Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chọn ngưỡng xét tuyển thấp để “an toàn”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 28-7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm sàn ĐH 2016, ngay sau đó nhiều trường ĐH cũng công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào các ngành. Trong đó, nhiều ngành chỉ xét từ ngưỡng sàn của bộ – 15 điểm.

Thí sinh xem lại đề sau buổi thi môn lý tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM). Ảnh: D.Bình

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM Đồng Văn Hướng cho biết, ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các ngành ĐH của trường năm nay là 15 (bằng sàn của bộ) và 12 điểm đối với bậc CĐ. Mức điểm này không thay đổi so với năm ngoái. Ông Hướng lý giải, trường chọn mức xét “an toàn” này do phổ điểm thí sinh năm nay thấp, lượng điểm cao ít hơn năm ngoái. Bên cạnh đó, vì thí sinh được đăng ký tối đa 4 ngành vào 2 trường nên trường còn lo ngại vấn đề ảo.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 420.000 thí sinh

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, khi xác định điểm sàn, bộ dựa vào 3 yếu tố: Đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức xác định tổ hợp của các trường. Hội đồng xác định điểm sàn đều muốn mức điểm sàn nằm trên dưới mức 15 để mỗi môn thi của thí sinh đạt mức 5 điểm. Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra các phương án điểm sàn như trên 15 điểm, dưới 15 cho tất cả các khối thi hoặc riêng khối D điểm sàn thấp hơn 1 điểm. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, Hội đồng điểm sàn đều nhất trí cao điểm sàn năm nay là 15. Về chỉ tiêu tuyển sinh, năm nay tổng số chỉ tiêu đăng ký của các trường là 420.000 thí sinh, trong đó có 100.000 thí sinh được xét tuyển từ kết quả học tập THPT. Do đó, điểm sàn được Hội đồng xét tuyển đảm bảo nguồn xét tuyển cho 320.000 chỉ tiêu. Với phương thức tổ hợp xét tuyển của các trường, ông Ga cho biết hội đồng xác định chỉ tiêu với 5 khối truyền thống là A, A1, B, C, D chứ không xác định với các tổ hợp khối thi do các trường tự bổ sung.

Thiên Lam

TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) nhận định, điểm chuẩn vào các ngành của trường năm nay khả năng giảm nhẹ so với năm ngoái, có thể nằm trong khoảng 18-23. Trường chọn mức điểm sàn xét tuyển là 18, cao hơn năm ngoái 1 điểm.

Mức điểm nhận hồ sơ vào một số ngành (công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, hóa học, quản trị kinh doanh, kế toán) của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng tăng 1 điểm so với năm trước. Dù vậy, mức này cũng chỉ cao hơn điểm sàn Bộ GD-ĐT quy định 1 điểm. Tất cả các ngành còn lại, nhất là những ngành mới nhận hồ sơ chỉ từ mức sàn. Bậc CĐ cũng giữ nguyên mức nhận hồ sơ như năm trước là 10 điểm. ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo nhà trường) chia sẻ, nhìn vào phổ điểm năm nay, trường khá lo lắng nên chọn ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển sát sàn cho yên tâm. Ông Sơn dự đoán, điểm trúng tuyển các ngành vào trường năm nay giảm đều, giảm từ 1-2 điểm. Riêng một số ngành năm ngoái điểm trúng tuyển 18-19, năm nay khả năng giảm đến 2 điểm.

ThS. Nguyễn Văn Quang (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cũng thông tin, điểm sàn xét tuyển của trường năm nay bằng ngưỡng sàn 15 của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, điểm trúng tuyển năm nay có thể giảm 1 điểm so với năm ngoái do lượng thí sinh đạt điểm cao ít hơn năm 2015.

Là một trong những trường luôn có lượng thí sinh đăng ký đông, Trường ĐH Sài Gòn có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bậc ĐH là 16 và bậc CĐ là 14. Trong khi đó, mức sàn xét tuyển của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là 15 điểm đối với tất cả các ngành. Riêng ngành dược cao hơn 2 điểm. Và 15 điểm cũng là mức sàn xét tuyển vào Trường ĐH Văn Hiến năm nay… Ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) lưu ý, tuy khởi điểm nhận hồ sơ xét tuyển của nhiều trường thấp nhưng điểm trúng tuyển thực tế lại cao hơn nhiều, thí sinh cần hết sức cân nhắc. “Ngay cả khi mức nhận hồ sơ xét tuyển thấp, điểm trúng tuyển nhiều ngành ở các trường tốp trên vẫn rất cao, những thí sinh có điểm từ 15 đến 19 cần suy nghĩ kỹ khi có ý định đăng ký nộp”, ông Cường nói.

Bài, ảnh: Thục Trân

Bình luận (0)