Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn trường vừa sức

Tạp Chí Giáo Dục

Dựa trên kết quả học tập bậc THPT, thí sinh có thể tự xác định nên đi theo hướng nào, đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hay CĐ nghề, trung cấp, đồng thời nhận diện những điểm yếu cần cải thiện để đạt được mục tiêu.

S Lê Thị Thanh Mai tư vấn cho học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp.  Ảnh: Như Hùng
Hằng năm có trên hai triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ, khoảng 70% trong số đó đến dự thi. Số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên từ 32 – 34% (khoảng 70% là học sinh tốt nghiệp năm 2010). Trung bình, cứ 100 thí sinh tự do (tốt nghiệp từ năm 2009 trở về trước) chỉ 30% thí sinh có điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên.
Điều này cho thấy những thí sinh thi đến lần thứ hai, thứ ba thường đạt kết quả không cao. Vì vậy, nếu biết tự lượng sức mình, thí sinh có nhiều hướng đi phù hợp ngay sau tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, nếu năm 2009, cả nước có khoảng 4.200 ngành tuyển sinh ở trình độ ĐH, CĐ thì năm 2010 con số này đã là 4.500. Số cơ sở đào tạo ĐH, CĐ từ 422 vào năm 2009, sang năm 2010 cũng tăng lên 434. Tính cả các phân hiệu, con số này có thể sẽ cao hơn. Số cơ sở đào tạo, số ngành học tăng lên, cơ hội lựa chọn ngành của thí sinh cũng tăng.
Đồng thời đó cũng là thách thức đối với thí sinh, vì ngoài những khác biệt về chương trình, cơ sở, phương pháp, mỗi cơ sở đào tạo có điểm chuẩn khác nhau. Vì vậy, bên cạnh xác định sở thích nghề nghiệp, thí sinh phải cân nhắc đến sức học của mình khi chọn ngành, trường.
Thí sinh có thể tự nhận biết khả năng học tập của mình qua việc xác định kết quả học tập các môn học THPT có liên quan đến từng khối thi, theo các bước sau:
Kết quả thi tuyển sinh ĐH năm 2010 theo khối thi
Khối
Tổng
 Đạt từ điểm sàn trở lên
Điểm Trung Bình
Học sinh tốt nghiệp năm 2010
Học sinh tốt nghiệp các năm trước
Học sinh tốt nghiệp năm 2010
 Khối A
 10,7  79,2% – 10,7  7,1% – 15,4  25,1% – 15,9
 Khối B  11,3  79,8% – 11,5  4,6% – 15,5  27% – 16,2
 Khối C  11  73,2% – 10,9  10,2% – 15,6  24,9% – 15,9
 Khối D  11,1  83,7% – 11,1  5,5% – 15,3  29,8% – 15,7
 (Kết quả thi tuyển sinh cho thấy ở khối C, học sinh tốt nghiệp THPT các năm trước có điểm trung bình cao hơn học sinh tốt nghiệp THPT năm 2010)
Bước 1 – Xác định khối thi nổi trội nhất 
