Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chọn phong cách đối xử với trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ hãy luôn tôn trọng và quan tâm chia sẻ cùng con. Ảnh: Anh Khôi
Quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xem là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục con cái.
Hiện nay, mỗi bậc cha mẹ đều chọn cho mình một phong cách đối xử riêng với con cái tùy theo tính cách và quan niệm sống của mỗi người. Vậy các phong cách đó là gì và đâu là phong cách đối xử phù hợp nhất?
“Thương con cho roi cho vọt”
Các bậc cha mẹ “thương con cho roi cho vọt” thường là những người luôn sợ mất uy quyền với con cái của mình. Chính vì vậy, họ luôn khắt khe, cấm đoán và đôi khi lấy cả sự trừng phạt làm một phương tiện để giáo dục. Con cái chịu ảnh hưởng của phong cách đối xử này thường rơi vào một trong hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, các em sẽ luôn nghe theo lời cha mẹ, không bao giờ dám làm sai vì sợ “ăn đòn”. Bên cạnh đó, các em cũng luôn có tâm lý bất an, lo lắng về những việc mình làm mà chưa nhận được sự phản hồi từ người lớn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng chính cách đối xử này với con cái đã, đang và sẽ dần làm mất đi mầm mống tự chủ của trẻ mai sau; trong khi tự chủ lại là một “thần dược” giúp trẻ tránh được những thói hư, tật xấu từ bên ngoài và giúp trẻ có những chính kiến riêng để thành công trong cuộc sống.
Trường hợp thứ hai dành cho các em có cá tính mạnh. Với cách đối xử quá khắt khe, các em sẽ không cam chịu mà có thái độ xung đột, thậm chí thù ghét cha mẹ. Chính mối quan hệ này đã làm cho tình cảm giữa cha mẹ và con cái trở nên bất hòa. Gia đình không còn là một nơi bình yên để các em cảm thấy được tin tưởng.
“Dân chủ quá”
Đây được xem là phong cách đối xử của những cha mẹ ít quan tâm đến con cái vì những lý do chủ quan hay khách quan. Ở phong cách này, cha mẹ thường tỏ ra nuông chiều và thả lỏng con một cách quá mức. Anh Hoàng Bảo (Q.5, TP.HCM) chia sẻ: “Do vợ chồng tôi làm ở một công ty nước ngoài nên phải đi sớm, về khuya, không có thời gian quan tâm đến con. Mọi việc ở nhà thì có người giúp việc lo, với lại cháu đã học lớp 9 nên tôi cũng yên tâm”. Trường hợp của anh Bảo vừa nêu trên là một trong vô số các trường hợp vì bận công việc mà cha mẹ không có thời gian quan tâm đến con cái và thả lỏng đến mức để cho con muốn làm gì thì làm. 
Cha mẹ luôn có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục con là trở thành những đối tượng để các em có thể bắt chước, học tập và noi gương. Tuy nhiên, với phong cách đối xử này, cha mẹ đã không làm tròn sứ mệnh đó. Các em sẽ cảm thấy bơ vơ, bị bỏ mặc trong cuộc sống phức tạp và đầy biến động.
“Con tôi bé bỏng lắm!”
Hiện nay, rất nhiều cha mẹ thể hiện tình yêu thương con quá nồng nhiệt dẫn đến cảm tính và thiếu sáng suốt. Bao nhiêu tình cảm của mình cha mẹ đều đặt vào con, chăm sóc con một cách rất tỉ mỉ và ân cần. Đây chính là phong cách đối xử dành cho các “quý tử”. Cha mẹ luôn xem con cái là những sinh linh bé bỏng và cho rằng nếu thiếu đi sự quan tâm của mình thì các em sẽ không tồn tại được.
Với phong cách ứng xử này, cha mẹ đã gián tiếp làm mất đi tính độc lập cần thiết ở trẻ. Hầu hết các em sẽ nảy sinh nhu cầu ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ. Và vào một lúc nào đó nếu không có cha mẹ bên cạnh thì các em sẽ thật sự không tồn tại được. Một số ít trẻ được bao bọc trong trường hợp này có thể cảm thấy bức xúc, không chịu đựng được và xuất hiện những phản ứng, hành vi nhằm giành lại quyền tự quyết từ người lớn.
Phong cách đối xử phù hợp với con
Tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với con cái chính là tạo điều kiện tốt đẹp nhất để con cái có thể phát triển nhân cách bản thân. Mỗi phong cách đối xử với con cái được nêu trên đều có những ưu và khuyết điểm riêng của nó. Việc tuyệt đối hóa một phong cách đối xử là việc làm không đúng. Tùy theo từng trường hợp, từng giai đoạn trong sự phát triển, từng đặc điểm tâm lý về tính cách, xu hướng, khí chất… của các em mà cha mẹ có sự linh hoạt lựa chọn các phong cách đối xử hoặc kết hợp chúng với nhau một cách phù hợp. Và dù có là phong cách đối xử gì đi chăng nữa thì công thức chung của việc tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ với con cái là: Cha mẹ hãy luôn tôn trọng con, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con và thể hiện tình yêu thương với con một cách chừng mực nhất.
Nguyễn Thị Diễm My
(Học viên cao học ngành tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Tùy theo từng trường hợp, từng giai đoạn trong sự phát triển, từng đặc điểm tâm lý về tính cách, xu hướng, khí chất… của các em mà cha mẹ có sự linh hoạt lựa chọn các phong cách đối xử hoặc kết hợp chúng với nhau một cách phù hợp.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)