Nhiều học sinh giỏi được gia đình định hướng thi vào ngành y đa khoa. Tuy nhiên, các bạn tâm sự rằng mình thi vậy nhưng cũng không biết có phù hợp không, có thích ngành y hay không. Trường hợp này cũng rất thường gặp đối với nhiều học sinh khác.
Những bước đi cơ bản
Để có sự lựa chọn tốt nhất, quá trình chuẩn bị phải được thực hiện từ năm đầu tiên của bậc trung học phổ thông, thậm chí trung học cơ sở. Trước hết, thí sinh cần tiếp cận thông tin tuyển dụng về các vị trí việc làm, yêu cầu của nhà tuyển dụng qua các phương tiện truyền thông (sách, báo, phim, trang web tuyển dụng, việc làm online…).
Thí sinh nên ghi lại những việc làm mà mình quan tâm nhất, với các thông tin như yêu cầu của vị trí việc làm đó, yêu cầu về ngành học, trình độ đào tạo. Tiếp đó, thí sinh tìm cách tiếp cận thực tế việc làm bằng nhiều cách như tham quan các nhà máy hoặc tiếp xúc, giao lưu với các công nhân, cán bộ viên chức hoặc xem truyền hình, để chọn lọc lại những việc làm mình cảm thấy phù hợp nhất.
Đồng thời tiếp cận cơ sở đào tạo qua các trang web, phương tiện truyền thông hoặc tham quan các trường, phòng thí nghiệm, giao lưu với sinh viên và ghi lại các thông tin cơ bản về học phí, điều kiện học tập, sinh hoạt, điều kiện tuyển sinh… đối chiếu với khả năng của bản thân như sự phù hợp về tính cách, năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình để ra quyết định sau cùng.
Trong quá trình ra quyết định, tùy trường hợp cụ thể, có thể thí sinh sẽ tham khảo thêm xu hướng phát triển kinh tế, nhu cầu nguồn nhân lực trên website của địa phương để đưa ra quyết định.
Bắt đầu từ tìm hiểu về nghề nghiệp, cơ hội, thách thức cũng như yêu cầu của từng vị trí nghề nghiệp, từ đó học sinh xác định mình thích nghề nào, tính cách, giá trị và kỹ năng của mình có phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đó hay không. Sau đó mới đến việc tìm xem để làm nghề đó nên học ngành nào và ngành đó có ở những trường nào, điều kiện tuyển sinh ra sao.
Các lĩnh vực nghề nghiệp tương ứng
Theo lý thuyết của Holland, người có khả năng về kỹ thuật, công nghệ, hệ thống; ưa thích làm việc với đồ vật, máy móc, động thực vật; thích làm các công việc ngoài trời là người thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp R, phù hợp với các ngành về kiến trúc, an toàn lao động, nghề mộc, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe, huấn luyện viên, nông – lâm nghiệp (quản lý trang trại, nhân giống cá, lâm nghiệp…), cơ khí (chế tạo máy, bảo trì và sửa chữa thiết bị, luyện kim, cơ khí ứng dụng, tự động…), điện – điện tử, địa lý – địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu khí, hải dương học, quản lý công nghiệp, kỹ thuật y sinh…
Người có khả năng về quan sát, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp I, phù hợp với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, địa chất, thống kê…); khoa học sự sống (sinh, công nghệ sinh học); khoa học xã hội (nhân học, tâm lý, địa lý…); y – dược (bác sĩ gây mê, hồi sức, bác sĩ phẫu thuật, nha sĩ…); khoa học công nghệ (công nghệ thông tin, môi trường, điện, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật hạt nhân, xây dựng…), nông – lâm (nông học, thú y…).
Người có khả năng về nghệ thuật, khả năng về trực giác, khả năng tưởng tượng cao, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp A, phù hợp với các ngành về văn chương; báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình…); điện ảnh; sân khấu; mỹ thuật; ca nhạc; múa; kiến trúc; thời trang; hội họa; giáo viên dạy sử/tiếng Anh, bảo tàng, bảo tồn…
Người có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải, thích làm những việc như giảng giải, cung cấp thông tin, sự chăm sóc, giúp đỡ hoặc huấn luyện những người khác thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp S, phù hợp với các ngành nghề như sư phạm, giảng viên, huấn luyện viên điền kinh; tư vấn – hướng nghiệp; công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thư viện, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, nữ hộ sinh, chuyên gia về X-quang, chuyên gia dinh dưỡng…
Người có khả năng về kinh doanh, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác, có khả năng quản lý thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp E, phù hợp với các ngành nghề về quản trị kinh doanh (quản lý khách sạn, quản trị nhân sự…), thương mại, marketing, kế toán – tài chính, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, pha chế rượu, kỹ sư công nghiệp (ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp), bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp trưởng (nấu ăn), báo chí (phóng viên, biên tập viên…)…
Người có khả năng về số học, thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với dữ liệu, theo chỉ dẫn của người khác hoặc thích làm công việc văn phòng thuộc nhóm sở thích nghề nghiệp C, phù hợp với các ngành nghề về hành chính, quản trị văn phòng, kế toán, kiểm toán, thư ký, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, điện thoại viên…
Kết quả thống kê từ trang web hướng nghiệp của ĐHQG TPHCM cho thấy số người có nhóm sở thích S chiếm tỉ lệ cao nhất (22%), kế đến là các nhóm: I (21,2%), R (20,8%), A (14,2%), E (11,5%), C (10,3%). Kết quả trắc nghiệm cũng cho thấy sự khác biệt giữa “cảm thấy thích” với “cái ta có”, khoảng 70% là có cảm giác đúng, trong đó số người có nhóm sở thích E phù hợp 63%.
Vì vậy việc lựa chọn ngành nghề nếu chỉ dựa vào cảm giác của riêng mình có thể dẫn đến sự sai lệch trong chọn ngành học.
Chọn nghề từ sở thích
Hiểu được sở thích nghề nghiệp của bản thân sẽ giúp học sinh chọn được một nghề, một ngành học, thậm chí một khóa học phù hợp để phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Theo TS LÊ THỊ THANH MAI, ĐHQG TPHCM (Tuổi Trẻ)
Bình luận (0)