Nhiều giải pháp đang được ngành chức năng khẩn trương thực hiện để chống lật xe trên cầu vượt Cát Lái (TP.HCM).
Cầu vượt Cát Lái thuộc dự án Đại lộ Đông Tây đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước chấp thuận đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công trình chưa được nghiệm thu chính thức do đang xử lý, khắc phục một số khuyết điểm.
Theo báo cáo mới nhất của Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (QLGTĐT) với Sở GTVT TP.HCM, từ khi đưa vào sử dụng vào tháng 8.2010 đến nay, trên cầu đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông tại vị trí gần trụ A4 (vị trí này vừa ở trên đường cong đứng, vừa ở trên đường cong nằm), dù tốc độ tối đa cho phép là 30 km/giờ (tốc độ thiết kế là 40 km/giờ). Các vụ tai nạn thường xảy ra đối với xe container, có trường hợp xe bị lật ngang trên cầu trong đó có xe chở hóa chất và nhiều trường hợp thùng hàng container rơi khỏi xe. Khu QLGTĐT số 2 cho rằng nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn nêu trên là do các phương tiện đã lưu thông quá tốc độ cho phép.
Cầu vượt Cát Lái là nơi thường xảy ra các vụ lật xe container – Ảnh: Ngọc Thọ |
Hạn chế tốc độ không quá 30 km/giờ
Trước tình hình này, Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo Khu QLGTĐT số 2 phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (BQL) TP thực hiện ngay một số biện pháp như tăng cường dọn dẹp vệ sinh mặt cầu, lắp đặt cọc tiêu nhựa trên cầu vượt để phân làn ô tô tải trên 3,5 tấn và ô tô con, đồng thời tổ chức lại giao thông trên cầu (ô tô tải lưu thông làn đường bên trái, ô tô con lưu thông làn đường bên phải).
Ngoài việc lắp đặt các biển báo phân làn xe, bổ sung biển báo hạn chế tốc độ không quá 30 km/giờ, các biển báo mũi tên chỉ hướng, các vạch giảm tốc, nơi đây còn được lắp đặt biển cảnh báo "Đoạn đường thường xuyên tổ chức kiểm tra tốc độ, lái xe chú ý!”. Khu QLGTĐT số 2 đã đề nghị Đội CSGT Rạch Chiếc thường xuyên tuần tra xử phạt nghiêm những người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành quy định về tốc độ giới hạn, hệ thống vạch sơn và biển báo tại khu vực cầu vượt Cát Lái.
Tăng độ nhám mặt cầu
Ngoài ra, BQL cũng đã tiến hành cào bóc, thảm lại bê tông nhựa các đoạn bị oằn, lún, trồi nhựa trên đường vào cầu và xử lý mặt cầu trơn trợt do bị dính hóa chất (hậu quả của tai nạn lật xe trên cầu). Hiện nay, Khu QLGTĐT số 2 đang thực hiện dự án lắp đặt camera quan sát và theo dõi tốc độ tại cầu vượt Cát Lái, để đo tốc độ xe lưu thông trên cầu, đồng thời tự động chụp hình các xe chạy vượt quá tốc độ cho phép, cung cấp bằng chứng cho các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt. Dự kiến trong tháng 6.2013 sẽ hoàn tất việc lắp đặt camera trên cầu.
Theo kết quả kiểm tra của BQL, độ nhám mặt cầu hiện nay đã đạt yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, để đảm bảo giao thông, Khu QLGTĐT số 2 kiến nghị Sở GTVT xem xét, ghi vốn cho thực hiện ngay dự án đảm bảo giao thông trên cầu bao gồm cào bóc lớp bê tông nhựa dày 3 cm trên lớp mặt, thay thế bằng lớp bê tông nhựa polymer dày 3 cm; lắp đặt đinh phản quang sử dụng năng lượng mặt trời thay thế cọc nhựa phân làn hiện hữu, tổng vốn đầu tư khoảng 1,7 tỉ đồng từ nguồn vốn đảm bảo giao thông cấp bách. Đối với phương án thử nghiệm điều chỉnh tốc độ xe lưu thông qua cầu vượt, dự kiến sẽ triển khai thực hiện ngay trong tháng 5 này, kinh phí dự kiến khoảng 70 triệu đồng.
Theo thạc sĩ Phạm Sanh (giảng viên Trường Đại học GTVT TP.HCM), việc phải thay lớp nhựa hiện hữu bằng lớp bê tông nhựa polymer dày 3 cm để tăng độ nhám, đảm bảo độ dốc siêu cao là 6% cho thấy thiết kế của cầu vượt Cát Lái không ổn. Dù vậy, ông ủng hộ giải pháp này. Ông lưu ý dù có tăng thêm độ nhám mặt cầu, thì yếu tố này cũng ít quan trọng hơn tốc độ lưu thông xe trên cầu, do vậy các tài xế cho xe qua cầu nên chạy chậm, cẩn thận hơn để không bị lật xe. Ông cũng đề xuất nên cải tạo lại bán kính hành trình xe trên cầu (bởi vì bán kính cong của cầu không thể chỉnh sửa được), bằng cách mở rộng thêm một chút cho làn xe container.
Theo TNO
Bình luận (0)