BS CKII Trần Duy Tâm – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tâm Thần TP.HCM cho biết, số liệu thống kê trong năm 2017, tại BV tiếp nhận hơn 50 nghìn lượt khám (khám mới và tái khám) đối với người bệnh trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi; số trường hợp điều trị nội trú khoảng 350 người. Con số này quả không hề nhỏ.
Anh P.T.L được gia đình đưa vào BV Tâm Thần TP.HCM tái khám sau gần 10 năm bị bệnh |
N.T.H (21 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) vốn là một nữ sinh thông minh học giỏi, sau một lần bị bạn xấu lôi kéo, H. sa chân vào hút bồ đà rồi heroin. Cuộc đời H. cứ thế trượt dài trên những vết nứt thời niên thiếu. Xuất phát điểm của N.V.A (18 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) cũng là người con hiếu thảo hiếu học, sau cú “sốc” cha mẹ ai đi đường nấy, A. bị sang chấn tâm lý, trở nên trầm cảm không còn giao tiếp với người xung quanh. H. và A. là 2 trong số hàng chục nghìn người trẻ đang được gia đình đưa đến BV Tâm Thần TP.HCM điều trị với niềm hy vọng phần nào hồi phục thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên con đường trở lại thật lắm những chông chênh, khúc khuỷu!
Những ngã rẽ ngược… ánh sáng
Những ngày giữa tháng 12, phòng khám tại BV Tâm Thần TP.HCM chốc chốc lại có gia đình đưa con đến thăm khám, nhiều lúc 1 người bệnh nhưng có đến 2 hoặc 3 người đi trước theo sau. Những thiếu nữ, thiếu niên ánh mắt hoặc vô hồn hoặc thất thần, sợ hãi còn người thân ai cũng một nét thống khổ hiện hữu rõ trên từng gương mặt. Bà L.T.T (47 tuổi, mẹ của nữ sinh tên H.) rầu rĩ kể, gia đình ở quận 8, bà làm nghề buôn bán còn chồng chạy xe tải. Trước đây H. là học sinh ngoan, thành tích ở lớp luôn đứng loại khá giỏi. Năm 18 tuổi, H. vừa tốt nghiệp lớp 12, đang trong quá trình ôn thi chuẩn bị cho 2 kỳ thi THPT và Cao đẳng Đại học thì thường xuyên theo bạn bè đi chơi khuya. Một ngày nọ, bà T. điếng người khi thấy H. đang hút heroin ở nhà.
Bà T. cùng chồng “bầm gan tím ruột” đột ngột buộc con nghỉ ôn thi, đồng thời dùng mọi biện pháp để đưa H. đi cai nghiện nhưng mỗi lần H. đi chơi với bạn bè thì đâu lại vào đó. H. nghiện nặng, xuất hiện những biểu hiện nói nhảm, cười nói một mình, bà T. lại nước mắt ngắn dài đưa con đến BV Tâm Thần để “cứu” lại đứa con. H. được xác định bị loạn thần do sử dụng chất gây nghiện. Bà T. từ chối kể thêm, từ chối nói về những mong ước mà trước đó bà đã ấp ủ cho tương lai của H.
N.V.A được người mẹ trẻ đưa đến tái khám sau hơn 1 năm điều trị ngoại trú, trước đó A. được xác định bị trầm cảm (thuộc nhóm bệnh Rối loạn cảm xúc hay còn gọi là rối loạn khí sắc). Mẹ của A. rưng rức nhớ lại, A. được 16 tuổi thì vợ chồng chị đổ vỡ hạnh phúc. A. là con một, được tòa xử sống cùng mẹ, hàng tháng chỉ nhận được sự trợ cấp từ cha. Từ một cậu bé năng động, chăm ngoan A. dần đổi tính trở nên khó tính, lầm lì, ít giao du với bạn bè. Nghĩ tính cách con biến đổi do tuổi mới lớn, chị Lệ (mẹ A.) chỉ tập trung vào làm kiếm tiền. Hơn 1 năm sau, A. không còn giao tiếp với ai chỉ thu mình trong phòng. “Hơn 1 năm điều trị, thuốc thang đều đặn, tình trạng của cháu đã cải thiện hơn nhưng cháu vẫn sợ hãi, e dè người lạ. Giá như ngay từ đầu tôi biết quan tâm con hơn thì đã không đến nỗi” – chị Lệ nói trong nước mắt.
