Sai lầm của nhiều học sinh khi chọn ngành nghề là chưa xác định rõ đam mê, chưa tìm hiểu kỹ những tính chất, yêu cầu của ngành nghề mà chỉ chú trọng chọn trường “có tiếng”, trường “hot”, hoặc lựa chọn ngành nghề theo mong muốn của người khác… Khi đã chọn sai, chọn lại không hề dễ dàng.
Một học sinh nữ đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Nghiêm túc khi chọn ngành nghề
Đó là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Phùng Phương Thảo tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 dành cho học sinh Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức), đặc biệt là những học sinh lớp 12 khi cánh cửa lựa chọn ngành nghề sắp sửa mở ra. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Theo bà Thảo, trong quá trình giảng dạy ở nhiều trường, bà đã từng được các sinh viên chia sẻ rằng đang phải trải qua sự lo lắng, hoang mang do năng lực học tập không đáp ứng chương trình học, không có đủ sự kiên trì hoặc hứng thú cho ngành nghề đã chọn. Nhiều sinh viên sau năm học đầu tiên đã muốn nghỉ ngang đi làm tự do hoặc bắt đầu lại với ngành học mới; còn lại là những lựa chọn tiếp tục duy trì cho đến khi ra trường theo mong ước của cha mẹ nhưng khả năng thất bại trong nghề nghiệp luôn được dự báo trước.
Ngoài ra, trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh ở nhiều nơi, bà Thảo cũng được nhiều học sinh chia sẻ rằng “việc chọn ngành nghề bắt đầu từ chọn trường trước”. Nghĩa là trước hết các em chọn những trường có tiếng, trường “hot”, rất ít em tìm hiểu về ngành nghề mà mình lựa chọn. Bà Thảo nhấn mạnh: “Đây không phải là lựa chọn khôn ngoan, có nhiều rủi ro. Có một thực tế là đã từng có rất nhiều sinh viên sau khi trúng tuyển ĐH, những ngày đầu nhập học rất hồ hởi, nhưng chỉ qua học kỳ đầu thì bắt đầu có biểu hiện hoang mang lo lắng vì thực sự ngành nghề đó không phù hợp với mình. Nhiều sinh viên ban đầu nghe về tên trường, tên ngành cảm thấy rất lung linh, đẹp đẽ nhưng khi bắt đầu học thì mọi thứ đều trái ngược”.
Theo bà Thảo: “Chọn nghề cũng như chọn vợ, chọn chồng vì nghề sẽ gắn bó với mình suốt cả cuộc đời. Nếu chọn nhầm thì có thể là khoảng thời gian tiếp theo chúng ta sẽ cảm thấy không hài lòng, không thoải mái, thậm chí là mất đi sự hạnh phúc trong cuộc đời. Do vậy, học sinh phải lựa chọn nghề nghiệp như thế nào để đảm bảo khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp ra trường có thể hạnh phúc với những gì mình đã lựa chọn”. Để chọn đúng ngành nghề phù hợp với bản thân và cống hiến bền bỉ với nghề sau khi ra trường, bà Thảo chia sẻ: Trước khi “đóng dấu” lên quyết định tương lai của mình, các em cần phải nghiêm túc suy nghĩ và trả lời lần lượt các câu hỏi: “Mình muốn làm nghề gì trong tương lai?”, “Ngành nghề đó mình có thực sự đam mê, hứng thú?”, “Năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề đó hay không?”, “Nhu cầu xã hội đang cần những gì?”. Sau khi trả lời được tất cả câu hỏi về ngành nghề, các em tiếp tục tìm hiểu về những trường nào có đào tạo ngành nghề đó và thế mạnh của mỗi trường. Những ngành nghề, trường nào phù hợp được ưu tiên hàng đầu, sau đó là những lựa chọn dự phòng. Việc cuối cùng trong quá trình đó là lên chiến lược học tập tốt để đạt được những mục tiêu mà mình đã đặt ra.
Không sống cho đam mê của người khác
Em Nguyễn Văn Đăng (lớp 12A8) băn khoăn: “Em muốn làm nghề đầu bếp bình thường, nhưng khi chia sẻ với cha mẹ liền bị mắng. Cha mẹ buộc em thôi ngay ý nghĩ làm đầu bếp mà cố gắng học ngành kinh tế. Dù em đã cố gắng giải thích là ngành kinh tế nhiều áp lực, căng thẳng, không đủ năng lực nhưng cha mẹ vẫn không chấp nhận. Em lo lắng vì không biết phải làm sao?”. Chuyên gia tâm lý Phùng Phương Thảo đưa ra lời khuyên: “Giữa một công việc mình đam mê và làm tốt nhưng thu nhập thấp, ít áp lực so với một công việc thu nhập cao nhưng có nhiều áp lực, và đặc biệt là không có sự đam mê thì rõ ràng các em nên chọn ngành nghề mà mình thích thú. Bởi giá trị của con người là đi tìm hạnh phúc. Đối với nghề nghiệp thì hạnh phúc chỉ có thể có khi được làm đúng nghề mà mình mong muốn, luôn có cảm hứng tìm tòi, khám phá để làm tốt hơn… Nhiều học sinh thường chia sẻ rằng khi nói với gia đình là thích học ngành này nhưng cha mẹ yêu cầu học ngành kia. Khi đó, cha mẹ đang ép con phải theo đuổi ước mơ của chính mình chứ không phải ước mơ của bản thân các con. Nghề nghiệp sẽ gắn bó với bản thân con suốt cuộc đời, nếu chọn nhầm hoặc chọn nghề không cảm thấy đam mê thì sẽ không cho cảm giác hài lòng và vui vẻ. Lựa chọn ngành nghề là lựa chọn của chính học sinh, điều mà phụ huynh nên làm là đồng hành cùng con, cung cấp những thông tin bổ ích để con tự đưa ra quyết định phù hợp nhất. Còn học sinh cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng các thông tin về ngành nghề trên các kênh thông tin chính thống để việc lựa chọn không phải hối hận vì quyết định trong lúc vội vàng”.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nhu cầu nguồn nhân lực) cho biết: “Thị trường lao động trước xu thế hội nhập, muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ lao động. Việc tham khảo nhu cầu nhân lực ở các nhóm ngành nghề sẽ giúp các em đón đầu nhu cầu nhân lực của xã hội, tăng cơ hội nghề nghiệp khi ra trường. Khả năng của bản thân là điều quan trọng nhất trong quá trình định hướng chọn ngành nghề. Các em cần tự tin và quyết tâm học thật tốt. Quan trọng nhất là tạo được giá trị hành nghề là yếu tố chính đạt đến thành công”.
Bài, ảnh: Hoài Thương
Bình luận (0)