Sự kiện giáo dụcTin tức

Chủ động ứng phó với bão số 12,13 theo phương châm “4 tại chỗ”

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp ứng phó với bão số12, bão số 13, sáng 10/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các bộ, ngành, địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.

Đảm bảo an toàn tuyến biển và đất liền

Phó Thủ tướng đề nghị, trên tuyến biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản, các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ tàu, thuyền tại nơi neo đậu, không để người ở lại trên các phương tiện, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản khi bão số 12 đổ bộ.

Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan như Công an, Giao thông Vận tải, các địa phương… sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra cũng như khắc phục thiên tai, tìm kiếm người mất tích.

Các đơn vị chức năng theo dõi chặt diễn biến của bão số 13 (VAMCO), thông tin kịp thời đến thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu; tổ chức sơ tán người dân đến nơi an toàn; đồng thời triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các địa phương tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai ven biển, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng, do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố. Bảo vệ các công trình hạ tầng, giao thông, hệ thống điện…," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong công tác phối hợp, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung ứng phó với mưa lũ và bão số 9 thời gian qua, Phó Thủ tướng mong muốn tinh thần này tiếp tục được phát huy trong công tác ứng phó với bão số 12,13, trong đó có phương án đảm bảo lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác để ứng phó với bão số 12, 13; đảm bảo an toàn gia súc, gia cầm, nhất là đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi, tập trung tại khác khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.

Sẵn sàng vận hành công trình tiêu thoát nước khi có mưa lớn để bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng khu vực đô thị; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung.

"Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão đợt vừa qua; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bão số 12 gây mưa diện rộng ở Trung Bộ và Tây Nguyên, bão số 13 vào Biển Đông khoảng ngày 12/11

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, lúc 10 giờ, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Từ 10 giờ ngày 10/11 đến 13 giờ ngày 10/11, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10-15km/ giờ.

Trên đất liền, tại An Nhơn (Bình Định), Sông Cầu (Phú Yên) đã quan trắc được gió cấp 7, giật cấp 9; các nơi khác ở Bình Định, Phú Yên quan trắc được gió giật cấp 6-7.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình lên mức báo động 1-báo động 2, các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, có sông lên trên mức báo động 3. Đỉnh lũ trên các sông ở Bình Định đến Khánh Hòa khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3. Lũ trên các sông ở Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3. 

Đề cập đến diễn biến bão số 13 (VAMCO), Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, hiện bão số 13 đang mạnh ở cấp 8, giật cấp 10 (trước khi vào Philippines, cường độ tăng lên cấp 13-14, giật cấp 17).

Sơ đồ đường đi của bão số 12 qua Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bão VAMCO vào Biển Đông trong khoảng ngày 12/11, trở thành bão số 13 năm 2020 với sức gió mạnh nhất trên Biển Đông đạt cấp 12, giật cấp 15.

Dự báo bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 14-15/11.

Chuẩn bị các điều kiện ứng phó bão 12,13

Theo báo cáo, tính đến 6 giờ ngày 10/11, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người (hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão).

Tính đến 16 giờ ngày 9/11, đã thông báo, kiểm đếm 926 tàu vận tải tại các vùng nước, cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, trong đó có 196 tàu biển và 730 phương tiện thủy nội địa.

Thông tin từ Vụ Quản lý Đê điều, Tổng cục phòng chống thiên tai, hiện có 9 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 1,8km (Bình Định 1, Ninh Thuận 8); 6 công trình đê, kè đang thi công với tổng chiều dài 1,37km.

Do ảnh hưởng của bão số 9 và mưa lũ đã làm sạt lở 1,6km kè biển Tam Quan (Bình Định), hiện nay địa phương mới khắc phục tạm thời những vị trí bị sạt lở nghiêm trọng bằng bao tải cát.

Các địa phương tiếp tục triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, triển khai phương án gia cố, bảo vệ các trọng điểm xung yếu, công trình đang thi công và các sự cố đã xảy ra để ứng phó với bão.

Để chủ động ứng phó với bão số 12, 13, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có Công điện số 36/CĐ-TW ngày 8/11 về việc ứng phó với bão; các văn bản số 177/TWPCTT ngày 7/11, số 179/TWPCTT ngày 9/11 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên đề nghị triển khai ứng phó với bão và đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão phục vụ công tác chỉ đạo. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí thường xuyên cập nhật các thông tin cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, mưa lũ và ngập lụt./.

Theo Thắng Trung/TTXVN

 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)