Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chống bỏ học ở đồng bằng sông Cửu Long: Những giải pháp năng động

Tạp Chí Giáo Dục

Vài năm trở lại đây, việc HS bỏ học là vấn nạn đáng báo động ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bằng những giải pháp năng động, các ngành, các cấp nơi đây đã từng bước góp phần hạn chế thực trạng này.

Chúng tôi tìm đến Cái Răng, quận ngoại ô của TP Cần Thơ. Cái Răng có 3/4 đất nằm trong khu quy hoạch, thường xuyên biến động dân số, nhiều hộ dân chuyển con em trong độ tuổi đến trường theo để bươn chải, kiếm sống. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận gia đình khá giả vẫn lơ là, thiếu trách nhiệm với con cái nên có trường hợp dù là nhà giàu vẫn bỏ học lêu lổng chơi bời. Để hạn chế tình trạng bỏ học, ngoài việc phối hợp tuyên truyền vận động ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, Hội Khuyến học quận còn tích cực vận động các “Mạnh thường quân” đóng góp trên 500 triệu đồng cấp học bổng, trợ cấp cho học sinh nghèo, vượt khó, hiếu học. Điển hình là chi hội khuyến học phường Hưng Phú trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã cấp cho học sinh nghèo mỗi em 10 ký gạo ăn Tết. Từ sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành, tỉ lệ bỏ học của những năm trước là gần 4%, hiện tại chỉ còn 55 em bỏ học trên tổng số 3.846 em đang theo học ở cấp THCS.

Xa hơn Cái Răng, huyện Châu Thành, đơn vị tách ra của quận, nay thuộc tỉnh Hậu Giang, việc học có vẻ khó khăn hơn bởi lẽ cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống giao thông còn lắm nhiêu khê. Thầy Lê Văn Phi, Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết, từ sau học kỳ I đến nay, con số bỏ học là 297 em (130 em ở cấp THCS) không cao như năm trước. Đối với các em theo gia đình đi làm ăn xa, phòng chỉ đạo các trường thường xuyên theo dõi để khi các em về địa phương tiếp tục vận động trở lại lớp phổ thông hoặc chuyển sang các lớp phổ cập.

Ông Lý Thanh Tú, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT An Giang, cho biết: “Toàn ngành đã tuyên truyền nội dung Chỉ thị 30/CT-TU của Tỉnh uỷ An Giang và kế hoạch 15/KH-UBND của UBND tỉnh; chỉ đạo cho đài truyền thanh, tổ chức đoàn thể tuyên truyền để nâng nhận thức trong nhân dân. Các đơn vị trường học tổ chức sinh hoạt trong tập thể sư phạm và trao đổi trong kỳ họp Ban đại diện Cha mẹ học sinh đầu năm học. Những giải pháp tổng hợp nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học gắn kết với nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, do đó được lồng ghép trong nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị trường học.”. Ở An Giang, kết quả việc thực hiện chủ trương hạn chế tình trạng học sinh bỏ học cho kết quả khả quan sau học kỳ I: bậc tiểu học có tỉ lệ giảm nhích hơn năm trước là 0,55% (năm trước 0,14%) trong đó bỏ học là 0,47%, THCS là 1,61% (năm trước 1,73%) trong đó bỏ học là 1,49% và THPT là 2,32% (năm trước 2,53%), trong đó bỏ học là 2,02%.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ông Nguyễn Quí Đôn, cần nâng chất lượng dạy và học để giảm học sinh (HS) yếu, kém, giải quyết căn cơ vấn đề bỏ học do học tập yếu: đây là chủ trương xuyên suốt của ngành GDĐT thành phố trong nhiều năm qua, và được xem là biện pháp chủ yếu để khắc phục căn cơ tình trạng học sinh học yếu, dẫn đến bỏ học.Nhờ vậy, từ sau học kỳ I năm học này, Cần Thơ chỉ có 1.056 HS bỏ học, trong đó 386 em có hoàn cảnh khó khăn và 473 HS học lực kém. Qui ra tỉ lệ bỏ học ở tiểu học chiếm 0,13%, trung học cơ sở 0,92% và THPT 0,62%.

Từ năm 2006 đến nay, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã ký liên tịch với Thanh tra tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. Theo đó, từng học kỳ có thanh kiểm tra việc huy động học sinh ra lớp với sự tiếp sức của UBND các xã, phường và ban, ngành, đoàn thể. Ông Phạm Ngọc Trang, Trưởng phòng GD&ĐT – Trưởng ban chỉ đạo thanh tra chống bỏ học huyện Cao Lãnh, cho hay tính đến nay, các trường đều tập trung thực hiện tốt “Một hội đồng hai nhiệm vụ”. Tất cả 18 xã, thị trấn đều có tổ an ninh khuyến học và mỗi trường trong huyện đều có tổ giáo viên phụ trách địa bàn ấp để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Ngoài ra, chính sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã, đặc biệt là Hội Khuyến học đã dẫn đến kết quả duy trì tốt sĩ số học sinh từng học kỳ.

Chúng tôi đến thăm xã Mỹ Hội, một trong nhiều đơn vị tiêu biểu của huyện Cao Lãnh về công tác chống học sinh bỏ học. Ông Nguyễn Hoàng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội cho biết: mô hình chống bỏ học của xã được xây dựng từ tổ an ninh nhân dân gắn kết 4 nhiệm vụ : dân phòng, văn hoá, khuyến học và nông dân. Cấp uỷ và UBND xã xem đây là nhiệm vụ then chốt trong việc góp phần thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên ngay từ đầu năm đã thành lập tổ kiểm tra công tác chống bỏ học do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, Chủ tịch UBMTTQ làm tổ phó, Chủ tịch Hội Khuyến học và các đoàn thể làm thành viên. Nhờ vậy 3 năm qua tỉ lệ bỏ học của địa phương từng bước giảm dần. Năm học 2006-2007 có 11 học sinh THCS bỏ học, năm học 2007-2008 giảm còn 9 em và từ học kỳ I năm học 2008-2009 đến nay, chỉ còn 3 em, chiếm 0,5% sĩ số trong xã. Riêng HS THPT bỏ học 54 em để đi làm thuê kiếm sống, chiếm tỉ lệ 0,5%.

Theo GD&TĐ

Bình luận (0)