Mỗi trường THPT đều có thế mạnh và nội quy riêng trong môi trường đào tạo. Khi đăng ký nguyện vọng (NV), học sinh lớp 9 cần phải cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ, căn cứ vào thế mạnh và định hướng của bản thân để lựa chọn môi trường phù hợp. Ngoài ra, các em cũng phải cân nhắc đến yếu tố địa lý, điều kiện gia đình…
Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lai (Q.8) đặt câu hỏi cho ban tư vấn chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh THCS” năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức. Ảnh: K.Khánh
Đó là lời khuyên của các thầy cô trong ban giám hiệu nhiều trường THPT gửi đến học sinh lớp 9 trên địa bàn TP.HCM trước thời điểm đăng ký NV.
+ Cô Võ Thị Huyền (Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2): Định hướng từ đầu để chọn môi trường phù hợp
Muốn lựa chọn trường, NV nào phù hợp nhất, các em học sinh lớp 9 cần phải định hướng được bản thân mình sẽ phát triển theo hướng nào để lựa chọn môi trường học theo hướng đó. Từ việc xác định hướng phát triển của bản thân, các em dựa vào năng lực của mình và điều kiện gia đình để lựa chọn ngôi trường thích hợp.
Các em không nên quan trọng hóa việc chọn trường nằm ở top nào mà quan trọng là có phù hợp với bản thân hay không. Chính điều kiện gia đình cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến việc lựa chọn NV của các em. Những ngôi trường có khoảng cách vừa phải, thuận tiện cho việc đi lại trong quá trình học tập sẽ phù hợp hơn là những trường có khoảng cách xa, mất nhiều thời gian cho việc đi lại học tập.
Trong lựa chọn NV, chính các em mới là người có vai trò quan trọng nhất. Đừng quá ảo tưởng vào sức mạnh của bản thân rồi lựa chọn theo các bạn. Việc các em học ở môi trường nào chưa quyết định được rằng các em sẽ thành công như thế nào. Mà chính là cách các em tận dụng môi trường học tập đó như thế nào để phát huy thế mạnh của bản thân.
+ Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10): Nhìn vào năng lực để lựa chọn trường
Trong giai đoạn nước rút này, các em học sinh lớp 9 cần phải xem lại năng lực học tập của bản thân, thế mạnh của mình trong các môn học để sắp xếp thời gian, đầu tư cho 3 môn văn, toán, tiếng Anh cho phù hợp.
Khi lựa chọn NV, các em cần cân nhắc thật kỹ, trong mỗi môi trường nên dựa theo các tiêu chí như: điểm trúng tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh của trường trong vài năm trở lại đây để làm tham số tham khảo, môi trường học tập tại trường mình hướng đến như thế nào, các loại hình đào tạo của trường như thế nào (là trường chuyên, trường chất lượng cao, trường tiên tiến hội nhập, trường có chương trình tích hợp hay trường có thêm các ngoại ngữ khác). Song song với đó, cần phải cân nhắc xem sức học của mình đang ở đâu, vị trí địa lý, phương tiện di chuyển đến trường có thuận tiện hay không…
Một điều cần lưu ý là nếu những học sinh nào có ý định vào học các trường THPT ngoài công lập thì ngay từ ban đầu các em không nên đăng ký tham gia vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, để tránh “chiếm chỗ” của các thí sinh còn lại.
Một lời khuyên nữa là học sinh và cả phụ huynh học sinh lớp 9 cần phải tìm hiểu thật kỹ về các NV lựa chọn, nên chú trọng những môi trường học tập đáp ứng được xu hướng giáo dục hiện đại, không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn chú trọng, rèn luyện cho người học các kỹ năng cần thiết bằng các hoạt động, câu lạc bộ đội nhóm…
+ Thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5): Tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin để không hối tiếc
Khi đăng ký NV vào các trường, học sinh nên căn cứ vào lực học của bản thân, điều kiện gia đình và địa bàn nơi cư trú. Trước hết, học sinh nên tìm hiểu các trường trong địa bàn, sau đó mới đến các trường thuộc những địa bàn lân cận, làm sao cho phù hợp với sức học nhưng cũng phải thuận tiện đi lại. Đừng bằng mọi giá vào học trường công lập rồi đăng ký học những trường “xa lắc xa lơ”.
Khi đặt bút đăng ký NV, ngoài các thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, từ bạn bè, các em nên tìm hiểu thật kỹ về ngôi trường đó qua trang web của trường, qua các anh chị đã từng học tại trường… Tìm hiểu về môi trường giảng dạy, về giáo viên, về nội quy nhà trường; thậm chí là điều kiện di chuyển từ nhà đến trường để tránh trường hợp cảm thấy… hối tiếc khi lựa chọn trường.
Đã từng có trường hợp, có học sinh đậu vào Trường THPT Trần Khai Nguyên nhưng vì quãng đường từ nhà đến trường di chuyển hết 20 phút nên ban đầu em ấy cảm thấy hối hận. May mắn là về sau học sinh ấy đã tìm được quãng đường ngắn hơn nên việc di chuyển đến trường đã không còn áp lực.
Do vậy, hãy đảm bảo rằng các em đã tìm hiểu kỹ về ngôi trường mình mong muốn vào để có kết quả học tập tốt nhất.
+ Cô Nguyễn Thị Hồng Chương (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3): Đừng lựa chọn trường theo bạn bè
Mỗi trường THPT sẽ có một thế mạnh khác nhau. Có những trường mạnh về học tập, có những trường mạnh về nghiên cứu khoa học, có những trường mạnh về hoạt động phong trào hoặc mạnh theo từng khối A, B, C, D… Do vậy, trước khi muốn vào trường nào, các em học sinh lớp 9 hãy bỏ thời gian tìm hiểu thật kỹ về ngôi trường đó xem có thích hợp với mình hay không.
Lựa chọn môi trường học, quan trọng nhất phải phù hợp với lực học của bản thân. Đừng lựa chọn theo tâm lý đám đông, theo bạn bè hoặc theo ý thích của cha mẹ. Vì chỉ khi mình có thích, có đam mê thì kết quả học tập mang lại mới tốt. Tuy nhiên, các em cũng nên cân nhắc vào điều kiện đi lại, sức khỏe của bản thân để lựa chọn. Tránh trường hợp lựa chọn trường học mà phải đi 3-4 chặng xe buýt để đến trường, như thế các em sẽ không thể đủ sức để theo 3 năm THPT.
Ngoài thế mạnh riêng của từng trường thì mỗi trường sẽ có những quy định riêng. Các em nên tìm hiểu trước để tránh bị sốc khi vào học tại trường. Ví dụ, với Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đây là ngôi trường có tính kỷ luật rất nghiêm, với bề dày phát triển hơn 105 năm nên điểm đầu vào luôn ở top cao. Nếu đăng ký vào trường, các em phải cân nhắc sức học của bản thân, tính kỷ luật của mình. Ngoài tính kỷ luật, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai còn nổi tiếng với thế mạnh trong đào tạo tiếng Anh. Khi học tại đây, các em có nhiều cơ hội để phát triển ngoại ngữ này cùng với nhiều sân chơi về TDTT để tăng cường thể chất, phát triển toàn diện như bóng rổ, bơi, đá bóng, Judo…
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)