Trong năm học 2020-2021, nhiều nội dung chương trình ở bậc trung học đã được Bộ GD-ĐT đưa vào “danh sách” không dạy, khuyến khích học sinh tự học, tự làm, tự nghiên cứu. Cùng với tinh giản, bộ cũng hướng dẫn giáo viên điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong năm học mới theo hướng dạy học theo chủ đề, chuyên đề, tích hợp theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất học sinh.
Việc tinh giản nội dung trong năm học mới hỗ trợ các trường chủ động hơn trong đổi mới. Trong hình: Học sinh TP.HCM trong một tiết sân khấu hóa văn học
Nội dung tinh giản vừa công bố bao gồm 10 môn học: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, ngữ văn, lịch sử, địa lý và GDCD. Theo Bộ GD-ĐT, các nội dung được tinh giản trong các bộ môn đều thuộc phần kiến thức vượt quá yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành.
Từ tính “cởi mở” này, các giáo viên, nhà quản lý cho rằng việc xây dựng kế hoạch giảng dạy trong năm học mới sẽ trở nên linh hoạt, mềm dẻo, thích ứng với mọi hoàn cảnh, hỗ trợ các đơn vị chủ động hơn trong đổi mới, tiếp cận Chương trình GDPT 2018.
Giáo viên hân hoan
Thầy Võ Kim Bảo (giáo viên ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) nhận định, nội dung tinh giản trong bộ môn ngữ văn bậc THCS không quá nhiều nhưng lại khá phù hợp bởi các bài tinh giản đều khá khó với nhận thức của học sinh. Bên cạnh việc tinh giản, bộ còn hướng dẫn các nhóm bài để dạy theo chủ đề, giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để luyện tập cho học sinh vì môn văn hiện tại đang rất hạn chế giờ luyện tập.
“Căn cứ theo nội dung tinh giản của bộ trong chương trình Ngữ văn lớp 8 được áp dụng trong năm học tới thì 4 bài Nhớ rừng, Ông đồ, Câu nghi vấn và Câu nghi vấn (tiếp theo) được bộ hướng dẫn dạy theo chủ đề tích hợp. Trong khi đó, với cấu trúc chương trình trước đây thì để dạy 4 bài này giáo viên sẽ có 5 tiết học thực tế trên lớp để dạy. Như vậy là quá ít. Nhưng với nội dung tinh giản thì giáo viên hoàn toàn có thể linh hoạt, tăng tiết nếu thấy cần thiết. Các bài học cũng sẽ hỗ trợ cho nhau nhiều hơn, bài này là ví dụ của bài kia. Học sinh dùng bài sau để vận dụng, phân tích, hiểu rõ hơn kiến thức bài trước…”, thầy Bảo nêu ví dụ.
Yêu cầu của chương trình tinh giản khiến giáo viên sẽ không thể dạy như cũ mà cần phải thiết kế giáo áo mới để dạy học theo chủ đề, chuyên đề. Từ việc được chủ động hơn trong điều chỉnh thời gian triển khai kiến thức, giáo viên sẽ có thêm thời gian để hỗ trợ học sinh luyện tập, củng cố kiến thức và sáng tạo thêm các hình thức dạy học mới ngay trên lớp học, giúp học sinh có sự kết nối, tích hợp tốt trong quá trình học tập.
Tỏ ra khá tâm đắc với nội dung tinh giản trong năm học mới mà bộ vừa ban hành, thầy Trần Văn Đúng (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh) cho rằng, với nội dung tinh giản này giáo viên sẽ mạnh dạn hơn với những kiến thức vốn vẫn được coi là “râu ria” trong chương trình như đọc thêm, văn học nước ngoài. Bên cạnh đó, bộ cũng gợi ý chủ đề tích hợp trong chương trình nên việc dạy và học sẽ được mạnh dạn đẩy mạnh theo hướng hệ thống hóa, giáo viên dễ dàng hơn trong đổi mới môn học bằng dạy học dự án, sân khấu hóa…, từ đó loại bỏ được nội dung kiến thức ôm đồm, dàn trải, thậm chí nếu mạnh dạn giáo viên có thể thay thế, thêm bớt ngữ liệu phù hợp. “Chắc chắn khi đồng bộ dạy học theo cách này, áp lực bài vở, thời gian sẽ được giảm đi rõ rệt, cả người dạy và người học sẽ có điều kiện để rèn luyện, ôn tập nhiều hơn, kỹ năng làm bài sẽ tốt hơn”.
Tuy nhiên, thầy Đúng cũng kỳ vọng, với “bước đà” đổi mới mạnh mẽ này, Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn hơn nữa trong tinh giản nội dung, “với xa” hơn nữa đối với những bài có nội dung tương đồng. Đồng thời, sắp xếp lại phân phối chương trình sao cho phù hợp với mạch kiến thức môn học. Đặc biệt song song với tinh giản nội dung thì bộ cần dứt khoát hơn nữa trong đổi mới thi cử để việc thi cử với việc học không bị “lệch pha”.
