Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến hết tháng 9-2014, lực lượng công an cả nước đã phát hiện và bắt giữ 34.636 vụ buôn lậu thuốc lá với 20.383.460 gói thuốc lá nhập lậu các loại. Thế nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra rầm rộ, thách thức các cơ quan chức năng.
Phương tiện: thiếu, xử lý: vướng
Đánh giá của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và báo cáo của công an các địa phương cho thấy, lượng thuốc lá nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2014 ước trên 20 triệu gói. Địa bàn trọng điểm diễn ra buôn lậu thuốc lá là vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp. Các đối tượng buôn lậu tập trung hàng tại các kho bên phía nước bạn giáp khu vực biên giới, sau đó tìm cơ hội tổ chức nhập lậu vào Việt Nam qua đường thủy và đường bộ bằng các phương tiện tốc độ cao, chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển, trốn tránh sự truy đuổi, bắt giữ của lực lượng chức năng.
“Đối tượng buôn lậu sử dụng tàu cao tốc gắn 8 máy, công suất mỗi máy 250 mã lực, có hệ thống lái bằng màn hình định vị vệ tinh. Trong khi đó, hải đội chống buôn lậu phía Bắc của chúng tôi có 5 tàu cao tốc nhưng tốc độ chỉ chạy tối đa được 25 hải lý/giờ”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan) nêu thực tế. Từ đó, ông Tuấn đề nghị trước mắt cần cấp ngay các phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu tại các địa phương trọng điểm.
Bộ đội biên phòng Tây Ninh thu giữ thuốc lá lậu. Ảnh: VĂN PHONG
Quy định của pháp luật chưa phù hợp thực tế cũng tạo cơ hội cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá “lách luật”. Dù từ năm 2012 đến hết tháng 9-2014, lực lượng công an cả nước bắt giữ 34.636 vụ buôn lậu thuốc lá, nhưng chỉ có 369 vụ với 488 bị can bị xử lý hình sự. Lý do là các đối tượng xé lẻ, chia nhỏ số lượng hàng hóa khi vận chuyển nên chưa cấu thành tội phạm hình sự; vì theo quy định thì hành vi vi phạm 1.500 bao thuốc lá trở lên mới bị khởi tố hình sự.
TPHCM là địa phương được đánh giá thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, nhưng Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó Giám đốc Công an TPHCM) cho biết, tỷ lệ xử lý hình sự những đối tượng phạm tội thấp, chủ yếu xử lý người làm thuê, người khuân vác chứ chưa xử lý được đối tượng tổ chức, cầm đầu.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc thực hiện tạm nhập tái xuất mặt hàng thuốc lá do nước ngoài sản xuất tuy tạo điều kiện và phục vụ cho phát triển các dịch vụ thương mại, song thực tế phí thu được không đáng kể so với chi phí bảo trì giao thông, chi phí cho công tác chống buôn lậu. Trong khi đó, hoạt động này diễn biến phức tạp và có nguy cơ cao thẩm lậu, nhập lậu trở lại Việt Nam.
Chăm lo đời sống người dân vùng biên
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nguyên nhân chủ yếu là người dân khu vực vùng biên giới vì sinh kế nên tiếp tay đầu nậu vận chuyển thuốc lá lậu vào thị trường nội địa để tiêu thụ.
Thiếu tướng Phan Anh Minh nhận xét: đa số người dân sống dọc biên giới là nông dân, sau khi xuất hiện các KCN, các dự án thì họ không còn đất đai để canh tác. Họ tham gia tiếp tay cho đường dây buôn lậu thuốc lá để có thu nhập, do vậy quan trọng là giải quyết căn cơ vấn đề sinh kế cho người dân ở vùng biên giới. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng kiến nghị: Chính phủ, chính quyền địa phương cần có chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới tạo công ăn, việc làm cho cư dân để họ không tiếp tay vận chuyển thuốc lá lậu.
Khảo sát của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – Bộ Công an cho thấy hoạt động buôn lậu thuốc lá trong thời gian qua hình thành các tổ chức, đường dây chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm và sự móc nối giữa các chủ đầu nậu với các lực lượng có chức năng chống buôn lậu và các chủ hàng tiêu thụ trong nội địa. Cảnh giác trước những “lỗ hổng” trong lực lượng đấu tranh chống buôn lậu để tội phạm lôi kéo, mua chuộc, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đề nghị các đơn vị xử lý nghiêm để làm trong sạch nội bộ.
ÁI CHÂN
(SGGP)
Bình luận (0)