Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chống bạo lực học đường phải từ gốc

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) ngày càng nhiều, càng “bạo lực” hơn khiến cho chúng ta đau đớn lòng. Mỗi lần xem clip hay đọc tin tức về bạo lực nói chung và BLHĐ nói riêng, chúng ta lại xót xa. Những lý do chẳng đâu vào đâu cũng dẫn đến tệ nạn đau lòng này. Biện pháp nào để tệ nạn BLHĐ ngày càng giảm? Có lẽ, sẽ khó có biện pháp nào hữu hiệu khi chúng ta không tìm hiểu về nguyên nhân – cái gốc của bạo lực.

Nếu chúng ta cứ để khi phát hiện học sinh đánh nhau mới xử lý bằng biện pháp này, biện pháp nọ thì e rằng, cách giải quyết như vậy chẳng khác nào: “Giáo dục nạn BLHĐ bằng hình thức tỉa cành, ngắt ngọn”. Tỉa cành này sẽ ra cành khác, ngắt ngọn này sẽ mọc ngọn kia. Chính vì thế, chúng ta cần giáo dục học sinh từ gốc. Mà cái gốc quan trọng nhất vẫn là từ gia đình và nhà trường.

Gốc từ gia đình

Chính gia đình không hạnh phúc, cha mẹ hay cãi cọ nhau, bạo lực gia đình… vô tình gieo cho con cái tính cách ấy. Từ đó, con cái sẽ thực hành ở trường, ở lớp. Và như thế, BLHĐ dễ bắt nguồn từ gia đình. Bên cạnh đó, khi học sinh gây gổ nhau ở trường, về nhà kể cha mẹ nghe, thay vì khuyên con ứng xử hay, đẹp trước tình huống ấy thì nhiều người lại tỏ ra bực tức về những đứa trẻ đó trước mặt con mình; thậm chí có những bậc phụ huynh “nghe con lon xon mắng người” bằng cách lên tận trường dằn mặt những đứa trẻ ấy. Cứ như thế, bạo lực ngày càng gia tăng mà cái gốc của sự gia tăng ấy chính là gia đình.

Gia đình là cái nôi rất quan trọng để hình thành nhân cách của con cái. Bởi vậy, sự quan tâm, giáo dục con cái từ các bậc làm cha làm mẹ là vô cùng quan trọng.

Gốc từ nhà trường

Nhiều trường học nặng dạy chữ, nhẹ dạy người làm cho bạo lực ngày càng nhiều ngay tại môi trường cần lắm sự yêu thương, đùm bọc, chở che. Bệnh thành tích học… học… học khiến cho học sinh ít có thời gian giải trí, ít có thời gian rèn đức; học nhiều khiến học sinh bị áp lực, ức chế nên dễ gây cáu gắt và bạo lực dễ xảy ra. Ngoài ra, sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường cũng khiến cho BLHĐ “có đất dụng võ”. Bởi vậy, công việc quản lý rất quan trọng.

Nhà trường cần tổ chức những chuyên đề ngoại khóa mang ý nghĩa giáo dục để dạy cho học sinh, giảm áp lực học tập cho các em thì tình trạng BLHĐ sẽ hạn chế. Và bản thân mỗi thầy cô giáo cần phải là tấm gương sáng để các em đặt niềm tin và noi theo.

Có thể nói, BLHĐ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng hai nguyên nhân chính vẫn là từ gia đình và nhà trường. Hai cái gốc này cần phải được quan tâm nhiều thì BLHĐ mới giảm.

Hãy xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” bắt nguồn từ sự dạy dỗ, giáo dục của gia đình và nhà trường.

Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THPT
Thành Nhân, TP.HCM)

Bình luận (0)