúng ngành”, bám sát nhu cầu xã hội không chỉ giúp các em tăng cơ hội đậu mà còn “sáng tương lai”. Sau khi học xong, cơ hội việc làm cũng là “thật”, nhất là ở những ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương. Thực tế thời gian qua, không ít thí sinh vì chạy theo ngành “hot”, ngành “đẹp” mà khi tốt nghiệp không kiếm được việc làm, “bơ vơ” khi trở về địa phương vì nơi đó không có nhu cầu nhiều về nhân lực. Từ đó, các em phải chấp nhận làm trái nghề, chưa kể có những trường hợp đặc biệt là phải cất tấm bằng kỹ sư, cử nhân để về quê làm… ruộng hoặc chấp nhận làm việc theo ca kíp của công nhân. Không chỉ có thế, các em còn đâm ra chán nản, hối tiếc về thời gian, công sức mình đã bỏ ra cho việc lựa chọn và theo đuổi ngành nghề.
Tại một ngày hội hướng nghiệp tổ chức mới đây cho học sinh  tại TP.HCM, ThS. Hà Trung Thành (giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM) cũng nhìn nhận rằng, hiện nay nhiều người đang sống với cái “ảo” mà không biết, điển hình là việc cứ chen nhau vào ĐH bằng mọi giá. Nhiều em điểm khá thấp cũng vào được ĐH, sau khi tốt nghiệp, không đáp ứng được công việc mới “vỡ òa”, thất vọng, thậm chí… đau khổ với sự lựa chọn của bản thân. Chưa nói, điều này còn có thể tác động làm thay đổi thái độ sống của chính người học suốt thời gian sau đó.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Các năm qua, điểm chuẩn vào nhiều ngành thuộc khối nông lâm, kỹ thuật tại một số trường như ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, ĐH Tây Nguyên… không cao, đa số bằng hoặc “nhỉnh” hơn sàn 1, 2 điểm… 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)