Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình, các bộ ngành, địa phương phải chủ động, tích cực đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; tập trung nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi bà con nhân dân khu tái định cư dự án đường Tân Vạn – Nhơn Trạch. Ảnh: VGP
Ý kiến này được nêu tại phiên họp thường kỳ tháng 1-2023 nhằm đánh giá tình hình kinh tế – xã hội (KTXH) tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.
Vẫn còn những khó khăn, thách thức
Đánh giá kết quả KTXH tháng 1, Thủ tướng nhấn mạnh đến sự tích cực của các bộ ngành, địa phương trong chỉ đạo, triển khai các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội cũng như sự bản lĩnh, linh hoạt, tinh thần đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thế giới biến động, nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều thách thức bất ngờ. Do đó, dù trong bối cảnh khó khăn song KTXH tiếp tục có xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, nhất là lĩnh vực dịch vụ. An sinh xã hội, đời sống người dân được đảm bảo.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thừa nhận vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đơn cử, trong các động lực tăng trưởng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài. Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Du lịch sôi động trở lại nhưng còn khoảng cách lớn với thời điểm trước dịch Covid-19. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức trẻ mới được tuyển dụng vào khu vực công. An ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tội phạm mạng.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công
Theo Thủ tướng, dự báo tình hình sắp tới tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Các yếu tố tác động kép, tiêu cực trước tình hình trong và ngoài nước. Theo đó, “Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình, các bộ ngành, địa phương phải chủ động, tích cực đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; tập trung nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu”, Thủ tướng đề nghị.
Cũng theo Thủ tướng, trong các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực, nhất là kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và nghị quyết của Quốc hội thì các bộ trưởng, trưởng ngành các cấp, chủ tịch UBND các địa phương cần nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu năm. Song song đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo theo quy định, chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nhấn mạnh đến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước. Các nhóm tác động lớn đến lạm phát như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng phải kiểm soát chặt chẽ. Điều hành thận trọng, hiệu quả các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại dự án đường Tân Vạn – Nhơn Trạch (thuộc Vành đai 3 TP.HCM). Ảnh: VGP
Về thực hiện chính sách tiền tệ cần chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. “Trong bối cảnh hiện nay, cần phát huy vai trò cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, tháo gỡ các thanh khoản liên quan đến lãi suất”, Thủ tướng nói.
“Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023 phải đưa ra ngay từ đầu năm thì sẽ hỗ trợ các chính sách tiền tệ. Rút kinh nghiệm các năm vừa qua, các tổ công tác phải làm ngay. Kiểm tra từng công việc, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023. Bộ Kế hoạch Đầu tư nói rõ bộ ngành, địa phương nào chưa làm. Quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án lớn, quan trọng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm. Ngay từ đầu năm, phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng đề nghị phải bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Rà soát tín dụng không phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là bất động sản. Bởi, bất động sản không tháo gỡ được sẽ tắc cả dòng tiền, tắc kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến việc làm người lao động.
Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước; bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật. Tăng cường chuyển đổi số kết hợp dữ liệu dân cư để sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống. Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng KTXH quan trọng. Tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Khẩn trương hoàn thành kế hoạch và hướng dẫn sử dụng tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2022, ngoài phần dành cho tăng lương và các vấn đề đột xuất, bất ngờ, cần tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa…
“Cả nước có 400.000 tỷ đồng tăng thu, phải sử dụng có hiệu quả, sử dụng là công cụ để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ đang gặp khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh phải làm; Bộ Tài chính hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn quốc”, Thủ tướng nói.
Minh Phương
Bình luận (0)