- 1 Chủ động phòng cúm trong mùa dịch
Trước tình hình dịch cúm A đang bùng phát mạnh, ngành y tế và các đơn vị trường học trên địa bàn Đà Nẵng tăng cường các biện pháp phòng bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh.

Trường học tăng cường đề kháng cho trẻ
Những ngày đầu năm 2025, thời tiết ở TP.Đà Nẵng ẩm ướt, dịch cúm A bùng phát khá mạnh. Để phòng bệnh cho học sinh, các trường học trên địa bàn thành phố ngoài việc khuyến nghị phụ huynh tiêm phòng vắc-xin cho trẻ, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để theo dõi sức khỏe cho các cháu, công tác phòng bệnh trong trường học được nâng cao. Đặc biệt, đối với các trường mầm non với đối tượng trẻ nhỏ dễ mẫn cảm với sự thay đổi thời tiết. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu) chia sẻ: “Nhà trường đã chỉ đạo nhân viên y tế thường xuyên theo sát các biểu hiện ốm đau của trẻ. Trong trường hợp có ca bệnh cúm tại trường phải cách ly ngay trẻ đó, gọi phụ huynh cho trẻ về để đến cơ sở y tế khám chữa bệnh. Hàng ngày, chúng tôi kiểm tra và nhắc nhở các lớp xông tinh dầu vào đầu giờ và giờ trưa trẻ ngủ; kiểm tra trang phục giữ ấm cho trẻ với thời tiết se lạnh, đồng thời trẻ luôn được mang dép trong lớp 100%. Thường xuyên cho trẻ uống si rô sả gừng, cho trẻ ăn những thực đơn đảm bảo chất dinh dưỡng cao và ấm áp để tăng đề kháng…”.
Tương tự, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hướng Dương (quận Liên Chiểu) đề ra kế hoạch thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có cúm mùa. Công tác vệ sinh môi trường, đồ dùng, thiết bị học tập trong và ngoài lớp học, bàn ghế, tủ, kệ… được vệ sinh thường xuyên bằng Cloramin B. Trẻ đến trường được nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khử khuẩn, khuyến khích phụ huynh mang khẩu trang cho trẻ trên đường đến trường và chủ động tiêm phòng vắc-xin để tăng cường đề kháng phòng chống dịch bệnh. “Quá trình dạy học trên lớp, các giáo viên thường xuyên theo dõi sức khỏe, khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu sốt, ho, đau họng hay uể oải sẽ thông báo cho nhân viên y tế hỗ trợ và liên lạc với phụ huynh để kịp thời đưa con đi khám tại các cơ sở y tế”, bà Lương Thị Thủy Chung – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Chủ động phòng chống dịch bệnh theo mùa
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy trong khoảng 10 ngày đầu tháng 2-2025, tại Đà Nẵng có khoảng 11 ngàn lượt người tiêm vắc-xin phòng cúm tại các cơ sở y tế. Trong tháng 1-2025, Đà Nẵng ghi nhận 122 bệnh nhân mắc cúm mùa điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Những ngày đầu tháng 2, số lượng bệnh nhân mắc cúm có chiều hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh có biểu hiện sốt, ho…
Ngành y tế Đà Nẵng đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm mùa và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát mạnh, gây lo lắng và hoang mang trong nhân dân. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố chủ động giám sát, đánh giá, nhận định và dự báo tình hình dịch bệnh cũng như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến dưới. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh lây qua đường hô hấp và các bệnh truyền nhiễm khác.
Bác sĩ Nguyễn Hóa – Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tại các cơ sở y tế, triển khai giám sát tình hình bệnh viêm phổi nặng do virus, hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen để xác định các chủng đang lưu hành cũng như phát hiện sớm các chủng virus nguy hiểm và các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Đơn vị cũng triển khai tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng các loại vắc-xin phòng cúm, đặc biệt là người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính và đối tượng trẻ nhỏ.
Ngày 13-2, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cũng đã có văn bản gửi các đơn vị, sở ngành liên quan về việc tăng cường triển khai các hoạt động kiểm soát, phòng, chống bệnh sởi và bệnh cúm. Theo đó yêu cầu Sở GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi và cúm theo hướng dẫn của ngành y tế tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dạy trẻ phối hợp với các cơ sở y tế địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, bệnh cúm; thường xuyên thực hiện vệ sinh trường lớp, đảm bảo môi trường lớp học thông thoáng, tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vệ sinh cá nhân; vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; thực hiện theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh, giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và thông báo ngay cho ngành y tế để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan.
Chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh; đảm bảo nhân lực, giường, khu vực cấp cứu, thu dung, điều trị, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ, khu vực cách ly tạm thời tại cơ sở khám chữa bệnh và các điều kiện khác cho công tác phòng, chống sởi, cúm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch, bệnh.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)