Người ăn xin “bủa vây” trước cổng vào chùa Bà
|
Từ Tết Nguyên đán cho tới rằm tháng giêng, người dân cả nước đổ xô đến chùa cầu phúc cho bản thân và gia đình. Từ đó kéo theo hàng loạt các dịch vụ “bao vây cửa chùa” như bói toán, kinh doanh sách mê tín dị đoan, bán nhang đèn, ăn xin… khiến chốn tôn nghiêm trở nên bát nháo.
Đủ kiểu “vây” cổng chùa
11 giờ ngày 5-2 (ngày 14 tháng giêng), chúng tôi có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), một ngôi chùa rất nổi tiếng của TP.HCM. Đập vào mắt chúng tôi là sự nhốn nháo hàng quán trước cổng chùa. Bên cạnh các quầy bán đồ lễ, hoa quả, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc là rất nhiều sạp sách bói toán di động. Các “cửa hàng” này tràn cả ra lòng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa khiến tình hình giao thông trở nên lộn xộn. Bên cạnh đó, rất nhiều người bán nhang đèn, sách bói toán dạo liên tục chèo kéo, đeo bám mời khách khiến người dân hành hương cảm thấy khó chịu vô cùng. Anh Hà, một người tới viếng chùa bức xúc cho biết, vừa bị hai thanh niên mặt mày bặm trợn chửi bới và dọa đánh vì không chịu mua nhang với giá “cắt cổ”. Tại đây, theo quan sát của chúng tôi, lúc nào cũng có một đội quân bán rong trên dưới 10 người đứng trước cổng chèo kéo khách viếng chùa mua sách.
Những cảnh tượng trên chúng tôi cũng bắt gặp nhan nhản ở một số chốn tôn nghiêm khác ở Q.Gò Vấp và Bình Thạnh như chùa Kỳ Quang, Phước Quang… Chùa Bà Thiên Hậu (tỉnh Bình Dương) cũng không thoát khỏi cảnh bát nháo vào mỗi dịp rằm lớn. Người dân hành hương tụ về ngày một đông giúp những người ăn xin, bán vé số, nhang đèn… có dịp “làm ăn”. Vừa đến cổng chùa, chúng tôi đã bị hàng chục người bán nhang đèn vây quanh chào mời. Đưa mắt quan sát xung quanh, chúng tôi nhẩm đếm có khoảng 30 điểm lớn và hàng trăm điểm nhỏ kinh doanh nhang đèn, các loại hàng mã. Cảnh người mua kẻ bán đã đông đúc, cảnh người ăn xin trước cổng chùa còn nhốn nháo gấp bội. Đâu đâu cũng nghe tiếng người kêu van xin tiền du khách. Chị Nguyễn Mỹ Lan – một du khách ở Q.9, TP.HCM phàn nàn: “Năm nào tôi cũng đi chùa Bà để cầu may nhưng chưa bao giờ gặp nhiều cảnh bực mình như năm nay. Gửi xe thì giá quá cao, mua nhang đèn, bông hoa vào cúng Bà giá cũng trên trời. Bực bội nhất vẫn là cảnh người bán đi theo chèo kéo, năn nỉ, văng tục”.
Lắm chiêu bói toán moi tiền
Sau khi vào viếng chùa, khách nào có nhu cầu xem bói (tướng, tay, bài…) sẽ được đội quân “cò” giới thiệu đến một số địa chỉ nhà thầy, hoặc có thể ra quán cà phê, sân chùa… chờ thầy tới xem cho. Mức tiền xem không giới hạn mà tùy tâm. Một người bán sách bói toán kiêm “cò” xem bói tại cổng chùa Bà hăm hở giới thiệu với chúng tôi: “Muốn xem chỉ tay và xem tướng thì gặp thầy Ph. ở hẻm bên hông chùa. Còn bói bài, xem chuyện làm ăn thì có thầy H. cách đây mấy căn nhà”. Thấy chúng tôi gật đầu, “cò” liền chỉ đường tận tình. Khi chúng tôi đến thầy H. đang bận tiếp khách. Chẳng cần nhìn ra, thầy dửng dưng buông tiếng: “Ngồi ngoài hiên chờ đi!”. Sau một hồi chờ đợi, chúng tôi cũng được mời vào gặp thầy. Ngồi đối diện chúng tôi, thầy H. nhanh nhảu xòe bộ bài, bảo thân chủ rút tay mặt một lá, tay trái một lá. Ngả bài, thầy vừa ngáp rõ to vừa phán: “Có phải vợ theo trai không?”. Anh bạn tôi chưng hửng: “Em chưa có vợ mà thầy”. Thầy chữa ngay: “Vậy là coi chừng con bồ của em. Bài hiện rõ lên đây nè, có thằng con trai đang theo nó”. Mặc dù miệng liếng thoắn nhưng đầu thầy cứ gục xuống, mắt mở không ra. Để chống lại cơn buồn ngủ, thầy đứng dậy nhìn khách nói: “Mấy em thông cảm, khách đến liên tục từ sáng tới giờ khiến thầy chưa kịp uống cà phê nên cứ ngáp hoài. Hai em ngồi đây đợi thầy uống xong ly cà phê này rồi coi tiếp. Bận khách thì có thể quên ăn nhưng cà phê với thuốc lá thì không thể thiếu”. Chúng tôi gật đầu để thầy đi vào trong nhâm nhi cà phê cho tỉnh táo. Lúc trở lại, thầy phán liên hồi như mới lên đồng: “Anh có số làm quan nhưng còn phải phấn đấu nhiều. Đừng tưởng tôi xem bói mà không biết gì. Đến chỗ tôi toàn là những ông to bà lớn không đó”. Thầy phán rất nhiều, mặt thầy tỏ ra nghiêm trọng nhưng chẳng đâu vào đâu. Chúng tôi tìm cách rút lui rồi qua nhà thầy Ph. gần đó. Và đúng như dự đoán, mọi chuyện không khá gì mấy. Vẫn những câu nói chung chung dạng lý thuyết khiến cả hai ngán ngẩm ra về. Các thầy xem bói ở đây đa phần dùng “chiêu” tâm lý để hành nghề. Người đứng tuổi thì tập trung xem chuyện gia sự, làm ăn, buôn bán còn các “nam thanh nữ tú” thì đa phần thầy phán cho nghe chuyện tình duyên. Còn đối với những người làm ăn thất bại, gặp chuyện không hay trong gia đình, mấy thầy sẵn sàng hướng dẫn cách giải hạn.
Các hình thức kinh doanh mê tín dị đoan này đã “làm tiền” không ít người “nhẹ dạ cả tin”. Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn để chốn tôn nghiêm luôn đẹp trong mắt người dân hành hương.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Hiểu rõ tâm lý của người dân hành hương khi sắm nhang đèn, hàng mã vào cúng kiếng nên người bán tha hồ hét giá để kiếm được càng nhiều tiền lời càng tốt. |
Bình luận (0)