Năm 2002 khi mới 19 tuổi, Christopher Paolini Paolini đã trở thành một hiện tượng văn học ở Mỹ khi tung ra tập đầu tiên – Eragon – trong loạt truyện Inheritance Cycle. Nhiều khả năng tập thứ ba Brisingr sẽ trở thành tiểu thuyết best-seller năm nay khi chỉ trong ngày đầu tiên phát hành (20/9/2008), nó đã tiêu thụ được 550.000 bản trên toàn thế giới – thành tích cao nhất ở mảng sách thiếu nhi của nhà xuất bản Random House.
Cho đến nay, 2 tập đầu mang tựa đề Eragon và Eldest đã tiêu thụ được hơn 15 triệu bản. Eragon kể về cậu bé có tên là Eragon ở một trang trại và người bạn của mình là con rồng Saphira. Sau khi Saphira nở trứng, Vua Galbatorix đã cử các bầy tôi trung thành của mình tới bắt cóc và giết cả hai. Họ đã trốn khỏi quê hương Carvahall và trải qua nhiều cuộc phiêu lưu chìm ngập trong những cuộc đấu kiếm, các trò phép thuật…
Paolini viết cuốn truyện đầu tiên khi mới 15 tuổi. Năm 19 tuổi, chàng trai trẻ này đã có tên trong danh sách best-seller của tạp chí New York Time với Eragon. Năm nay 24 tuổi, ngoài việc tạo nên thế giới tưởng tượng của mình, Paolini còn dành thời gian để chăm sóc khu vườn đằng sau ngôi nhà mình ở Montana. Cây bút trẻ này hiện vẫn sống cùng cha mẹ và luôn kinh ngạc với thành công ở mức hiện tượng của mình. “Khi tôi bắt đầu viết Eragon, tôi thực sự chỉ cố gắng tự làm hài lòng mình ở vai trò của một độc giả cuồng nhiệt của thế giới giầu hình ảnh tưởng tượng và nghĩ một cách đơn giản là thật may mắn nếu như cha mẹ và chị tôi đọc cuốn truyện đó”.
Sau khi xem một số tập phim The Lord of The Rings và Harry Potter, Paolini quyết định tung ra loạt truyện của mình. “Khi bắt đầu viết Eragon, tôi đã có nghĩ ngay tới việc đưa một số yếu tố tưởng tượng cơ bản thần thoại truyền thống châu Âu vào câu chuyện của mình – một chàng trải trẻ, cây kiếm kỳ diệu, một con rồng, người thầy thông thái đã lớn tuổi và kẻ ác độc. Dựa vào những yếu tố cơ bản đó, tôi tiếp tục phát triển những tứ mới trong từng cuốn truyện”, Paolini cho biết.
Trưởng thành ở vùng thôn quê bang Montana, Paolini và chị gái đều học tại nhà. Ngay từ nhỏ cậu bé này đã yêu thích văn học tưởng tượng và thường “chúi mũi” vào các tiểu thuyết của J.R.R Tolkien, C.S. Lewis… Nhưng đến năm 14 tuổi thì Paolini đọc Anna Karenina của Leo Tolstoy và thường được mẹ đọc cho nghe các tiểu thuyết của Jane Austen. Hoàn thành bậc phổ thông trung học khi mới 15 tuổi, thời gian đó Paolini tìm vừa kiếm việc gì đó để làm vừa mải mê đọc sách để học cách viết văn. Cha mẹ cậu đầu tư cho con trai mình ở mức có thể và họ quyết định tự xuất bản cuốn Eragon, chu cấp cho Paolini trong những chuyến đi quảng bá tác phẩm văn học đầu tay. Song sự “mạo hiểm” đó khiến gia đình suýt phải bán nhà nếu như cuốn truyện không lọt vào “mắt xanh” của con trai nhà văn truyện gay cấn Carl Hiaasen. Cậu con trai của Hiaasen say mê cuốn truyện và nhờ đó Hiaasen đã chuyển nó tới các nhà xuất bản của mình. “Tiền đồ” của Eragon bắt đầu cất cánh khi một nhà xuất bản Mỹ mua lại nó với giá 250.000 bảng (500.000 USD) và từ đó đến nay chuông điện thoại nhà Paolini không ngừng reo. Đặc biệt là khi câu chuyện đầy hình ảnh tưởng tượng này đã được Hollywood đưa lên màn bạc.
Dù đã trở thành một hiện tượng văn học mới, song cuộc sống của gia đình Paolini vẫn bình dị như trước. Gia đình này giữ hạnh phúc bằng việc tránh xa danh tiếng. Họ đã thay đổi số điện thoại nhà riêng tới 3 lần và một lần chuyển nhà bởi sự “quấy nhiễu” những người hâm mộ quá cuồng nhiệt. Thậm chí nhiều cô gái đã ngỏ lời cầu hôn với nhà văn trẻ. “Tôi luốn cố gắng đáp lại họ một cách lịch sự, nhưng đây thực sự là một trải nghiệm lạ thường”, Paolini nói một cách không thoải mái.
Chàng trai này hiện vẫn chưa có ô tô riêng. “Tôi vô cùng hạnh phúc với những gì đang có trong ngôi nhà mình, với những người thân trong gia đình. Tôi cố gắng sống một cách hợp lý và thường tự thưởng cho mình một thứ gì đó mỗi khi hoàn thành một cuốn truyện”. Chẳng hạn như sau khi viết xong cuốn Eragon, Paolini mua cho mình một chiếc kiếm Viking và khi hoàn tất Eldest thì mua một con dao đặt làm. Hậu cuốn Brisingr thì Paolini và chị gái quyết định học đua xe ôtô không chuyên trong một tuần. Thế giới giầu hình ảnh tưởng tượng của Paolini vô cùng sinh động và anh đã tạo nên nó nhờ “sống trong thế giới đó. Thế giới này sẽ vô cùng tuyệt vời khi bạn thực sự yêu thích nó”.
Viết về Christopher Paolini nhân việc anh lại thành công với tập sách mới, nhiều báo nước ngoài bắt đầu so sánh anh với tác giả Harry Potter. Tờ Telegraph (Anh) đặt câu hỏi: “Brisingr của Christopher Paolini sẽ là một Harry Potter mới?” Còn tờ Herald Sun (Australia) đăng tít lớn: “Christopher Paolini trên đường thừa kế vương miện của JK Rowling”.
Lương Tuấn Vĩ (VH&TT)
Bình luận (0)