Kỳ thi tuyển sinh ĐH có các khối thi A, B, C, D với các môn thi tương ứng: toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh; văn, sử, địa; toán, văn, ngoại ngữ. Căn cứ kết quả học tập ở THPT của các môn nói trên, thí sinh có thể tự xác định hai khối thi nổi trội nhất.
Để xác định, đầu tiên thí sinh phải tính điểm trung bình (ĐTB) từng môn trong mỗi khối thi bằng cách cộng ĐTB năm học của từng môn ở cả ba năm lớp 10, 11 và 12. Trong đó, do đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, nên điểm của lớp 12 cần được xem xét quan trọng hơn bằng cách nhân hệ số.
Nếu thí sinh chọn hệ số 2 cho điểm của lớp 12, khi tính ĐTB năm học của một môn nào, các bạn sẽ lấy tổng điểm của môn đó (sau khi đã nhân hệ số 2 cho điểm năm lớp 12) chia cho 4. Cộng ĐTB ba môn bạn sẽ được điểm học tập của khối.
Ví dụ ĐTB môn toán = (ĐTB năm học môn toán lớp 10 + ĐTB năm học môn toán lớp 11 + ĐTB năm học môn toán lớp 12×2)/4. ĐTB môn toán: (9,7+9,0+8,9×2)/4 = 9,1; ĐTB môn hóa: (8,4+8,0+8,3×2)/4 = 8,3; ĐTB môn sinh: (8,0+8,4+8,0×2)/4 = 8,1. Như vậy, điểm học tập khối B sẽ là: 9,1+8,3+8,1 = 25,5 điểm.
Bước 2 – Xác định khả năng
Bạn có thể tự ước đoán khả năng làm bài thi tuyển sinh (của khối thi tương ứng), gọi tắt là hệ số T. Thông thường, hệ số T sẽ lớn hơn 0 và nhỏ hơn 1. Hệ số T phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ của học sinh, nội dung đề thi, tâm lý của người làm bài thi…
Do vậy, thí sinh có thể tự ước đoán hệ số T hoặc tính hệ số T của mình thông qua việc giải đề thi tuyển sinh (có cùng khối thi mà thí sinh dự định thi) của những năm gần nhất. Lưu ý, việc giải đề thi các năm trước phải được thực hiện trong điều kiện như thi thật.
Chẳng hạn, khối A, B là hai khối mà thí sinh có ĐTB khối cao nhất, bạn sẽ tính hệ số T của hai khối này bằng cách lấy kết quả làm bài của ba môn thi chia cho 30 (công thức: TA = (kết quả làm bài thi môn toán + môn lý + môn hóa)/30 hoặc TB= (kết quả làm bài thi môn toán + môn sinh + môn hóa)/30).
Ví dụ, bạn thử làm đề thi tuyển sinh năm 2009 của ba môn khối B là 21 điểm, nghĩa là hệ số T khối B của bạn sẽ là: 21/30=0,7.
Bước 3 – Ước đoán kết quả thi ĐH
Kết quả thi tuyển sinh ĐH năm 2010 theo năm tốt nghiệp
  Thí sinh tốt nghiệp năm 2010  Thí sinh tốt nghiệp các năm trước
 Điểm trung bình Tỉ lệ  Điểm trung bình Tỉ lệ
 Đạt sàn  15,9  25,7%  15,4  6,4%
 Dưới sàn  8,6  53,7%  8,7  14,2%
 Cộng  10,8  79,4%  10,8  20,6%

