Năm học 2020-2021 được coi là năm học bản lề của đổi mới giáo dục khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (sau đây gọi là chương trình mới, sách giáo khoa (SGK) mới sẽ chính thức được triển khai ở bậc lớp 1. Tại TP.HCM, các trường tiểu học đã ở trong tâm thế chủ động, sẵn sàng để bước vào năm học mới.
Giáo viên cần phát huy hơn nữa, tính chủ động, sáng tạo trong chương trình mới
Song để chương trình mới thành công, hơn lúc nào hết cần sự phối hợp nhịp nhàng của cả 3 bên: gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, với giáo viên đó là tính chủ động, nhiệt thành, sáng tạo; với cán bộ quản lý đó là sự mềm dẻo, linh hoạt, có tầm nhìn xa, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo điều kiện cho giáo viên; với gia đình là sự hợp tác, đồng sức đồng lòng trong giáo dục trẻ.
Cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm – Q.1): Cần sự đồng thuận, phối hợp của phụ huynh
Chương trình mới, SGK mới với tính công khai, mạnh dạn của nhà trường thì rất cần sự đồng thuận, phối hợp của phụ huynh trên tinh thần gắn kết, yêu thương để đạt được mục tiêu giáo dục. Chương trình mới dù có nhiều bộ SGK nhưng tất cả các bộ sách đều cùng có chung một mục tiêu là hướng tới giáo dục năng lực và phẩm chất học sinh, phát huy những mặt tích cực của trẻ, dạy học theo cá thể hóa. Tính linh hoạt, cởi mở của chương trình cho phép giáo viên tiếp cận được nhiều hơn với từng đối tượng trẻ, giáo dục dựa trên chính năng lực, tính cách của trẻ. Vì vậy, để đạt được hiệu quả, phụ huynh cần mạnh dạn thẳng thắn trao đổi với nhà trường từ chương trình, nội dung cho đến phương pháp giáo dục.
Các trường đã rất sẵn sàng để triển khai chương trình mới. Trong hình: Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng (Hiệu trưởng Trường TH Võ Văn Tần, Q.6) cùng học sinh
Về phía giáo viên – những người được coi là “linh hồn” của chương trình mới, thầy cô cần thay đổi tư duy, mạnh dạn tiếp cận những cái mới, phát huy hết năng lực, sở trường của cá nhân. Đặc biệt là phải giữ được mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh, trao đổi thường xuyên với phụ huynh để thống nhất trong phương pháp giáo dục trẻ.
Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng (Hiệu trưởng Trường TH Võ Văn Tần – Q.6): Tạo mọi điều kiện cho giáo viên triển khai chương trình mới
Nhà trường rất kỳ vọng vào chương trình mới, SGK mới. Với chương trình này, giáo viên được chủ động trong quá trình giảng dạy, triển khai bài giảng, phát triển năng lực học sinh, các phương pháp dạy học tích cực được sử dụng hiệu quả, thường xuyên.
Chương trình mới thực hiện ở bậc lớp 1 thành công sẽ là khởi sắc, là bước đệm cho các năm tiếp theo nên nhà trường luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên triển khai chương trình. Từ vài năm nay, nhà trường đã luôn tạo điều kiện, khuyến khích giáo viên đưa những điều mới vào giảng dạy. Trang thiết bị dạy học đáp ứng đòi hỏi của chương trình mới đã được trang bị đầy đủ cho giáo viên. Mặc dù vậy, khi triển khai chương trình mới ban đầu có thể sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ. Mọi vướng mắc, đề xuất trong quá trình triển khai chương trình mới, giáo viên cần mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo nhà trường, để cùng tìm cách tháo gỡ, hướng tới mục tiêu giáo dục trẻ.
Ông Dương Văn Dân (Trưởng phòng GD-ĐT Q.8): Đội ngũ giáo viên cốt cán tham mưu xuyên suốt năm học
Bấy lâu nay, thầy cô, nhà trường mới chỉ đang tiếp cận chương trình mới, SGK mới trên lý thuyết, năm học 2020-2021 này thầy cô, nhà trường sẽ chính thức triển khai. Cái gì mới chắc chắn bước đầu sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, lấn cấn trong quá trình triển khai. Do đó, Phòng GD-ĐT luôn có một đội ngũ giáo viên cốt cán là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các nhà trường, phòng giáo dục luôn sẵn sàng tham mưu, trực tiếp giải quyết những thắc mắc của giáo viên khi giảng dạy. Phòng Giáo dục sẽ tăng cường thêm các tiết dự giờ, thăm lớp, đồng thời cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường thêm các tiết dự giờ, thăm lớp để kịp thời hóa giải những khó khăn của giáo viên.
Việc một chương trình, nhiều bộ SGK vừa là thuận lợi song cũng là khó khăn cho các đơn vị, nhất là về phía phụ huynh, làm sao để phụ huynh hiểu. Như vậy, đòi hỏi giáo viên phải thật sự năng động, sáng tạo, thích ứng, thường xuyên tự bồi dưỡng. Biết rút kinh nghiệm thông qua từng tiết dạy. Đồng thời cũng đòi hỏi mỗi nhà trường phải tăng cường công tác thao giảng, tăng cường hơn nữa sự phối hợp với phụ huynh…
Ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM): Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh
Chương trình mới mang tính mở, trao quyền chủ động cho thầy cô trong giảng dạy. Chương trình mới là pháp lệnh, SGK là phương tiện. Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã bồi dưỡng, tập huấn rất kỹ cho thầy cô về chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, bồi dưỡng về SGK cả trực tiếp và trực tuyến. Song để chương trình mới thực hiện được hiệu quả, mỗi giáo viên, mỗi đơn vị từ phòng giáo dục các quận, huyện cho đến các nhà trường cần phải tiếp tục tự nghiên cứu, bồi dưỡng, cụ thể hóa hơn một cách linh hoạt các chỉ đạo, văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT theo đặc thù của từng đơn vị. Song song với triển khai, từng đơn vị cần phải kết hợp gắn với kiểm tra đánh giá thường xuyên để kịp thời rút kinh nghiệm, giải quyết những khó khăn.
Mỗi nhà trường phải có sự ưu tiên về sĩ số lớp học cho đối tượng học sinh tiến hành chương trình mới. Tuy nhiên, ở những đơn vị sĩ số học sinh lớp 1 còn cao, có thể lên đến 50 học sinh/lớp, gây khó khăn hơn khi triển khai chương trình thì thầy cô, nhà trường càng phải đặc biệt quan tâm. Trong mọi hoàn cảnh, thầy cô phải sáng tạo xây dựng phương pháp giáo dục hiệu quả nhất cho trẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)