Cơ thể chúng ta giữ thăng bằng được nhờ vào 3 hệ thống chính: cơ quan tiền đình (gồm tiền đình trung ương và ngoại biên); hệ thống thính giác; hệ thống cảm thụ bản thể (cảm nhận vị trí – tư thế cơ thể trong không gian). Một khi những cơ quan này bị mất chức năng hoặc bị tổn thương, con người rơi vào trạng thái mất thăng bằng, chóng mặt, quay cuồng… thì mọi hoạt động và việc đi lại trở nên khó khăn.
Chóng mặt là một ảo giác, bệnh nhân cảm thấy chung quanh hoặc bản thân xoay tròn; khi nặng thường kèm theo nôn mửa và người bệnh có thể ngã khi đi. Đây là triệu chứng thường gặp của các bệnh tai trong và thần kinh trung ương.
Biểu hiện của chóng mặt
Chóng mặt là sự rối loạn việc giữ thăng bằng cho cơ thể trong không gian. Cơ thể chúng ta được giữ thăng bằng nhờ các hệ thống: tai trong ghi nhận chuyển động lên xuống, qua lại của đầu; mắt phát hiện các chuyển động của cơ thể trong không gian; da lòng bàn chân ghi nhận áp lực tiếp xúc của cơ thể với mặt đất; các cơ, khớp xương ghi nhận chuyển động các chi và thân mình. Hệ thần kinh trung ương phối hợp tất cả các thông tin trên và cho chúng ta cảm giác về vị trí của mình trong không gian.
Biểu hiện của chóng mặt: Thông thường bệnh nhân cảm thấy mọi vật quay cuồng trước mắt thấy quay về một phía ( sự quay về có thể dịch chuyển, đổ lệnh) rồi quay lại vị trí ban đầu. Chóng mặt là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi, bệnh càng tăng khi tuổi càng cao.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đa số các trường hợp chóng mặt đều vô hại và các triệu chứng không gặp lại nhiều lần, không kèm theo các triệu chứng khác thì không cần đến gặp bác sĩ ví dụ chóng mặt do say tàu xe, say sóng,…
Tuy nhiên chóng mặt có thể nguy hiểm và đe dọa cuộc sống nếu bạn có những dấu hiệu nhầm lẫn như các tình trạng sau:
– Nếu bạn thường xuyên thấy choáng váng, giống như khi đang ngồi mà đứng dậy quá đột ngột. Tình trạng trên không thấy đỡ trong vài tuần rất có thể bệnh nhân bị rối loạn tuần hoàn não. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây chóng mặt vì máu lên nuôi não không đủ. Hiện tượng thiếu máu não này thường do xơ mỡ động mạch. Nếu tai trong bị thiếu máu thì triệu chứng chóng mặt rất nặng nề, kèm nôn mửa. Tình trạng chóng mặt do suy giảm tuần hoàn não thường gặp ở người cao tuổi có kèm theo xơ mỡ động mạch. Bệnh nhân có những cơn chóng mặt kèm theo buồn nôn, ù tai, xảy ra khi xoay đầu và thay đổi tư thế.
– Khi đang sử dụng một loại thuốc nào đó như như thuốc điều trị lao, thuốc an thần, tăng huyết áp hay kháng sinh có thể gây nên chóng mặt như vậy có thể bạn bị dị ứng thuốc.
– Nếu các cơn chóng mặt kèm theo ù tai một bên, chóng mặt kèm theo nôn mửa và mất thăng bằng. Cơn chóng mặt kéo dài từ 20 phút tới 2 giờ, sau đó bệnh nhân có thể bị giảm thính lực một bên. Cơn có thể tái phát nhiều lần và bị ở cả hai tai. Sau một thời gian, bệnh nhân có thể bị giảm thính lực rất nặng. Có thể mắc các bệnh nguy hiểm như meniere, vi khuẩn,…
– Nếu cơn chóng mặt kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, có thể là bệnh rối tiền đình. Đây là một cơn chóng mặt dữ dội, xảy ra cả khi nằm, có thể có rung giật nhãn cầu nhưng không có giảm thính lực, bệnh có khi kéo dài đến 1 – 2 tuần. Lúc này cần đến bệnh viện để được khám về thính lực và đo điện sinh lý thần kinh để loại trừ các tổn thương ở dây thần kinh thính giác hay ở trong não.
– Ở một số thiếu nữ trẻ, có huyết áp thấp, sự thay đổi tư thế đột ngột từ nằm sang ngồi hay đứng lâu quá cũng gây ra các cơn chóng mặt, có khi ngất xỉu nhưng khi ở tư thế nằm thì lại tỉnh lại. Lúc này lời khuyên là phải đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và điều trị.
– Nếu cơn chóng mặt thường xuyên, nặng dần, nhất là sau khi bị tại nạn như ngã, va đập,..có thể là triệu chứng của một số bệnh nội khoa như tai biến mạch máu não vùng hố sau, teo não người cao tuổi, bệnh xơ cứng rải rác, giảm tưới máu của hệ động mạch đốt sống thân nền do bệnh lý xơ vữa mạch máu. Cần đến cấp cứu ngay tại các cơ sở y tế
Theo số liệu thống kê không chính thức của các nhà chuyên môn, có khoảng 5% dân số bị chóng mặt thường xuyên. Chóng mặt là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 khiến người lớn tuổi phải đi khám bác sĩ. Các nguyên nhân gây chóng mặt và xuất độ: cơn chóng mặt tư thế lành tính (chiếm 34,3%); chóng mặt do lão hóa (20%); bệnh Meniere (5,9%); hạ huyết áp tư thế (5,9%); chứng sợ độ cao (5,7%); viêm dây thần kinh tiền đình (4,3%)…
|
Làm gì để giảm chóng mặt?
– Tránh thay đổi tư thế đột ngột, như đang nằm bỗng đứng nhanh dậy hoặc xoay nhanh sang hai bên.
– Tránh xoay đầu quá mức như cúi xuống, ngửa lên hoặc xoay qua hai bên.
– Tránh các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia…
– Tránh những yếu tố nguy cơ như tình trạng căng thẳng, các chất gây dị ứng.
– Không làm các công việc nguy hiểm khi đang chóng mặt như lái xe, leo trèo cao.
– Để tránh chóng mặt khi đi tàu xe, nên nhìn ra xa về phía trước, không đọc sách hay ngồi nhìn về phía sau, không nhìn hay nói chuyện với người khác đang bị chóng mặt, tránh các thức ăn có nhiều gia vị hay mùi quá mạnh. Có thể dùng các thuốc chống nôn nửa.
Chóng mặt lành tính có thể phòng ngừa bằng luyện tập thích nghi cho “hệ thống giữ thăng bằng” của cơ thể. Trường hợp khi đang ở nhà mà xuất hiện chóng mặt, bệnh nhân ngay lập tức phải nằm nghỉ không vận động đi lại. Còn nếu đang đi trên đường cần dừng lại, xuống xe và ngồi nghỉ cho bệnh ổn định. Không nên tiếp tục đi để tránh bị té ngã.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung / SK&ĐS
Bình luận (0)