Sau khi đã có điểm học tập của từng khối thi, hệ số T, thí sinh bắt đầu tính toán mức điểm ước đạt của mình ứng với khối thi đã chọn cho kỳ thi sắp tới. Cách tính dựa trên công thức: điểm học tập của khối thi nhân với T.

Ví dụ, với điểm học tập khối B của bạn là 25,5 điểm và hệ số T là 0,7, điểm ước đạt của bạn 25,5 x 0,7 = 17,8 điểm.
Tiếp theo, thí sinh tìm những ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp và có điểm chuẩn phù hợp với mức điểm ước đạt của mình, lưu ý thêm các thông tin về ĐTB của các thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên theo khối ở các trường có tổ chức thi; lưu ý về ngành, nơi đào tạo, vị trí việc làm, mức học phí, tổ chức thi hay xét tuyển… để quyết định ngành sẽ dự thi.
Như vậy biết lượng sức mình và quyết tâm thì cơ hội thành công cao nhất sẽ đến với các bạn.

TS Lê Thị Thanh Mai
Phó trưởng Ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo Tuổi Trẻ

 

Bình luận (0)

Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn trường vừa sức?

Tạp Chí Giáo Dục

Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi đang đến gần, việc thu thập thông tin và tra cứu dữ liệu tuyển sinh của các trường sẽ là khâu đặc biệt quan trọng cho việc chọn trường của thí sinh. Cơ hội sẽ rộng mở nếu thí sinh biết rõ “đối thủ” của mình, đúng như câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”
Chọn theo sở thích, năng lực
Không chỉ cần ôn tập chu đáo, thí sinh còn cần cân nhắc chọn ngành thi theo sở thích và năng lực. Ảnh: Lê Hồng Thái
Theo tiến sĩ Trần Văn Nghĩa (phó cục trưởng cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, bộ GD-ĐT), tiêu chí quan trọng trong việc hướng nghiệp cho thí sinh đó là sở thích của các em. Nếu không yêu thích, không có hứng thú trong học tập và công việc các em sẽ không có sự nỗ lực, cố gắng để có được thành công. Tuy nhiên, niềm yêu thích không bất biến, nên cần có sự cân nhắc và tìm hiểu ngành phù hợp, từ đó có định hướng phấn đấu học tập.
Trước sự khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, những ngành vốn thu hút nhiều thí sinh những năm gần đây như tài chính – ngân hàng, kiểm toán, chứng khoán đang giảm sức hút. Các ngành như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, báo chí, quan hệ công chúng… một thời được chú ý giờ cũng bị “thờ ơ”. Nhưng các ngành dịch vụ xã hội như tâm lý, xã hội học, và các nghề như đầu bếp, cắm hoa, chăm sóc gia đình, sửa chữa ô tô… lại trở thành “tiềm năng”.
Trong một chương trình tư vấn tuyển sinh, PGS-TS Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng vụ Đại học và sau đại học cho biết, xu hướng ngành nào có “tiềm lực”… sẽ do rất nhiều yếu tố khách quan can thiệp vào, sau khi trúng tuyển thí sinh còn một khoảng thời gian dài học tập mới tốt nghiệp, vì vậy việc chọn ngành nghề theo trào lưu sẽ là những lựa chọn sai lầm. Thí sinh nên cân nhắc dựa trên sở thích, năng lực của mình, cùng với sự tham khảo ý kiến của gia đình, thầy cô để có lựa chọn đúng đắn nhất.
Lên mạng chọn trường
Cũng theo TS Khôi, sau khi chọn được ngành phù hợp, các thí sinh có thể truy cập vào http://ts.edu.net.vn/ (mục bậc đại học, cao đẳng), sau đó chọn ngành, khu vực, khối thi… để có được đầy đủ thông tin về các trường có tuyển sinh ngành muốn đăng ký. Cũng tại website trên, thí sinh có thể thống kê điểm thi của tất cả thí sinh tham dự khối thi. Điều này giúp thí sinh đánh giá được năng lực và quyết định được nên dự thi vào trường nào, khối nào. Thống kê điểm thi các khối cũng cho phép thí sinh biết số lượng đăng ký dự thi vào các khối thi.
Ngoài ra, việc tra cứu điểm chuẩn các năm tuyển sinh trước cũng góp phần quan trọng trong việc quyết định nên chọn thi trường nào. Thí sinh cần phải tự đánh giá được kiến thức của mình và dự kiến mức điểm tối thiểu có thể đạt được ở khối dự thi. Từ đó, đối chiếu với các danh mục điểm chuẩn để chọn được trường có mức điểm chênh lệch so với điểm dự kiến đạt được từ 2 – 3 điểm. Cuối cùng, với việc thống kê mức phân loại điểm thi của các trường, thí sinh sẽ biết chính xác số thí sinh đạt tổng số điểm của ba môn thi vào trường dao động trong khoảng nào là cao nhất, từ đó so sánh với chỉ tiêu trường tuyển sinh. Qua đó thí sinh sẽ tự đánh giá được cơ hội của mình khi dự thi trường này.
Theo TS tâm lý Nguyễn Hồi Loan (đại học Khoa học xã hội và nhân văn), thí sinh nên xác định việc đi thi đại học là cho bản thân và do bản thân. Ý kiến của bố mẹ trong chuyện này chỉ có vai trò tham khảo, tránh việc bị gia đình “ép” chọn thi một ngành ngoài sở thích và khả năng. Ngoài ra, thí sinh cũng phải chuẩn bị cho mình một chiến thuật tâm lý, tránh tư tưởng “thi năm đầu không thể đỗ”, hay run sợ, lo lắng bị thi rớt.
Thanh Tuyền (SGTT)