Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Chủ động học tập, lường trước dị biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Người chia sẻ kinh nghiệm du học kỳ này là Võ Xuân Hoài, du học sinh đang sống và học tại Pháp. Không chỉ học song song chương trình thạc sĩ tại hai trường đại học (ngành khoa học công nghệ đại học sư phạm Cachan và tài chính đại học Paris 1), Võ Xuân Hoài còn giữ trọng trách tổng thư ký hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF). Chúng tôi gặp Hoài khi anh về nước tổ chức diễn đàn du học Pháp, một diễn đàn thường niên của UEVF.
Khi du học ở cộng đồng Pháp ngữ, anh đã gặp những khó khăn gì và đến thời điểm này, để chia sẻ với thế hệ du học sinh tiếp theo, anh sẽ lưu ý họ điều gì?

Võ Xuân Hoài tại diễn đàn du học Pháp 2012

Tôi sang Pháp nhờ chương trình học bổng Liên minh châu Âu; tôi học tiếng Anh và chưa hề biết tiếng Pháp! Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là việc kiếm nhà. Mọi người lúc đó bảo lẽ ra phải tìm nhà trước mới sang chứ! May mắn là được những người bạn ở đây nhiệt tình giới thiệu nên cũng tìm được nhà. Ngôn ngữ dần cải thiện nhờ tôi học và tích cực thực hành bất cứ khi nào có thể. Vì những trải nghiệm ấy mà khi tham gia UEVF, tôi cũng như các thành viên khác muốn mang những kinh nghiệm của người trong cuộc chia sẻ, giúp các bạn học sinh Việt Nam du học thuận lợi nhất.
Về cuộc sống, trước tiên du học sinh mới sang cần lưu ý về thủ tục hành chính. Thủ tục ở nước này rất gắt gao. Cần chuẩn bị thật đầy đủ hồ sơ của mình, gồm hồ sơ cá nhân, các chứng từ, bảng điểm, tài liệu… để làm sao lúc sang Pháp, khi đăng ký thủ tục hành chính, nhà ở, ngân hàng đều gặp thuận lợi. Chỉ cần thiếu một loại giấy tờ liên quan, họ đều không chấp nhận. Đặc biệt là chi tiêu: nếu không có kế hoạch tài chính hợp lý thì số tiền mang theo không đủ vì không phải ai cũng đi bằng tiền học bổng cả. Về văn hoá, phải làm quen, tiếp xúc để có những ứng xử hợp lý.
Về chương trình giáo dục của Pháp, anh có thể chia sẻ điều gì?
Đi du học Pháp cũng như các nước khác phải lường trước những dị biệt so với lúc ở Việt Nam: văn hoá, điều kiện học tập, phương pháp học tập… Trong đó, cần lưu ý giáo dục ở Pháp thực tế hơn trong học và ứng dụng, thực hành. Học sinh không chỉ nắm bắt lý thuyết trong giảng đường mà ngay sau đó sẽ thực hành những kiến thức vừa học ở phòng bên cạnh. Điều này có thể gây khó khăn do cách học ở Việt Nam thiên về lý thuyết. Thường các bạn sinh viên mới sang thời gian đầu học lý thuyết rất giỏi, nhưng điểm thực hành thua sinh viên bản địa. Đặc biệt, quá trình lên giảng đường như thế nào, làm việc với các đơn vị thực tế… phải luôn chủ động. Đi du học không phải quá khó trong bối cảnh hiện nay, nhưng cần lường trước những khác biệt để mỗi sinh viên có sự tự lập cũng như có kế hoạch học tập riêng. Muốn vượt qua những khó khăn ban đầu này, bắt buộc người học phải có quá trình làm quen với người bản xứ, trong quá trình vừa học, giao lưu vừa nhờ họ bổ trợ kiến thức cho mình. UEVF cũng là địa chỉ tốt với nhiều chương trình hỗ trợ du học sinh Việt Nam tại Pháp.
Anh có thể nói rõ hơn những hoạt động của UEVF?
UEVF có 22 chi hội thành viên trực thuộc và là hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có quy mô rộng lớn nhất. Hỗ trợ cho các bạn sinh viên từ lúc chuẩn bị du học, hàng năm chúng tôi đều mở diễn đàn du học Pháp ở Việt Nam. Lúc các bạn sang đến nơi, UEVF sẽ tổ chức ngày hội đón tiếp tân sinh viên tại các nhà ga sau đó đưa các bạn về nhà, giúp tìm nhà ở, hướng dẫn làm thủ tục. Trong quá trình học, với những bạn chưa có mối quan hệ để xin thực tập, chúng tôi sẽ cung cấp những địa chỉ phù hợp ngành học. Khi các bạn học xong, có ngày hội việc làm để tìm hiểu và làm quen các đơn vị doanh nghiệp. Đoàn kết là sức mạnh, UEVF muốn tạo cho các bạn du học sinh một môi trường gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm học tập và hỗ trợ nhau trong cuộc sống để từ những gì gặt hái được trong quá trình du học mà hướng về quê hương, mang những kiến thức ấy về phục vụ đất nước.
Điều gì anh tâm đắc nhất khi du học Pháp? Bí quyết tìm học bổng của anh là gì?
Đó là điều kiện học tập tốt, chi phí rẻ và có nhiều trường đẳng cấp quốc tế. Giáo dục Pháp ngoài trang bị lý thuyết còn đặt mục tiêu cao hơn là người học phải biến lý thuyết thành kỹ năng trong làm việc. Đó còn là yêu cầu mỗi người học phải chủ động, tự giác trong việc bổ túc kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Ngoài ra, từ Pháp có thể học, trải nghiệm và đi các nước châu Âu rất dễ dàng.
Tôi nhận học bổng Erasmus Mundus (EM) thông qua phỏng vấn. Đây là một trong những suất học bổng có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay. Để săn học bổng nào cũng vậy, cần tìm hiểu kỹ về chương trình học bổng, những yêu cầu và ưu tiên, tỷ lệ “chọi”, những cơ hội cho mình. Với EM, cần lưu ý cơ hội để nhận học bổng là thành tích học tập hay làm việc, thư xin học bổng phải thể hiện được mục tiêu đeo đuổi khoá học. Việc có “thương hiệu” là sinh viên đại học sư phạm Cachan, một trong những trường danh tiếng nhất ở Pháp, cũng là một may mắn giúp tôi nhận được học bổng này.
Theo SGTT


Bình luận (0)