Ngoài giờ học, Dung và Phượng còn làm lông mi giả để giúp chị trang trải chi tiêu |
Một ngôi nhà trống, thiếu trụ cột để làm điểm tựa, và con đường tương lai của những người sống trong ngôi nhà ấy đầy gập ghềnh, gian khó là những gì tôi cảm nhận được khi bước chân ra về…
Ngôi nhà nhỏ nằm trong hẻm vắng thuộc ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi – cách đây bốn năm từng là nơi trú ngụ của một gia đình hạnh phúc. Nhưng rồi sự ra đi đột ngột của chủ nhân, chị Phạm Thị Nga bởi căn bệnh tim khi tuổi đời còn trẻ khiến cho hạnh phúc ấy bỗng trở thành dang dở. Bà Nguyễn Thị Dữ năm nay đã 77 tuổi, là mẹ của chị Nga cho biết, ngày chị Nga mất, buổi sáng đám tang vừa xong thì buổi chiều người con rể (chồng chị Nga) đã… bỏ về nhà mình, để lại ba đứa trẻ bơ vơ, đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi đầu còn chưa ý thức được nỗi đau mất mẹ. Bây giờ, trong căn nhà này chỉ còn lại bốn mảnh đời – một già, ba trẻ côi cút, sống nương tựa vào nhau.
Từ ngày chị Nga mất, gánh nặng ba người con của chị chồng chất lên vai người mẹ già. Thương cháu, bà Dữ chắt mót những đồng bạc cuối cùng, cố gắng nuôi cả ba ăn học. Bù lại, các con của chị Nga là Hà Thị Hạnh (SN 1993), Hà Thị Tuyết Dung (SN 1996) và Hà Thị Phượng đều nỗ lực trong học tập, liên tục là học sinh khá giỏi của trường. Thế nhưng, tuổi già bệnh tật không biết xoay xở ra sao, những người con còn lại của bà Dữ cũng không khá giả để có thể giúp đỡ. Năm 2008, thấy hoàn cảnh quá khó khăn, Hạnh nghỉ học, xin đi làm công nhân để thay ngoại nuôi hai em ăn học. Hạnh chia sẻ: “Năm vào lớp 10, tiền dành dụm cộng với tiền hàng xóm gom góp cho em may được một bộ áo dài. Nhưng đến ngày đi học mà không có tiền đóng học phí… nên em không đi học nữa”. Vừa nói Hạnh vừa chỉ tay vào chiếc áo dài nữ sinh treo trên góc tủ mà em chưa từng được mặc. Bây giờ, Hạnh đang làm công nhân cho Công ty Giày SAMHO (Củ Chi), thu nhập mỗi tháng được 1,3 triệu đồng, vừa để đóng học phí cho em vừa trang trải cuộc sống của bốn bà cháu. Theo Hạnh, cứ đến ngày nhận lương, việc đầu tiên là em chạy ngay ra chợ mua vài lít mắm và 50 cân gạo đủ để sử dụng trong vòng một tháng, phần còn lại đưa hết cho ngoại để bà cân nhắc chi tiêu. Riêng hai cô bé Dung, Phượng ngoài giờ học còn nhận làm lông mi giả cho một cơ sở sản xuất lông mi, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được 20 ngàn đồng, số tiền ấy phụ với tiền lương của Hạnh dành để đi chợ và mua sách vở.
Niềm vui lớn nhất của Hạnh và bà Dữ là cả Phượng và Dung đều là học sinh giỏi, chịu khó. Tuy vậy, các em vẫn không giấu nổi nỗi buồn khi có ai hỏi về bóng dáng của người cha. Hạnh tâm sự: “Từ ngày mẹ mất, ba ít ghé thăm tụi em lắm. Giờ ba có gia đình mới rồi nên tụi em cũng không thể đòi hỏi, trông chờ gì ở ba nữa. Vả lại, gia đình của ba cũng khó!”.
Khi hỏi về mơ ước, những dự định tương lai của cả ba thì… chỉ nhận được sự im lặng và vẻ mặt thoáng buồn của bà Dữ. Hạnh thổ lộ: “Tụi em đứa nào cũng có ước mơ hết nhưng không biết có làm được không. Dung từ nhỏ đã mơ làm cô giáo còn Phượng ước được là họa sĩ trong tương lai. Hiện tại, em đang cố gắng để lo cho hai em ăn học, nhưng… lo được ngày nào hay ngày nấy”. Bà Dữ cho biết thêm: “Hiện tại, tôi sống cũng chỉ như một điểm tựa tinh thần chứ không giúp được gì cho ba đứa trẻ. Trong khi tuổi già nhiều bệnh tật nên mỗi tháng tôi phải lên thành phố thuốc thang, điều trị, phần lương của Hạnh vốn đã không đủ sống giờ lại phải trích riêng một khoản để lo cho tôi”….
Bài, ảnh: Ngân Du
Bình luận (0)