Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chống ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất: Phải “uống thuốc” đủ liều

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện mỗi năm, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) vận chuyển đạt 50 triệu hành khách, vượt gần gấp đôi so với quy hoạch, vì thế, trong và ngoài sân bay thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Để giải quyết tình trạng này, các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, như “con bệnh” cần được “uống thuốc” đủ liều.
Công suất vượt gần gấp đôi
Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, công suất theo quy hoạch của nhà ga hành khách hiện hữu khoảng 30 triệu hành khách/năm, nhưng trên thực tế đã đạt gần 50 triệu hành khách. Trong đợt cao điểm hè năm nay, trung bình tại sân bay TSN có khoảng 730 chuyến bay với khoảng 120.000 hành khách/ngày; thậm chí có ngày hơn 130.000 hành khách. Lượng hành khách vượt công suất thiết kế dẫn đến việc đưa đón gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà giữ xe có sức chứa lên đến 6.000 xe máy, 1.500 ô tô và 700 taxi vẫn không đáp ứng được nhu cầu lưu đậu của hành khách. Trung bình mỗi ngày có khoảng 6.600 xe gắn máy và khoảng 4.500 ô tô ra vào các bãi xe. Những tháng hè, xe gắn máy đạt khoảng 9.500 lượt xe/ngày và ô tô khoảng 6.500 lượt xe/ngày.
Hiện nay, sân bay TSN chỉ có một lối ra vào duy nhất là đường Trường Sơn, nên luôn có lượng lớn người và phương tiện lưu thông. Chưa kể xe của người dân sinh sống xung quanh sân bay và xe từ khu vực các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, TP Thủ Đức… “quá cảnh” qua đường Trường Sơn để đi về khu vực trung tâm thành phố. 
Chống ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất: Phải uống thuốc đủ liều ảnh 1
Đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 8-8.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, một số tuyến đường khu vực xung quanh sân bay TSN chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch nên đã tạo ra áp lực cho đường Trường Sơn. Chỉ cần một vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường này thì gần như xảy ra ùn tắc ngay lập tức, thậm chí ùn tắc sang cả đường Trường Sơn. 
Trong khi đó, tại ga quốc nội hiện chỉ có 4 làn đưa đón khách. Do chưa có bãi đệm dừng, đậu dành cho xe buýt, taxi, xe công nghệ… nên các phương tiện này “rối” trong hoạt động. Hành khách vì thế cũng rất khó đón xe. Hiện tại chỉ có một tuyến xe buýt số 152 đi từ Khu dân cư Trung Sơn đến sân bay TSN, nhưng vị trí đón và khung giờ đi chưa phù hợp.
Nhiều dự án chưa thực hiện
Nhằm kéo giảm và từng bước xử lý căn cơ tình trạng ùn tắc ở sân bay TSN, từ 5 năm trước, cơ quan chức năng của TPHCM cũng như của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng đã thống nhất xây dựng một kế hoạch tổng thể gồm nhiều giải pháp đồng bộ.
Tuy nhiên, cho đến nay, ngoại trừ cầu vượt trên đường Trường Sơn, cầu vượt khu vực công viên Gia Định và một số hạng mục điều tiết giao thông nhỏ đã hoàn thành, nhiều dự án triển khai kế hoạch này vẫn nằm trên giấy.
Trước hết là dự án xây dựng nhà ga T3 với công suất phục vụ 20 triệu hành khách/năm. Đây là dự án có vai trò giúp giảm ùn tắc cho nhà ga T1, T2. Hiện dự án này đang trong quá trình bàn giao mặt bằng để có thể triển khai thi công.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho biết, còn có hơn 10 dự án đầu tư, cải tạo nhiều tuyến đường kết nối đến sân bay vẫn đang trong quá trình… triển khai các thủ tục. Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM thực hiện công tác thiết kế chi tiết và lựa chọn nhà thầu. Đây là dự án được xác định sẽ phải triển khai thi công hoàn thành đồng bộ với tiến độ nhà ga T3 để đảm bảo giao thông, thông suốt đến nhà ga này.
Theo ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình – nơi dự án đi qua, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với một phần đất quốc phòng đã được UBND TPHCM báo cáo Văn phòng Thủ tướng xem xét. Phần còn lại, quận đang khẩn trương ban hành kế hoạch đo đạc, kiểm đếm, bồi thường hỗ trợ tái định cư và ban hành thông báo thu hồi đất cho dự án. Dự kiến, dự án được khởi công trong tháng 11-2022 và hoàn thành vào tháng 9-2024.
Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội cũng đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. UBND quận Tân Bình đã tổ chức vận động 121/152 hộ dân đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án và đồng ý nhận tiền để bàn giao mặt bằng. Đối với đất quốc phòng, UBND quận Tân Bình đang đo vẽ, cập nhật chính xác diện tích thu hồi để đưa vào phương án bồi thường của dự án. Dự kiến, dự án này sẽ khởi công vào tháng 10-2022 và hoàn thành sau 6 tháng thi công. 
Dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (nằm trên địa bàn quận Tân Bình) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp. Hiện UBND quận Tân Bình đã ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 16 hộ dân. Quận Tân Bình dự kiến hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vào tháng 9-2022; khởi công trong tháng 10-2022, hoàn thành sau 3 tháng thi công. 
Chống ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất: Phải uống thuốc đủ liều ảnh 2
Xe taxi đậu kéo dài trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) chờ đến lượt vào sân bay Tân Sơn Nhất đón khách
Bên cạnh đó, dự án nâng cấp, mở rộng đường Thân Nhân Trung thành 4 làn xe đang thực hiện các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư công. Các dự án khác cũng nằm trong “lộ trình” chống ùn tắc cho sân bay TSN, gồm dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ, rộng 60m) đã được thông qua chủ trương đầu tư công và đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thiết kế sau thiết kế cơ sở; dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa) đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thiết kế sau thiết kế cơ sở; dự án mở rộng đường Tân Sơn đang thực hiện thủ tục để thu hồi đất quốc phòng.
Trong tương lai, sẽ có nhiều tuyến đường sắt kết nối trực tiếp hoặc kết nối gần vào sân bay TSN, như tuyến đường sắt đô thị số 4b đi từ ga Công viên Gia Định đến đường Nguyễn Thái Sơn – Hồng Hà – Cảng hàng không quốc tế TSN – Trường Sơn – Công viên Hoàng Văn Thụ – Ga Lăng Cha Cả; tuyến đường sắt đô thị số 2 đi dọc đường Cách Mạng Tháng Tám tới Trường Chinh (gần sân bay).
Song song đó, các tuyến đường khác xung quanh khu vực sân bay TSN sẽ được mở rộng, như đường Cộng Hòa được mở rộng lên 8 làn xe, đường Phạm Văn Bạch 6 làn xe, đường Tân Sơn 4 làn xe, đường Quang Trung 6 làn xe… tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh khu vực xung quanh sân bay TSN.
 
THANH HẢI (theo SGGP)

Bình luận (0)