Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chống tiêu cực không phải nhiệm vụ thí sinh…

Tạp Chí Giáo Dục

Mẫu bút có chức năng quay phim mà Trường CĐ Bách Việt mua về để tập huấn cán bộ coi thi

Quyền tố giác tiêu cực áp dụng trong 3 đợt thi ĐH-CĐ năm nay không được chính thí sinh (TS) và các trường mặn mà. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên duy trì quy định này bởi nó chẳng giải quyết được vấn đề mấu chốt.
Bộ GD-ĐT cho rằng cần có thêm nhiều thời gian để đánh giá đúng hiệu quả của việc thực hiện quy định mới là cho phép TS, cán bộ coi thi “thu” bằng chứng tố giác tiêu cực trong thi cử nhưng phía các trường ĐH-CĐ lại thấy quy định này không ý nghĩa trên thực tế.
Nặng gánh
Trước đây, việc TS mang các thiết bị thu, phát bất kỳ vào phòng thi bị xem là trái phép thì giờ đây điều này hoàn toàn được chấp nhận. Có điều thiết bị đó chỉ có chức năng thu mà không phát trực tiếp và việc các em sử dụng đều phải được khai báo trước. Chủ trương này lần đầu tiên được Bộ GD-ĐT đưa ra tại kỳ thi ĐH-CĐ năm nay nhằm khuyến khích các cá nhân, đơn vị tham gia tố giác tiêu cực. Thực tế, qua 3 đợt thi, các đơn vị lại không mấy mặn mà áp dụng.
Ông Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) giải thích, khuyến khích tố giác tiêu cực là tốt, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang kêu gọi chống tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, tuy nhiên việc ứng dụng nó trên thực tế nảy sinh rất nhiều vấn đề. Thời điểm ban hành quy định quá sát ngày thi là yếu tố đầu tiên gây bị động cho các trường ở công tác chuẩn bị. Từ khi có quy định mới, trách nhiệm dồn nhiều hơn lên vai cán bộ coi thi và những người làm công tác tuyển sinh. Chỉ ở việc nhận diện thiết bị nào thu, phát thôi đã khiến rất nhiều cán bộ hết sức lúng túng, căng thẳng. Ngay trong đợt thi đầu tiên, đại diện một trường ĐH tại TP.HCM đã phản ứng rất mạnh rằng giám thị không thể nào kiểm tra nổi tất cả những tài liệu đặt trong máy móc, thiết bị mà TS mang vào. Vị đại diện này cho rằng, việc “thêm quyền” như thế này chỉ gây rối hơn cho các trường trong khi công tác tuyển sinh cần rõ ràng, tập trung để thuận tiện tổ chức, hạn chế sai sót.
Thực tế, phải thực hiện quy định mới trong điều kiện lo lắng và gấp gáp, nhiều trường đã phải chạy đầu này, đầu kia để… học hỏi kinh nghiệm. Thậm chí để chắc chắn, có trường đã mua hẳn một số thiết bị về tập huấn cho cán bộ coi thi. Ông Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) cho biết, các thiết bị thu phát khá đa dạng, thường được gắn kèm vào những vật dụng hết sức thông thường như bút, đồng hồ, kính mát… nếu không để ý kỹ thì rất khó phát hiện. Vì vậy, dù khá tốn kém nhưng trường vẫn phải mua để tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi, tránh lúng túng. Tuy nhiên, với giá từ 2 đến 4 triệu đồng một sản phẩm tùy loại, ông Thành còn cho rằng không phải TS nào muốn tố giác tiêu cực cũng có thể mua được.
Chống tiêu cực không phải nhiệm vụ TS
TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nêu thực tế, sau 2 đợt tuyển sinh tại trường, không hề có trường hợp TS mang máy quay, chụp. Điều này là hợp lý bởi mục đích chính của TS là đi thi chứ không phải tố giác tiêu cực. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình rằng TS đi thi chỉ nên mang vào bút, thước, máy tính… và những vật dụng phục vụ quá trình làm bài. Việc chống tiêu cực là trách nhiệm của hội đồng tuyển sinh, Thanh tra Bộ GD-ĐT chứ không phải của TS. Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng Trần Tấn Dũng cũng cho rằng quy định này tạo thêm kênh giám sát từ người đi thi nhưng trong quá trình thực hiện lại gây rối rắm. Kỳ thi ĐH khác hẳn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, TS mang máy quay, chụp ảnh đi thi là sai hẳn mục đích. Không nên duy trì quy định này ở những mùa tuyển sinh tiếp theo vì nó không thực sự ý nghĩa. TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nói rõ thêm: “Nếu hội đồng tuyển sinh thực sự nghiêm túc thì không thành viên nào trong đó phải đi tố cáo tiêu cực và quy định của bộ cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa. Vấn đề mấu chốt cần giải quyết nằm ở chính khâu quản lý giáo dục, cụ thể là cần tăng cường sự quản lý nghiêm túc”. Ông Trần Mạnh Thành đồng quan điểm khi cho rằng, tổ chức đánh giá tốt nghiệp THPT khác đi sẽ hạn chế được tiêu cực. Theo ông Thành thì không cần bỏ hẳn quy định, nhưng các trường cần có thời gian nhiều hơn để làm quen và thích ứng. Kết thúc hai đợt thi ĐH đầu, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quốc Anh (Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) khẳng định, hiệu quả của quy định này cần có thêm thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra các hội đồng thi những đợt vừa qua có thể thấy, chính từ quy định mới mà tính nghiêm túc và trách nhiệm ở cán bộ coi thi được nâng cao đáng kể.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đợt thi CĐ vừa qua cả nước có 91 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật. Trong đó, đình chỉ 73 TS, khiển trách 13, cảnh cáo 3 và 2 TS không được dự thi do đến muộn. Một cán bộ coi thi bị đình chỉ do làm việc riêng trong giờ coi thi. 
 

 

Bình luận (0)