Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn sư phạm để được… miễn học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Khảo sát mới đây của PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trong giáo viên tiểu học ở 9 quận/huyện khu vực TP.HCM với gần 1.000 phiếu hỏi cho thấy, có 14% giáo viên chọn ngành sư phạm vì được… miễn học phí; 13% giáo viên chọn ngành này theo định hướng gia đình…

Thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2015

Ông Oanh nhìn nhận, điều đáng mừng là con số rất lớn, khoảng 66% giáo viên khác chọn sư phạm vì yêu nghề dạy học, xem đây là nghề cao quý, đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai. Theo ông Oanh, những giáo viên đến với nghề bằng tình yêu thực sự như vậy sẽ có đam mê trong dạy học, có động lực vượt qua khó khăn của công việc.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, học sinh chọn ngành sư phạm chỉ vì được miễn học phí hoặc theo ý muốn của cha mẹ liệu có theo nổi công việc không? Ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cho rằng, áp lực của nghề giáo rất lớn, nếu thiếu lòng yêu nghề, người giáo viên sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, đối với bậc mầm non, tiểu học, người giáo viên phải đảm đương việc dạy học trong giai đoạn mà trẻ bắt đầu hình thành nhân cách và bắt đầu được trang bị những kiến thức nền tảng đầu đời. Điều này đòi hỏi thầy cô giáo không chỉ vững chuyên môn mà còn phải thực sự tận tâm, chịu thương chịu khó. Người không thực sự tâm huyết, tha thiết với nghề trước sức ép lớn của công việc sẽ dễ lùi bước, bỏ giữa chừng.

Ông Cường cũng chỉ ra rằng, trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh tại nhiều trường phổ thông ở khắp các địa phương trên cả nước thường xuyên bắt gặp những học sinh chọn ngành sư phạm, thậm chí chọn vào cả những ngành thuộc khối công an, quân đội chỉ để được… miễn học phí.

“Khi chọn nghề, yếu tố đam mê và sự phù hợp ngành nghề hết sức quan trọng. Học sinh có thể chọn ngành sư phạm vì nhiều lý do như thuận lợi học phí, theo sự định hướng của gia đình…, nhưng nhất thiết không được bỏ qua yếu tố đam mê và sự phù hợp”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) lưu ý.

Trên thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi, tại mỗi kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ, khá nhiều thí sinh khi được hỏi đã không ngần ngại cho biết một trong các lý do lớn chi phối việc chọn ngành sư phạm của các em chính là để đỡ áp lực học phí, còn chuyện có hợp với ngành nghề không cũng quan trọng nhưng để… từ từ rồi tính. 

Ông Cường khuyến cáo người học không nên chọn ngành sư phạm chỉ để được miễn học phí mà bỏ qua yếu tố đam mê, sở thích. Ngay cả những sinh viên gia cảnh khó khăn vẫn có thể được vay vốn học tập trong quá trình học ĐH-CĐ, vì vậy các em cứ mạnh dạn theo đuổi ngành yêu thích. Ngoài ra, các trường ĐH hằng năm đều có chế độ học bổng đa dạng, hỗ trợ đáng kể cho việc học của sinh viên.

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cũng lưu ý, khi chọn nghề, yếu tố đam mê và sự phù hợp ngành nghề hết sức quan trọng. Học sinh có thể chọn ngành sư phạm vì nhiều lý do như thuận lợi học phí, theo sự định hướng của gia đình, muốn nối nghiệp cha mẹ…, nhưng nhất thiết không được bỏ qua yếu tố đam mê và sự phù hợp.

Theo ông Tuấn, nghề giáo đặc biệt ở chỗ người học được đào tạo ra để làm thầy, xã hội luôn xem đây là công việc cao quý nên việc các gia đình mong muốn con cái theo đuổi con đường này cũng là lẽ tự nhiên. Tuy vậy, bên cạnh sự cao quý thì người giáo viên cũng thường phải chịu những áp lực rất lớn trong hoạt động giảng dạy, không đơn thuần chỉ đứng trên bục truyền giảng kiến thức.

“Thay vì bó chặt ước mơ riêng để chọn ngành sư phạm theo ý cha mẹ hay đỡ học phí, tại sao người học không tự tin, mạnh dạn theo đuổi ngành nghề yêu thích? Nhất là trong điều kiện các chính sách học bổng, vay vốn hỗ trợ học tập hiện đã tạo thuận lợi cho sinh viên rất nhiều. Chưa kể, người học có thể vừa học vừa làm thêm để tự trang trải chi phí. Trên thực tế đã có nhiều tấm gương nỗ lực vượt khó, vừa làm vừa học nhưng đã đạt kết quả cao. Họ không chỉ thành công trong học tập mà quan trọng còn hạnh phúc vì theo đuổi được ngành nghề thực sự đam mê”, ông Tuấn nói.

Bài, ảnh: Thục Trân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)