Giới thiệu về giáo dục Pháp nhằm giúp học sinh, sinh viên Việt Nam hiểu rõ để chọn trường du học (ảnh có tính minh họa). Ảnh: T.T.Q |
Học sinh diện nhập cư ở các trường chuyên nghiệp (TCN) tại Pháp luôn gặp khó khăn khi tìm chỗ thực tập. Các thầy cô giáo cũng than phiền rất nhiều về vấn đề này mà vẫn chưa thể giải quyết được.
Marouan, một học sinh nhập cư, sau một thời gian tìm chỗ thực tập đã chán nản nói: Xí nghiệp đầu tiên mà tôi xin thực tập đã từ chối vì sợ tốn kém, trong khi họ chưa trả một đồng xu cho ai đến thực tập. Vài ngày sau, bạn tôi – một người Pháp thực thụ đến xin thực tập, họ chấp nhận ngay. Marouan hiện đang học năm thứ nhất bậc tú tài chuyên nghiệp về kỹ thuật điện tử.
Marouan lại thử đến một xí nghiệp nhỏ có 2 người làm công ăn lương và 15 thực tập sinh, tất cả đều là người nước ngoài. Anh nói: Cô thư ký, cũng gốc nhập cư, niềm nở nhận để giúp chúng tôi hoàn thành khóa học, nhưng rất tiếc đó chỉ là thực tập hè! (tức chỉ nhận cho thực tập mấy tháng hè thôi – TG).
Luật ký ngày 16-10-2001, tại điều khoản 122-45 của Bộ luật Lao động Pháp đã lên án công khai nạn phân biệt đối xử trong vấn đề nhận học sinh, sinh viên thực tập. Đó là trên văn bản, còn trong thực tế sự bất bình đẳng trong vấn đề này vẫn cứ diễn ra. Chủ xí nghiệp chỉ nghe tên lạ, không có vẻ “Pháp” là từ chối ngay. Những con số điều tra trên 2.200 học sinh TCN năm 2006 trong chương trình Châu Âu Equal cho biết: 39% học sinh TCN gốc Phi gặp khó khăn khi xin thực tập, so với 22% của học sinh Pháp. Chỉ có 6% học sinh có cha mẹ sinh ở Pháp bị từ chối, trong khi con số này là 14% ở học sinh mà cha hoặc mẹ sinh ở châu Phi.
Ông Martine Druenne, Hiệu trưởng TCN Paulbert nói: Năm nào nhà trường cũng cầu cứu ông thị trưởng giúp tìm chỗ thực tập cho học sinh nhập cư vì tất cả các nơi đều từ chối các em. Nhiều chủ xí nghiệp dứt khoát không muốn nhận học sinh nước ngoài. Chúng tôi bó tay, chỉ còn biết yêu cầu các thầy dẫn học sinh đi thuyết phục, và cố gắng giúp các em trong trường hợp khó khăn.
Em Mohamed học ở TCN Lorraine phải nhờ thầy chủ nhiệm khoa thuyết phục giám đốc xí nghiệp. Em nói: Họ sợ tôi làm lộ những thông tin “mật” của xí nghiệp cho bạn bè, nhưng là một kế toán viên, tôi phải biết giữ kín những con số, tư liệu. Tôi không biết họ đánh giá về tôi như thế nào mà sợ như thế…
Trong một số trường, vấn đề chỗ thực tập được giải quyết bằng cách tự tay các thầy trực tiếp đem danh sách học sinh đến xí nghiệp. Lúc đó, chủ xí nghiệp ít khi đặt vấn đề quốc tịch của thực tập sinh, còn sau này họ có hài lòng hay không thì không biết. Cách này tuy trước mắt giải quyết được vấn đề, nhưng theo ông Nicolas Farvaque, không giải quyết được thực chất của vấn đề phân biệt đối xử trong giáo dục. Theo ông, “chính các thầy đã vô tình cùng với các chủ xí nghiệp nuôi dưỡng nạn phân biệt đối xử mà Cộng đồng châu Âu lên án và kiên quyết dẹp bỏ”.
Bản điều tra trong chương trình châu Âu Equal cho biết thêm: 86% học sinh có cha mẹ sinh ra ở Pháp đã được nhận thực tập ở xí nghiệp, nếu chỉ có cha hoặc mẹ được sinh ra ở Pháp thì con số đó chỉ còn 76%. Những học sinh gốc nhập cư than phiền rằng họ được các chủ xí nghiệp bố trí cho những việc làm chẳng liên quan gì mấy đến chuyên môn được học, và ít được tiếp xúc với khách hàng.
Thầy Cariou giảng dạy ngành quản trị nhà hàng-khách sạn của TCN Gascogne ở Bordeaux nói: Đôi khi phải can thiệp để học sinh khỏi bị điều xuống bếp phụ nấu ăn. Điều này hay xảy ra với học sinh nhập cư.
Viện Hàn lâm Nany-Metz quyết tâm hành động để dẹp bỏ cho kỳ được nạn phân biệt đối xử đối với học sinh nhập cư. Từ hai năm nay Viện đã lập một tổ chức gồm khoảng 20 giáo viên và hiệu trưởng để cùng nhau hành động. Một sáng kiến đã được đề ra trong khuôn khổ chương trình có tên “Tài năng”, kết hợp với Văn phòng Quốc gia về liên kết xã hội và bình đẳng cơ hội các thành viên họp hai lần trong ba tháng dưới sự điều khiển của nhà xã hội học phụ trách đào tạo Fabrice Dhume, để kiểm điểm xem mỗi thành viên đã làm gì để giải quyết tệ nạn này.
Bà Hiệu trưởng Mireille Mazur đã tổ chức một cuộc họp báo để phổ biến giải pháp. Bà nói: Bất cứ biểu hiện phân biệt đối xử nào đều bị nêu công khai, không chừa ai. Ở TCN Viviani d’Epinal, “một hộp thư” đã lập ra để thu thập tin tức về nạn phân biệt đối xử.
Về phía Viện, họ phát rộng rãi những phiếu phát hiện những biểu hiện phân biệt đối xử, nhằm huy động toàn bộ lực lượng của ngành giáo dục, toàn xã hội chống lại nạn này và không được khoán trắng cho các thầy cô giáo.
(Theo Thế giới Giáo dục)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)