Nhà trường chủ động trong mọi hoàn cảnh
Từ phía nhà trường, thầy Đào Phi Trường (Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường) cho hay, ngay sau khi có thông tin tinh giản nội dung ở 10 bộ môn trong năm học tới, nhà trường đã giao cho các tổ trưởng chuyên môn để thầy cô chủ động thiết kế, xây dựng nội dung môn học ở từng bộ môn theo đúng tinh thần tinh giản, phù hợp với đặc thù học sinh, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường. “Điều thuận lợi nhất khi bộ tinh giản nội dung chương trình trong năm học mới tới chính là đặt các trường vào thế chủ động trong mọi hoàn cảnh. Các nhà trường, nhất là giáo viên được đặt vào thế buộc phải đổi mới, buộc phải thay đổi chứ không phải còn tâm lý “đổi mới cũng được, không đổi mới cũng chả sao””.
Một điều tâm đắc nữa trong việc tinh giản nội dung chương trình, theo thầy Trường đó chính là giảm tải bớt áp lực cho học sinh, giúp học sinh nâng cao ý thức, tinh thần tự học, tự nghiên cứu. “Theo Bộ GD-ĐT, nguyên tắc chung của tinh thần tinh giản là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành. Các nội dung ghi: “Không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu, khuyến khích học sinh tự đọc, khuyến khích học sinh tự làm, khuyến khích học sinh tự thực hiện” sẽ không đưa vào kiểm tra đánh giá học sinh. Như vậy, nhìn một cách tổng quát, khi chương trình, kiến thức được giảm tải thì rõ ràng là đã giúp giảm rất nhiều áp lực về học tập, kiểm tra, đánh giá cho cả học sinh, giáo viên. Điều này giúp nhà trường, thầy cô sẽ có nhiều thời gian hơn để thiết kế các hoạt động giảng dạy để phát triển kỹ năng, kiến thức mà học sinh còn yếu, thiếu”, thầy Trường khẳng định.
Chung nhận định, cô Dương Thị Hải Quý (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ) đánh giá, việc Bộ GD-ĐT chủ động tinh giản nội dung trong năm học mới trước tiên sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nhà trường trong xây dựng kế hoạch giảng dạy, tiếp cận gần hơn với đổi mới. Nhất là nhà trường sẽ có sự chủ động trong mọi tình huống phát sinh để không ảnh hưởng đến kiến thức của học sinh.
“Ở những nội dung đã tinh giản, các nội dung khuyến khích học sinh tự đọc, tự làm, tự thực hiện dù sẽ không được nhà trường đưa vào trong chương trình kiểm tra, đánh giá nhưng sẽ vẫn được giáo viên linh hoạt kiểm tra kiến thức tự học của học sinh thông qua việc lồng ghép trong nội dung chuyên đề, dự án… Hiện tại, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh phổ thông còn rất yếu. Các nội dung khuyến khích học sinh tự học cũng có thể sẽ được giáo viên hỗ trợ hướng dẫn qua trực tuyến. Hy vọng rằng, thông qua việc tinh giản này, ý thức tự học, tự nghiên cứu của học sinh sẽ được cải thiện”, cô Quý bày tỏ.
Đánh giá rất cao khía cạnh giảm tải áp lực học tập cho học sinh của tinh thần tinh giản nội dung chương trình, song thầy Lê Thanh Long (giáo viên địa lý, Trường THPT Phạm Văn Sáng) cho rằng để có thể hỗ trợ tốt được mục tiêu đó cho học sinh thì bản thân người giáo viên phải thể hiện rõ sự chủ động của mình trước nội dung tinh giản. “Thầy cô gần như đã được cởi trói về áp lực số tiết, cơ cấu chương trình. Đối với những bài yêu cầu tích hợp thành chủ đề dạy học thì giáo viên cần phải cấu trúc lại nội dung sao cho hợp lý, sử dụng các hình thức dạy học đa dạng như nghiên cứu, thuyết trình, dạy học dự án… Với ngay cả các bài còn lại, tổ bộ môn cũng vẫn có thể cấu trúc lại để dạy thành chuyên đề”.
Theo thầy Long, nội dung kiến thức của Chương trình GDPT 2018 về cơ bản là không khác nhiều so với chương trình hiện hành. Việc Bộ GD-ĐT tinh giản các nội dung dạy học “không cần thiết” trong năm học mới đã là một trong những cách để hỗ trợ giáo viên chủ động hơn trong tiếp cận những phương pháp mới trong Chương trình GDPT 2018, hướng tới dạy học phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)