Câu hỏi được nhiều phụ huynh, học sinh lớp 9 quan tâm hiện nay là làm thế nào để chọn được trường tư thục, trường ngoài công lập phù hợp nhất.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Hoa Sen trong một giờ học
29.000 chỗ học lớp 10 THPT ngoài công lập
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2022-2023, thành phố có 84 trường tư thục, ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài thực hiện tuyển sinh lớp 10 THPT qua hình thức xét tuyển với tổng số chỉ tiêu là trên 29.000.
Với hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS năm nay toàn thành phố sẽ có khoảng gần 30.000 học sinh sau THCS không học tiếp lớp 10 THPT công lập khi thành phố chỉ tuyển sinh 72.800 chỉ tiêu lớp 10 THPT công lập thông qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022.
Như vậy, việc chọn học trường tư thục, ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài sẽ là một trong những hướng đi tiếp của học sinh sau THCS tại TP.HCM. Tuy nhiên, băn khoăn hiện nay của nhiều phụ huynh là chọn trường như thế nào thì phù hợp nhất?
Có con không tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay vì định hướng cho con đi du học sau THPT, tuy nhiên gia đình chị Nguyễn Mỹ Quỳnh (Q.3) lại chưa biết chọn trường ngoài công lập cho con ra sao.
“Tiêu chí gia đình đặt ra khi chọn trường cho con là trường có môi trường giáo dục tốt, có tăng cường giảng dạy tiếng Anh, mức học phí vừa phải. Cũng có thể là nội trú để con được trải nghiệm, rèn thêm các kỹ năng thích hợp cho việc con đi du học sau này…”, chị Quỳnh cho hay.
Theo tìm hiểu, hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM khá đa dạng, phong phú. Chương trình giáo dục ngoài việc giảng dạy theo chương trình THPT của Bộ GD-ĐT, nhiều trường còn giảng dạy song song chương trình của nước ngoài, trang bị cho người học khả năng tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp…
Thậm chí trong cùng một chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, tùy từng trường lại xây dựng những chương trình giáo dục nhà trường đặc thù, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nghiên cứu khoa học, tiếng Anh, tin học… cho học sinh.
Về mức học phí, theo công bố của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2022-2023 mức học phí của các trường ngoài công lập đa dạng ở nhiều phân khúc, dao động từ dưới 1 triệu đồng đến 53 triệu đồng/tháng. Trong đó, phân khúc học phí từ trên 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng là phổ biến nhất.
Trường THPT Lý Thái Tổ (Q.Gò Vấp) là trường tư thục có mức học phí thấp nhất thành phố, với học phí 1 buổi là 850.000 đồng/tháng, dự kiến tuyển sinh 350 chỉ tiêu lớp 10. Trong khi đó, Trường TH, THCS, THPT Quốc tế Bắc Mỹ (huyện Bình Chánh) là trường có mức học phí cao nhất với 53.000.000 đồng/tháng, phí nội trú 10.000.000 đồng/tháng, phí bán trú 1.800.000 đồng/tháng, trường dạy chương trình tích hợp Tổ chức Tú tài Quốc tế, thực hiện tuyển sinh dự kiến 40 chỉ tiêu lớp 10.
Phụ huynh chọn thế nào cho hợp lý
Trước sự đa dạng, phong phú của hệ thống trường ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh nhận định điều này sẽ tạo sự thuận lợi cho phụ huynh, học sinh trong việc lựa chọn môi trường học tập sau THCS.
Theo ông Minh, không phải trường có mức học phí thấp thì chất lượng giáo dục sẽ không đảm bảo và không phải trường có mức học phí cao thì chất lượng giáo dục sẽ cao. Học phí của mỗi trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thông thường những trường có yếu tố nước ngoài, liên kết giảng dạy theo chương trình nước ngoài thì mức học phí sẽ cao hơn…
Hơn 29.000 chỗ học lớp 10 tại các trường ngoài công lập, trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài trong năm học 2022-2023
“Để có thể thực hiện tuyển sinh lớp 10 thì các cơ sở giáo dục ngoài công lập đều được Sở GD-ĐT thẩm định, đánh giá, xem xét, đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hoạt động giảng dạy… Do vậy, chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ đảm bảo. Mức học phí không phản ánh chất lượng giáo dục của trường”, ông Hồ Tấn Minh chia sẻ.
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khuyên rằng, để lựa chọn được trường tư thục, ngoài công lập phù hợp cho học sinh sau THCS, phụ huynh học sinh cần cân nhắc vào nhiều yếu tố, từ năng lực học tập, điều kiện kinh tế gia đình và hướng đi sau này của các em. Giả sử nếu các em có mong muốn đi du học thì có thể cân nhắc, chọn lựa các trường mang yếu tố nước ngoài; nếu muốn rèn cho con tính tự lập thì có thể chọn trường có nội trú…
Trong khi đó, thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) chia sẻ, trước khi lựa chọn trường ngoài công lập phụ huynh cần thay đổi quan điểm rằng “chỉ học kém mới chọn trường ngoài công lập”. Dẫn chứng là ở trường, nhiều học sinh có lực học khá, giỏi vẫn chủ động chọn môi trường giáo dục ngoài công lập để theo học…
“Trong câu chuyện chọn hướng đi sau THCS thì điều quan trọng nhất vẫn là việc các em và gia đình xác định được định hướng nghề nghiệp, hướng phát triển sau này của bản thân. Môi trường giáo dục ngoài công lập cũng tương đương như công lập song có những đặc thù, thế mạnh riêng biệt. Phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu kỹ về những đặc thù, thế mạnh này để chọn được môi trường phù hợp”, thầy Tuấn nhận định.
Là “người trong cuộc”, hiệu trưởng một trường tư thục trên địa bàn TP.Thủ Đức thông tin, hàng năm trường tuyển sinh khoảng 1.000 chỉ tiêu lớp 10 theo hình thức xét tuyển. Thế mạnh của trường là chương trình giáo dục có tăng cường tiếng Anh, trang bị cho học sinh khả năng tiếng Anh phục vụ xét tuyển vào các trường ĐH cũng như hướng đi sau này của các em. Khi thực hiện xếp lớp đầu vào cho học sinh khối 10, nhà trường sẽ tổ chức cho các em làm một bài kiểm tra nhỏ.
“Để đạt được cam kết theo chuẩn đầu ra của trường về tiếng Anh thì trong quá trình học học sinh phải có sự nỗ lực, ý thức, học tập một cách nghiêm túc. Do môi trường ngoài công lập nên nhà trường cũng sẽ có những hình thức giáo dục riêng biệt phù hợp với đối tượng học sinh. Vì vậy, trước khi lựa chọn môi trường nào phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu kỹ, tránh tình trạng chỉ nghe những lời quảng cáo mà lựa chọn bởi kết quả học tập phải phụ thuộc vào chính sự nỗ lực, cố gắng của mỗi học sinh…”, vị hiệu trưởng khuyên.
Yến Khương
Bình luận (0)