Sau khi ráo riết thẩm tra, xác minh, Bộ GD-ĐT đã chỉ ra sự gian lận chưa từng có trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang, Sơn La. Một số địa phương khác đang tiếp tục được kiểm tra, làm rõ.
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Ảnh: T.Thương |
Sự vào cuộc tích cực và sớm có câu trả lời về hình thức có thể coi là một quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong việc làm rõ các khuất tất, bảo đảm sự minh bạch của một kỳ thi quốc gia và giữ uy tín cho ngành. Nhưng về bản chất vụ việc, dư luận đòi hỏi trách nhiệm của Bộ GD-ĐT ở các trường hợp này, bởi việc tổ chức kỳ thi, bố trí các thanh tra giám sát, quy trình chấm thi… của bộ có thể có những sai sót, bất hợp lý, khe hở mà ai đó có thể lợi dụng.
1. Gian lận trong thi cử ở các kỳ thi, kể cả các kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức, không phải là mới. Năm 2012, vụ gian lận thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT DL Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) đã gây chấn động cả nước. Năm 2016, một số thí sinh đã nhét vào tai một thiết bị siêu nhỏ trong kỳ thi chuyên tu tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ… Các hình thức gian lận khác thường xảy ra ở quy mô nhỏ, riêng lẻ ở một vài cá nhân thì diễn ra thường xuyên và gần như trong kỳ thi nào cũng có. Còn lần này tại Hà Giang, Sơn La…, hình thức gian lận đã trở nên rất tinh vi, được tổ chức rất đặc biệt, nếu phổ điểm ở các địa phương khác cũng cao thì có thể vụ việc sẽ không được phát hiện. Nhưng cũng từ đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là lần đầu tiên Hà Giang, Sơn La có gian lận? Liệu Hà Giang, Sơn La có phải là địa phương duy nhất có sự gian lận? Trả lời các câu hỏi này thật ra không dễ dàng chút nào. Do đó, nếu có quyết tâm làm minh bạch các vấn đề dư luận đặt ra, Bộ GD-ĐT cần có những cách thức thẩm tra, xác minh phù hợp.
2. Với áp lực thi cử ở nước ta hiện nay, việc gian lận thi cử có thể nói là không bao giờ bị ngăn chặn triệt để. Tuy nhiên, cần quyết liệt chống các hình thức gian lận có tổ chức, từ khâu ra đề và bảo quản đề thi, tổ chức thi cử, cho đến tổ chức chấm và việc ráp phách, công bố điểm, cũng như việc xét công nhận tốt nghiệp, trúng tuyển vào ĐH hoặc ở các cuộc thi có tính cạnh tranh khác. Yếu tố “có tổ chức” ở đây bao gồm cả việc tổ chức gian lận của các tổ chức, cá nhân ngoài ngành giáo dục và những cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành. Thực tế đã có trường hợp các đường dây gian lận đã tổ chức cho thí sinh tuồn đề ra ngoài và sau đó giải và tìm cách chuyển ngược trở vào phòng thi; hoặc chính cán bộ ngành giáo dục đã can thiệp một khâu trong quá trình tổ chức thi cử để tác động đến kết quả cho một số thí sinh nào đó. Nhưng đơn giản hơn cả là việc “tạo điều kiện” để thí sinh được trao đổi bài, được sử dụng tài liệu hoặc tác động quá trình chấm bài để “nương tay” cho những thí sinh được “sắp đặt” trước bằng các quy ước trên bài thi… Các cách thức này đã từng được thực hiện và trong chừng mực nào đó không dễ bị phát hiện.
3. Chống gian lận thi cử, cần việc xác định mục tiêu của các kỳ thi, sao cho giảm áp lực, bảo đảm sự liền lạc trong đẳng thức “học – thi – lấy kết quả” và các thành tố không quá cách biệt nhau. Trong kỳ thi, hạn chế đánh đố thí sinh, không bắt thí sinh phải nhớ quá nhiều kiến thức, đồng thời kết quả kỳ thi đó có thể được sử dụng cho nhiều mục đích tùy theo thành tích (tức là mở ra nhiều sự lựa chọn cho thí sinh). Bên cạnh đó, còn phải chống bệnh thành tích. Vì căn bệnh này, việc gian lận được tổ chức không chỉ cho một số thí sinh mà còn cho nhiều thí sinh, nhằm đạt kết quả cao cho cả trường, cả một địa phương. Nếu các thanh tra của Bộ GD-ĐT, lực lượng an ninh… không “siết chặt tay” thì có thể sẽ thường xảy ra hình thức tiêu cực, gian lận này. Sự gian lận này có thể hủy hoại cả một nền giáo dục chứ không chỉ gây ra sự mất công bằng giữa các thí sinh hay các địa phương.
Đối với các hình thức gian lận khác, cần áp dụng công nghệ vào việc tổ chức thi và chấm thi. Chẳng hạn, cần có thiết bị giám sát việc truyền và phát sóng tại khu vực phòng thi để kịp thời phát hiện cá nhân nào truyền đề thi ra ngoài hoặc truyền đáp án vào phòng thi. Cần giám sát chặt chẽ quá trình ra đề, tổ chức thi, bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi, ráp phách, nhập điểm, xác định người trúng tuyển… Công tác giám sát phải được tổ chức sao cho thực sự khách quan, chính xác, chặt chẽ. Với một số đề thi nhất định (như văn, toán, ngoại ngữ…) nên kết hợp một phần tự luận và một phần trắc nghiệm để hạn chế sự may rủi trong làm bài, đồng thời có thêm cơ sở để phát hiện gian lận nếu điểm số hai phần này có sự cách biệt.
4. Tổ chức một kỳ thi, nhất là với những kỳ thi quan trọng, yêu cầu minh bạch, an toàn, khách quan là hết sức quan trọng. Phải hạn chế đến mức thấp nhất các hình thức gian lận, thông qua việc xây dựng quy chế thi phù hợp kết hợp với các biện pháp khác. Trong đó, cần triệt để chống gian lận thi cử có tổ chức, bởi đây là cách kéo lùi sự tiến bộ của giáo dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục và nhiều vấn đề khác của một xã hội, một đất nước!
Trúc Giang
Bình luận (0)