Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện Việt Nam có khoảng 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng. Trong đó có 25,2% số trẻ em đang bị suy dinh dưỡng tại VN và đa phần trong số đó là các em bé nghèo và khó khăn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do tỷ lệ sữa sử dụng trên đầu người tại Việt Nam hiện thấp vào loại nhất khu vực và thế giới.
Năm 2000, Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) bắt đầu khởi xướng chương trình “Ngày hội sữa học đường”. Sự kiện này sau đó hàng năm được duy trì tổ chức vào ngày thứ tư cuối cùng của tháng 9 để thúc đẩy chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em và phát triển ngành sữa trên quy mô toàn cầu. Năm nay, chương trình “sữa học đường” được tổ chức tại hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới. Tetra Pak, là một trong những đơn vị dẫn đầu trên toàn thế giới trong ngành chế biến thực phẩm và giải pháp bao bì đã công bố hỗ trợ thêm hai chương trình sữa học đường ở Ecuador và Ma-rốc, cũng như mở rộng các chương trình hiện hữu tại Rumani, Thái Lan, Mexico, Iran và năm nay có thêm Việt Nam.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì tỷ lệ sử dụng sữa trên đầu người tại Việt Nam hiện vào loại thấp nhất khu vực và thế giới (6 lít/người/năm), trong khi tại Thái Lan là 28 lít và Trung Quốc là 26 lít/người/năm. Vì vậy Việt Nam đang rất cần được mở rộng các chương trình khuyến khích trẻ em uống sữa như chương trình “sữa học đường”. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy cứ 4 trẻ em sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì có một trẻ suy dinh dưỡng, đa phần trong số đó là các em bé nghèo và khó khăn.
Trong năm học này, thông qua chương trình “sữa học đường” tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cung cấp sữa cho hơn 44.000 bé dưới 6 tuổi trong các trường mầm non trong toàn tỉnh cùng với các em bé suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng. Theo đó, trẻ trong các trường mầm non được uống sữa theo năm học (9 tháng/năm). Còn các trẻ suy dinh dưỡng cộng đồng được uống sữa đủ 12 tháng/năm. Tổng mức đầu tư cho 5 năm từ 2006-2010 sẽ là 90 tỷ VND, trong đó có 50 tỷ VND do ngân sách nhà nước của tỉnh cấp, còn lại 40 tỷ VND vận động đóng góp từ phụ huynh học sinh.
Với chương trình này, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện được phần nào mục việc hỗ trợ phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn. Đồng thời chương trình cũng giúp cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa phát triển mạnh hơn ở tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này cũng được các chuyên gia dinh dưỡng trong nước thừa nhận rằng chương trình “sữa học đường" không chỉ cải thiện sức khỏe và khả năng học tập của học sinh mà còn có chức năng như một chất xúc tác làm gia tăng nhu cầu cho chất lượng được sản xuất và chế biến tại địa phương.
Theo FAO, đây là mô hình giúp các quốc gia giảm gánh nặng chi phí cho y tế, giải quyết suy dinh dưỡng, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ về thể chất và trí tuệ, nâng cao kết quả học tập…
Hy vọng rằng trong những năm học tiếp theo, chương trình “sữa học đường” sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các tỉnh thành khác trên cả nước.
Bảo Ngọc
Bình luận (0)