Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chọn trường theo năng lực hay sở thích?

Tạp Chí Giáo Dục

PHHS Trường THPT Trần Phú tham gia buổi hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức

Chiều 14-3, hàng trăm học sinh (HS) và phụ huynh (PH) Trường THPT Trần Phú đã đến tham dự buổi hướng nghiệp tuyển sinh 2012 “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức.
PH còn nhiều băn khoăn
Buổi tư vấn có rất đông PH tham dự với mong muốn được các chuyên gia giải đáp mọi thắc mắc về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 như chọn trường nào dự thi là yên tâm nhất, khi tốt nghiệp nhu cầu nhân lực sẽ ra sao?
Mặc dù đã tìm hiểu kỹ thông tin về việc chọn trường cho con qua các phương tiện truyền thông cũng như tham khảo ý kiến giáo viên… nhưng ông Trần Ái Việt (PH em Trần Ái Linh, lớp 12A4) vẫn đến tham dự buổi tư vấn để chốt lại lần cuối trước khi chọn trường cho con. Ông Việt chia sẻ: “Tôi thấy cháu có tố chất phù hợp với việc kinh doanh, điểm trung bình học tập của cháu vào loại khá nên dự tính cho cháu thi vào ngành quản trị kinh doanh của một trường ĐH gần nhà, có điểm xét tuyển những năm trước khoảng 17-18 điểm. Không biết đây có phải là quyết định đúng hay không?”. Một PH ngồi kế bên ông Việt (xin được giấu tên) cho biết: “Điểm tổng kết trung bình học tập của con tôi chỉ đạt loại khá, nhưng các môn toán, lý, hóa, đều đạt 8-9 điểm. Tôi muốn cho con thi vào ĐH Kiến trúc TP.HCM nhưng với sức học như vậy không biết đã đảm bảo để thi chưa? Tốt nghiệp trường này ra cơ hội việc làm thế nào?”.
Với những băn khoăn này, ThS. Nguyễn Anh Đức – Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – chia sẻ: “Khi các em thi vào ngành nào, trường nào cần phải làm thêm trắc nghiệm, tìm hiểu thêm năng lực, thế mạnh của mình ở lĩnh vực nào với nhiều cách như vào Google gõ trắc nghiệm tâm lý, làm bài test trên trang web hoặc hỏi ba mẹ, thầy cô, bạn bè… Mỗi con người sinh ra đều có thế mạnh ở một số lĩnh vực và làm việc cực kỳ hiệu quả ở những lĩnh vực mà mình đi đúng hướng. Sau khi khám phá thế mạnh của mình, HS tìm hiểu những trường đào tạo về lĩnh vực đó, từ trường top 1, 2, 3 đến các trường CĐ và trung cấp. Nếu học giỏi các em có thể chọn trường top cao nhất (điểm chuẩn các năm khoảng 23-24), học lực khá thi trường top giữa (điểm chuẩn 17-18), học lực trung bình khá chọn các trường top dưới (điểm chuẩn 15-16)”.
Về nhu cầu nhân lực, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – cho hay: “Giá trị cuộc đời của con người là hành nghề chứ không phải là mình học như thế nào, học ở đâu. Nếu làm việc phù hợp với năng lực, sở thích của mình, các em sẽ thành công. Xu hướng ngành nghề đang phát triển rất đa dạng, HS nên yên tâm lựa chọn ngành nghề theo sở thích của mình vì chúng ta đang ở trong một cơ chế giáo dục đa ngành đa nghề. Trong tương lai, ai giỏi kỹ năng nghề thì người đó sẽ thành đạt, còn con đường liên thông lên các bậc cao hơn đang rộng mở cho các em”.
HS còn nhầm lẫn giữa ngành và nghề
Mặc dù đã đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi nhưng có không ít HS vẫn nhầm lẫn giữa ngành và nghề. Em Nguyễn Hoàng Anh thắc mắc: “Em muốn thi vào ĐH Luật nhưng trường này không đào tạo ngành thẩm phán. Em muốn làm thẩm phán thì phải học ở đâu?”. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn nói: “Em đang nhầm lẫn giữa ngành học và nghề. Thẩm phán là một công việc trong tòa án, em muốn làm thẩm phán trước tiên cần học tốt ngành luật. Sau khi tốt nghiệp trường luật, em vào làm việc ở tòa án và phấn đấu học để thành thẩm phán”. Còn em Lê Vân Nga thì phân vân: “Em muốn làm thiết kế sự kiện thì học ngành nào và trường nào đào tạo tốt nhất”. Ông Lê Đức Duyên – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH FPT – cho hay: “Tổ chức sự kiện là một nghề chứ không phải là một ngành. HS có thể học những ngành phục vụ cho việc tổ chức sự kiện như marketing, báo chí, quan hệ công chúng…”.
Cùng với những thắc mắc về ngành – nghề, vấn đề được nhiều em HS quan tâm là nhu cầu nhân lực, tiền lương sau khi tốt nghiệp. Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Đình Nam – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường CĐ Quốc tế Kent – phân tích: “Để có việc làm lương cao sau khi ra trường các em phải có 3 điều kiện là vốn tiếng Anh giỏi, kỹ năng mềm khá (kỹ năng thuyết trình, nói chuyện trước đám đông…), trong quá trình học các em phải được va chạm với những dự án thực tế”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)