Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chống ngập cho TP.HCM bằng “bể treo”

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ cần mỗi gia đình chống nóng cho nhà (mái bằng, chung cư) bằng cách làm “bể treo” chứa nước mưa thì hiệu quả thật bất ngờ, TP hết úng ngập vì mưa. Một SV ở Hà Nội chỉ mới vào TP.HCM cách đây năm năm đã nghĩ ra ý tưởng này.

SV Đỗ Hoàng Giang – Ảnh tư liệu
Ý tưởng táo bạo này của Đỗ Hoàng Giang (SV năm 3 khoa kỹ thuật tài nguyên nước ĐH Thủy lợi Hà Nội) gây được sự chú ý đặc biệt với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đào Xuân Học – phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương. Đặc biệt hơn, theo Thứ trưởng Học (nguyên hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Hà Nội), các chuyên gia Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới rất quan tâm và hứa sẽ tìm nguồn kinh phí đầu tư xây dựng ý tưởng này thành đề án, thí điểm ở một địa bàn TP.HCM trong thời gian sớm nhất…
Ý tưởng sau những trận mưa…
Tại sao không hứng nước mưa, giữ nước lại vừa hạn chế ngập lụt, lại có thể sử dụng vào những việc thích hợp là câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu chàng SV thủy lợi này. Và có lẽ những lúc nằm vắt tay lên trán nhìn lên mái nhà mà trong đầu Giang lóe ra ý tưởng: làm bể treo, thay chống nóng cho mái nhà bằng cách làm bể chứa nước thì đem lại lợi ích cao không những giảm ngập cho TP.HCM, mà còn sử dụng được lượng nước mưa khổng lồ đang bỏ phí vào phục vụ đời sống hằng ngày như xả bồn cầu, tưới cây, rửa xe, chống nóng…
Đỗ Hoàng Giang giãi bày ý tưởng của mình: nếu mỗi gia đình (có nhà mái bằng) bỏ phần chống nóng trên mái, sau đó quét sơn chống thấm tạo bể chứa nước mưa với chiều cao 15-20cm thì chúng ta có thể đạt được các mục tiêu như vừa giảm lưu lượng nước cần tiêu cho thành phố, vừa tiết kiệm được nước sạch dùng cho nhà vệ sinh hoặc tưới cây, rửa xe, vừa giúp chống nóng khá hiệu quả cho ngôi nhà của mình.
Giang cho biết về chi phí làm bể chứa nước chỉ mất 3-4 triệu đồng/nhà 30-40m2, có khi bằng hoặc thấp hơn chi phí làm chống nóng bằng gạch thông thường. Về kỹ thuật, tải trọng cho ngôi nhà: hiện nay người dân xây lớp chống nóng bằng cách đặt 1-2 lớp gạch rỗng hoặc gạch xây nghiêng và cách nhau 20cm rồi lát gạch lên. Nếu xây dựng bể chứa trên mái nhà với chiều cao bể 15-20cm thì tải trọng so với hai cách thức xây lớp chống nóng là như nhau. Giang hi vọng: “Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ hợp lý chắc rằng người dân TP.HCM sẽ đồng tình và vấn đề ngập úng do mưa của thành phố sẽ không xảy ra, tiết kiệm được nước sạch và chúng ta có thể hạn chế mở rộng các cống rãnh hiện có, tránh được các “lô cốt” gây tắc đường như hiện nay”.
Sẽ thí điểm triển khai sớm
Ông Đào Xuân Học khẳng định đây là “ý tưởng hay, một phương án rất rẻ tiền, dễ thực hiện và hiệu quả có thể cao bất ngờ”. Ông Học cho biết sẽ lưu ý ý tưởng này và khi bố trí được nguồn vốn, sẽ giúp ý tưởng của Đỗ Hoàng Giang thành đề án và sớm triển khai thí điểm để đối chiếu, so sánh kết quả, sau đó sẽ triển khai rộng.
Ông Học tính toán: TP.HCM có hàng trăm ngàn ngôi nhà và theo tính toán của tác giả ý tưởng là khoảng 500.000 ngôi nhà ở khu vực thành thị. Nếu mỗi gia đình (có nhà mái bằng) bỏ phần chống nóng trên mái, sau đó quét sơn chống thấm tạo bể chứa nước mưa với chiều cao 15-20cm, chi phí 3-4 triệu đồng/nhà thì toàn thành phố cũng chỉ mất chưa đến 2.000 tỉ đồng (thấp hơn rất nhiều so với các dự án thoát nước đã, đang triển khai).
Thạc sĩ Hồ Long Phi cho rằng ý tưởng của sinh viên Đỗ Hoàng Giang là một trong những giải pháp “mềm” chống ngập. Đây cũng là cách tăng không gian cho nước và có hiệu quả trong việc chống ngập nước tại các đô thị như tại TP.HCM.
ĐỨC BÌNH – MINH QUANG – Q.KHẢI (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)