Cũng như H. và A. anh P.T.L (30 tuổi, quê TP.Đồng Hới, Quảng Bình) cũng có ngã rẽ đau đớn của riêng mình. Mẹ anh L. kể lại: “Nó bị gần 10 năm nay cũng là 10 năm gia đình chạy chữa từ Bắc vào Nam. Ngày đó, nó học rất giỏi Toán, thích đi sư phạm nhưng vợ chồng tôi một mực bắt phải thi ngành công an theo truyền thống gia đình. Đùng một cái nó thi rớt rồi nhốt mình trong phòng mấy ngày liền, sau đó nó học đêm học ngày như cái máy ai khuyên cũng không nghe nhưng 2 lần thi lại cũng rớt rồi sinh bệnh cho đến giờ”. Mắt người mẹ già ngấn lệ, ân hận kể: “Bác sĩ từng nói với tôi nó giỏi như thế, biết đâu giờ đã là một giáo viên dạy toán giỏi…”.
Khó chữa dứt điểm nếu điều trị muộn
H., A. và anh L. chỉ là 3 trường hợp ít ỏi trong số hàng chục nghìn ca hiện đang được điều trị tại BV Tâm Thần HCM và các BV Tâm Thần khác trên cả nước.
Là bác sĩ chuyên khoa về tâm thần, suốt nhiều năm giảng dạy và trực tiếp điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân, BS Tâm cho hay: “Đối với người trẻ (độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi) thường mắc 1 trong 4 nhóm bệnh chính: Nhóm bệnh lý về tâm thần phân liệt; nhóm bệnh rối loạn lo âu; nhóm rối loạn cảm xúc và nhóm bệnh lý có liên quan đến chất gây nghiện. Mỗi nhóm bệnh có nguyên nhân và đặc trưng riêng, do vậy, biểu hiện của người bệnh thường không giống nhau. Ở nhóm rối loạn cảm xúc, diễn tiến nặng có thể khiến người bệnh dẫn đến tự sát”.
Chỉ cách đây vài ngày, dư luận xót xa trước thông tin 2 học sinh là N.T.D và L.T.T.Th (HS lớp 8 Trường THCS Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) rủ nhau gieo mình xuống sông tự vẫn. D. và Th. để lại thư tuyệt mệnh cho gia đình bày tỏ ân hận vì nhiều lần trốn học đi chơi. BS Tâm nhận định: “Rất khó để xác định chính xác 2 em gặp phải tình trạng gì vì quá trình chẩn đoán phức tạp hơn nhiều, tuy nhiên với thông tin ít ỏi như thế khiến tôi ngờ ngợ nghĩ đến có lẽ các em bị mặc cảm về tội lỗi. Đây là bài học đắt giá dành cho những ông bố bà mẹ cần phải quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của con mình nhiều hơn”. |
Khi đến cơ sở y tế chuyên khoa, điều quan trọng là phải được chẩn đoán đúng bệnh và sử dụng phương pháp điều trị đúng đắn. BS Tâm nói thêm: “Điểm chung của các nhóm bệnh là làm tổn thương não bộ, tổn thương tinh thần của người bệnh. Số ít bệnh lý nếu được phát hiện và điều trị kịp thời có thể chữa khỏi, còn lại đa số người bệnh đều phải sống chung với bệnh trong suốt cuộc đời còn lại vì khó điều trị dứt điểm, khả năng tái phát cao. Do đó, ngoài ra có nhiều liệu pháp tâm lý giúp người bệnh có thể bình quân được tâm lý, tránh bị kích động…”.
Trước những cảnh báo về sức khỏe lẫn tinh thần người bệnh, BS Tâm khuyến cáo: “Người trẻ thường che giấu những dấu hiệu bệnh tật của mình, họ thường tỏ ra mạnh mẽ để giấu đi những xung đột nội tâm vì cảm giác mặc cảm, sợ xấu hổ. Ngược lại, phần đa số gia đình tại Việt Nam chưa nhìn nhận được giai đoạn khủng hoảng thanh thiếu niên, thường ép con em của mình phải theo ý họ, do vậy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng xa hơn. Thay vì áp đặt, mắng nhiếc hay trách phạt, cha mẹ nên học cách lắng nghe con cái để có sự đồng cảm, nắm bắt tâm lý và khuyên bảo đúng lúc khi con có dấu hiệu lạc đường. Khi bố mẹ không thể can thiệp được nữa thì cần tìm đến các chuyên viên tư vấn tâm lý để được nhanh chóng điều trị trước khi quá muộn”.
Bài, ảnh: Thương Thương
Bình luận (0)