Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chọn nơi thực hiện kỹ thuật mang thai hộ

Tạp Chí Giáo Dục

Hệ thống kính hiển vi soi ngược hiện đại để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: I.T
Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Nghị định, quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN) và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” tại TP.HCM. Dự thảo đưa ra nhằm khắc phục một số bất cập từ nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học. Bởi sau 11 năm thi hành nghị định số 12, một số quy định không còn phù hợp trước sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các mối quan hệ xã hội, pháp lý mặc dù kết quả nghị định mang đến không nhỏ.
Một số quy định cần điều chỉnh thêm
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo xoay quanh quy định điều kiện cho và nhận tinh trùng, noãn, phôi; điều kiện cơ sở khám, chữa bệnh, thực hiện kỹ thuật TTTÔN; điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi; cơ chế thông tin, báo cáo.
Tuy nhiên, một số quy định được đưa ra trong dự thảo đã khiến nhiều người thắc mắc. Như đề cập đến lưu giữ tinh trùng, noãn và phôi, người gửi lưu giữ phải trả chi phí lưu giữ, bảo quản. Ngược lại sau 1 năm, cơ sở khám chữa bệnh có quyền hủy. Nhưng trong trường hợp hủy phôi thai phải có sự đồng ý, có chữ ký của cả cặp vợ chồng nhưng giữa cặp vợ chồng xảy ra sự cố như ly dị, qua đó chồng hoặc vợ không trực tiếp đến ký hủy phôi thì lúc này cơ sở khám chữa bệnh phải giải quyết như thế nào? Bởi đến lúc này, phôi là tài sản chung của cả vợ chồng. Hoặc liên quan đến việc cho – nhận tinh trùng và phôi phải thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để đảm bảo bí mật. Nhưng hiện nay một số cơ sở khi thực hiện thì hai bên cho nhận lại biết nhau. BS. Nga (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) tham dự hội thảo cho biết: “Tại trung tâm của chúng tôi, có trường hợp cặp cho – nhận đã từng biết nhau. Nếu so với luật có nghĩa là không phù hợp. Vậy trường hợp chúng tôi làm sao cho hợp luật?”.
Đặc biệt liên quan đến người mang thai hộ, yêu cầu người mang thai hộ và trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ phải được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình; được pháp luật tôn trọng bảo vệ. Tuy nhiên trước vấn đề này, BS. Lưu Thị Hồng (đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội) cho rằng, chúng ta chưa nêu ra vấn đề về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản cho người mang thai hộ. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi quá trình mang thai của người mẹ khó tránh khỏi các “tai nạn” ngoài ý muốn. Chưa kể, dự thảo cũng chỉ mới đề cập đến người cho – nhận mà quên lưu tâm đến điều kiện, khả năng nuôi dưỡng đứa trẻ sau khi ra đời. “Trẻ có được nuôi nấng tốt không? Cha mẹ có trách nhiệm với trẻ không? Nếu không thì lại gây ra gánh nặng cho xã hội…”, BS. Hồng lo lắng.
Đề cao đạo đức nghề nghiệp
BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (HOSREM) cho rằng, áp dụng các biện pháp TTTÔN không đơn thuần thuộc lĩnh vực khoa học mà còn liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như đạo đức, pháp luật, tâm lý tình cảm, tức liên quan đến người cho – nhận. Ví dụ trong dự thảo có nêu người cho tinh trùng phải tự nguyện, và chỉ cho tại một cơ sở được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện. Phôi của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công thì mới sử dụng cho người khác. Tuy nhiên việc quản lý vấn đề này cũng không đơn giản. Nếu sơ suất, người cho có thể cho nhiều nơi, nhiều người. Để mọi việc được quản lý chặt chẽ, đòi hỏi cơ sở làm việc cần nghiêm túc, đặc biệt phải đề cao đạo đức nghề nghiệp.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý, BS. Phượng cho biết thêm, hiện chúng ta cần phải nâng cấp kết nối chặt chẽ giữa cơ sở với Bộ Y tế, thông qua bộ phận kỹ thuật thông tin (IT – Information Technology). Người cho cần được cấp 1 mã nhận dạng cá nhân (ID- Identification). Thông qua mã này, chúng ta nắm bắt được số lần cho của họ.
Để việc thực hiện những điều sửa đổi đưa ra trong dự thảo một cách chặt chẽ, đúng quy định pháp luật và đạt hiệu quả, Bộ Y tế quyết định chọn Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện Đa khoa TW Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ là cơ sở thí điểm thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Yêu cầu sau 1 năm triển khai, Bộ trưởng Bộ Y tế phải tiến hành tổng kết đánh giá và quyết định giữ nguyên hoặc sửa đổi bổ sung danh sách cơ sở mới. Giải pháp thứ 2 là Bộ Y tế cho phép cơ sở khám, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật TTTÔN thì được cấp phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên đa số các ý kiến đều ủng hộ giải pháp thứ nhất. Bởi xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cũng như khả năng đáp ứng điều kiện thực hiện kỹ thuật TTTÔN của 3 bệnh viện này đã được Bộ Y tế công nhận.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, dự thảo lần này sẽ đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp cuối tháng 10 tới.
Trinh Ngọc
“Sau 11 năm thực hiện nghị định 12, cả nước hiện có 20 cơ sở hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật TTTÔN. Và chỉ tính riêng Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện Phụ sản TW đã có hơn 10.000 cháu bé ra đời. Những bất cập từ nghị định 12 được điều chỉnh thông qua dự thảo lần này được xem là mang đến nhiều cơ hội làm cha, làm mẹ hơn nữa cho các cặp vợ chồng vô sinh”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)