Tòa soạnThư đi – tin lại

Chủ đầu tư công “sính ngoại”?

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được”, do Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phối hợp với Bộ Công thương tổ chức.

Tại hội thảo, đa số đại biểu tham dự (các doanh nghiệp) đều bức xúc và cho rằng: Hàng hóa sản xuất trong nước gần như không có cơ hội tham gia đấu thầu vào các công trình có vốn ngân sách. Bởi ngay từ đầu thông báo những dự án này đã yêu cầu hàng hóa, sản phẩm phải có xuất xứ sản xuất ở  nước ngoài.

Cơ hội “nhỏ giọt” với sản phẩm trong nước

Ông Huỳnh Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), cho biết: “Thực hiện chỉ thị 494/CT-TTg, công tác tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong đấu thầu đã bước đầu đạt kết quả khả quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Phát triển sản xuất trong nước, cùng với nhiều nguyên nhân khác góp phần giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm dần qua các năm (cụ thể năm 2010 là 17,47%; năm 2011 là 10,16%; từ năm 2012 đến 2014, Việt Nam đã xuất siêu)”.

Tuy nhiên, ông Trần Thọ Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam, bày tỏ: “Công ty Thiên Nam là nhà sản xuất thang máy hàng đầu của Việt Nam, hàng năm xuất khẩu sang các nước Tây Âu, Nhật Bản số lượng lớn, rất được đối tác tin cậy nhưng ở thị trường trong nước, sản phẩm của Thiên Nam không thể “chen chân” đấu thầu ở các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Cụ thể, đến thời điểm này Thiên Nam vẫn không được cung cấp một sản phẩm nào cho những công trình, dự án có nguồn vốn đầu tư công ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Bởi ngay khi ra thông báo đấu thầu, chủ đầu tư các dự án này đã đưa ra quy định chỉ sử dụng thang máy nhập khẩu từ các nước G7 hoặc ASEAN. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi biết một số sản phẩm được tham gia đấu thầu chỉ gắn mác của các nước G7 như Fuji, Nippon… nhưng xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải từ công ty mẹ ở Nhật”. Bức xúc không kém, ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, cho hay: “Sáng Ban Mai tự hào là doanh nghiệp đầu tiên trong nước sản xuất thành công tổ máy phát điện công suất 2.500 KVA (loại máy có công suất lớn nhất hiện nay). Sản phẩm của công ty có công nghệ hiện đại tương đương với sản phẩm của các nước Nhật, Anh, Pháp, Mỹ… Đặc biệt, giá thành sản phẩm rẻ hơn từ 15-40% so với sản phẩm của các nước trên nhưng cũng chỉ chủ yếu cung cấp cho những công trình tư nhân. Còn những dự án có vốn đầu tư công thì gần như “bó tay”. Lý do, hàng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp… trong nước”.

Bộ Công thương sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đấu thầu theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp trong nước (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Cùng trăn trở trên, ông Nguyễn Ngọc Thông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần điện Trường Giang, nói: “Những sản phẩm về điện của Trường Giang có chất lượng đảm bảo ISO và không thua kém hàng của các nước phát triển. Chúng tôi có thể sản xuất được các loại tủ điện MV đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các công trình điện tại Việt Nam. Ở những dự án lớn của Nhà nước, may mắn lắm chúng tôi mới “lọt” đến vòng chung kết, tuy nhiên vào tới đó rồi cũng “rớt đài”. Sản phẩm của chúng tôi chỉ được tham gia một số dự án nhỏ ở khu vực phía Nam với tư cách là nhà cung cấp lại cho một số  đơn vị trúng thầu”.

Giải pháp nào đảm bảo cạnh tranh công bằng?

Ông Trần Thành Trọng nói: “Luật có quy định nghiêm cấm trong việc đấu thầu, phân biệt nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật Đấu thầu cũng quy định rõ cần có ưu tiên đối với sản phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hàng loạt các chủ đầu tư vẫn có sự đối xử phân biệt với sản phẩm sản xuất trong nước để cố tình loại bỏ sản phẩm nội, ưu đãi hàng ngoại. Mới đây, chúng tôi đã có văn bản báo cáo với Bộ KH-ĐT về một số dự án có vốn đầu tư công đã cố tình làm trái Luật Đấu thầu. Trong đó có nội dung không cho các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước được tham gia đấu thầu”.

Ông Đinh Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty Polyco, đề xuất: “Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn vay, kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thị trường… Đưa ra các chế tài, đảm bảo cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp nội và ưu tiên doanh nghiệp nội trong các dự án nội địa”. Trong khi đó, ông Lee Sung Hoon, Phó tổng giám đốc Công ty Doosan Việt Nam, bày tỏ: “Tại các nước phát triển, họ có nhiều chính sách ưu đãi để bảo hộ những nhà sản xuất còn non yếu trong suốt các giai đoạn phát triển. Nhờ đó mà các doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành tựu, trở thành các công ty sản xuất tầm cỡ thế giới. Vì vậy, Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ/ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách hợp lý, giám sát chặt chẽ hơn và có những hình phạt với các chủ đầu tư không tuân theo qui định của Chính phủ”.

Ghi nhận những ý kiến trăn trở của các doanh nghiệp, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, khẳng định: “Bộ Công thương sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ/ngành, UBND tỉnh/thành thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ thị 494/CT-TTg. Ngoài ra, bộ sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số qui định theo hướng trong hồ sơ đấu thầu không được qui định cụ thể về xuất xứ hàng hóa…”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

“Thời gian tới, công tác lập kế hoạch đấu thầu sẽ phải bóc tách và phân chia nhỏ nhiều gói thầu, nhằm tạo điều kiện để có các gói thầu mà phạm vi cung cấp là các thiết bị, máy móc, vật tư trong nước sản xuất được ưu tiên”, ông Huỳnh Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), cho biết. 

 

Bình luận (0)